Ông Vũ Đình Duy sai phạm vẫn thăng chức: Ai quyết định?

Thứ năm, 22/06/2017, 14:17
Việc PVTEX do ông Vũ Đình Duy làm Tổng Giám đốc làm ăn bết bát mà ông này vẫn liên tiếp được thăng chức là hiện tượng hết sức bất thường.

Thăng chức bất thường

Ông Vũ Đình Duy đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc PVTEX từ ngày 15/7/2009 đến tháng 2/2014. Khi doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, thường xuyên thua lỗ, ông Duy từng bị giáng chức làm phó Tổng giám đốc PVTEX.

Tuy nhiên từ năm 2015 đến nay, dù hoạt động kinh doanh của PVTEX hết sức bết bát nhưng ông Vũ Đình Duy liên tục được bổ nhiệm các vị trí cao: phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng, phó Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và môi trường rồi tham gia hội đồng thành viên của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).

Chia sẻ với PV về vấn đề này, PGS.TS Hoàng Văn Cường, ĐBQH Hà Nội, cho rằng trường hợp ông Vũ Đình Duy cần phải xem xét lại một cách cụ thể các quy trình bổ nhiệm.

Theo ông Cường, PVTEX do ông Duy từng đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc liên tiếp làm ăn thua lỗ, gây ra tổn thất nặng nề cho nhà nước mà ông này vẫn liên tiếp được bổ nhiệm, đề bạt lên những vị trí cao hơn là hết sức bất thường.

Ông Vũ Đình Duy sai phạm vẫn liên tiếp được thăng chức

“Rõ ràng công tác quản lý cán bộ của chúng ta có vấn đề. Trong trường hợp này chúng ta không chỉ xử lý đương sự được bổ nhiệm là ông Vũ Đình Duy mà phải truy lại xem quy trình bổ nhiệm, đưa ông này lên các vị trí khác như thế nào.

Những ai tham gia vào quá trình bổ nhiệm đó và những người khi làm thủ tục đề bạt, xét duyệt, bổ nhiệm ông Duy có xét đến những sai phạm, trách nhiệm ông này gây ra tại PVTEX hay không?  Rõ ràng cấp trên của ông Vũ Đình Duy phải chịu trách nhiệm cho quyết định của mình”, ông Cường nhấn mạnh.

ĐBQH Hà Nội nhắc lại trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang) sau khi các cơ quan nhà nước phát hiện ra việc bổ nhiệm có nhiều vấn đề trái với quy định đã đồng loạt xử lý hàng loạt cán bộ đương chức và nghỉ hưu.

“Việc này hoàn toàn có thể làm được. Không phải đương sự tẩu tán đi thì những người còn lại là vô can. Đây là việc thể hiện tính cương quyết của Đảng và nhà nước. Nếu chúng ta làm tốt, phát hiện ra sớm, thậm chí phát hiện ngay ra trong quá trình xảy ra sự việc thì có thể xử lý luôn để tránh hậu quả.

Trong quá trình xem lại quy trình bổ nhiệm nếu cán bộ cố tình làm sai để thất thoát hoặc chiếm dụng tài sản nhằm vụ lợi thì phải truy ra để thu hồi. Nếu không tìm ra được những bằng chứng, cơ sở có vụ lợi, liên quan đến lợi ích kinh tế thì phải xử lý hành chính. Trường hợp nghiêm trọng thì phải xử lý hình sự”, ông Cường nêu quan điểm.

Chia sẻ thêm với vấn đề này, ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, các sai phạm của ông Vũ Đình Duy liên quan trực tiếp đến Bộ Công Thương và cá nhân ông Vũ Huy Hoàng thời kỳ còn làm Bộ trưởng.

Ông Thuận khẳng định, việc xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan đến việc đề bạt, bổ nhiệm ông Vũ Đình Duy sang các vị trí mới là hết sức cần thiết để thể hiện tính nghiêm minh và công bằng của pháp luật.

“Sai phạm trên xuất phát từ chỗ Bộ Công Thương “vừa đá bóng vừa thổi còi”, tức là Bộ này vừa làm công tác quản lý vừa tiến hành thanh tra, kiểm tra.

Đó là một sai lầm lớn nhất về tổ chức, cơ chế, thể chế quản lý nhà nước hiện nay của chúng ta. Chuyện này trách nhiệm cá nhân thì rất rõ nhưng chưa được quan tâm, nghiên cứu về cơ chế, thể chế dẫn đến hệ quả xấu cho đất nước, cho nhân dân.

Với trường hợp ông Vũ Đình Duy, quy trách nhiệm kiểu gì cũng liên quan đến Bộ Công Thương.”, ông Thuận nói.

Theo ông Thuận, để tìm ra quy trình bị sai ở khâu nào và ai là người chịu trách nhiệm chính trong việc bổ nhiệm ông Vũ Đình Duy không hề khó khăn.

“Chúng ta hoàn toàn có thể kiểm tra quy trình sai ở chỗ nào, ở đâu? Biên bản họp để bàn bạc, luân chuyển cán bộ còn nguyên hết. Trong biên bản ai là người chủ trì, gồm có những thành viên nào. Trong buổi họp đó có báo cáo về vấn đề sai phạm của ông Duy hay không?

Nếu không báo cáo thì tại sao lại không báo cáo? Thanh tra, kiểm tra ở đâu? Có vấn đề gì lợi ích, chia chác trong đó hay không?”, ông Thuận đặt câu hỏi.

Phải thu hồi tài sản thất thoát

Ông  Trần Quốc Thuận chia sẻ, vấn đề nhân dân xót xa nhất trong vụ việc ông Vũ Đình Duy là hàng ngàn tỷ đồng của nhà nước bị thất thoát nhưng chưa được thu hồi. Theo ông Thuận, đây là vấn đề cần phải hết sức lưu tâm bên cạnh việc xử lý, kỷ luật cán bộ.

“Cần phải có cơ chế thu hồi lại tài sản lãng phí. Cả tài sản của những người có trách nhiệm bổ nhiệm ông Duy cũng phải tính đến việc thu hồi. Chứ không phải chỉ tính đến vấn đề kỷ luật cán bộ và bỏ qua những việc kia”, ông Thuận nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo nhận định của ông Hoàng Văn Cường, hiện nay Bộ Nội vụ cũng đang tính đến một loạt những thay đổi trong quy trình bổ nhiệm và quản lý cán bộ sau khi 1 loạt vấn đề xã hội lo ngại cũng như quy trình quản lý cán bộ không chặt chẽ.

“Vấn đề quy trách nhiệm cá nhân còn nhiều thiếu xót. Theo tôi trách nhiệm ở đây tức là phải quy trách nhiệm hậu quả khi quyết định bổ nhiệm cán bộ làm không đúng.

Nếu như luật pháp làm chặt chẽ và thay đổi mạnh mẽ hơn thì đây sẽ là cơ sở pháp lý để chúng ta xử lý tốt hơn, đồng thời tránh tình trạng người thi hành sẽ lợi dụng kẽ hỡ để tạo điều kiện cho cái sai trái”, ông Cường nêu quan điểm.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn