Nga lập căn cứ mới, quyết đấu với Mỹ ở Nam Syria

Thứ bảy, 24/06/2017, 09:25
Nga vừa thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên ở trung tâm khu vực phía Nam Syria, có thể khống chế biên giới Syria-Iraq cũng như biên giới Syria-Israel-Jordan.

Nga lập căn cứ mới khống chế phía Nam Syria

Theo giới truyền thông, các lực lượng kỹ thuật công trình của Nga đã bắt đầu xây dựng một căn cứ mới ở khu vực phía Nam Syria tại một ngôi làng nhỏ mang tên Khirbet Ras Al-Wa'r thuộc quận Bir al-Qassab, ở vùng nông thôn ngoại ô phía Đông thủ đô Damascus của Syria.

Tuy nhiên, hiện căn cứ này vẫn chưa hoàn tất việc xây dựng, đồng thời, giới chức lãnh đạo Moscow và đại diện lực lượng quân sự Nga ở Syria cũng không đưa ra bất cứ tuyên bố gì về sự việc này, do đó, vẫn chưa thể biết được Nga sẽ điều động bao nhiêu quân và tăng cường những vũ khí-trang bị nào đến căn cứ này.

Ngoài căn cứ hải quân Tartus và Căn cứ không quân Hmeymim thuộc tỉnh Tây Bắc Latakia, căn cứ mới này là cơ sở đầu tiên được thiết lập kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch không kích chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) vào ngày 30 tháng 9 năm 2015.

Từ đó cho đến nay, Moscow đã tuân thủ chính sách hạn chế sự hiện diện quân sự của mình tới phần phía tây của đất nước dọc theo bờ biển Địa Trung Hải; ở phía Đông cũng không có lực lượng nào của quân đội Nga tiến xa hơn thành cổ Palmyra của tỉnh Homs.

Tuy nhiên, trước tình hình căng thẳng ở phía Đông Nam Syria, Nga đã mở thêm một căn cứ quân sự ở khu vực trung tâm, có khả năng nhanh chóng kiểm soát cả khu vực biên giới phía Nam (giáp Jordan) lẫn Đông Nam (giáp Jordan và Iraq) và Tây Nam (giáp Jordan và Israel).

Các nguồn tin quân sự của DEBKAfile nhận định rằng, Căn cứ Khirbet Ras Al-Wa'r sẽ cung cấp cho Nga một công cụ kiểm soát vùng Đông Nam giáp sa mạc phía Đông và biên giới với Jordan và Iraq, nơi mà Quân đội Mỹ và nhóm phiến quân FSA đang nỗ lực chống lại lực lượng vũ trang người Shiite được Iran hậu thuẫn ở hai bên biển giới Syria và Iraq.

Căn cứ quân sự mới của Nga ở Khirbet Ras Al-Wa'r có vị trí chiến lược

Các lực lượng Nga cũng sẽ có chỗ đứng chân gần hơn bao giờ hết đến biên giới với Israel, bởi từ Khirbet Ras Al-Wa'r đến trung tâm Golan vẻn vẹn có 85km và cách Nam Golan cũng chỉ khoảng 110km, không xa các vị trí quân sự của Quân đội Israel (IDF).

Cứ điểm mới của Nga nằm cách biên giới phía Bắc của Jordan 96km và 185km đến căn cứ quân sự của lực lượng đặc nhiệm Mỹ và Jordan đặt tại vùng biên giới al-Tanf, trong tam giác biên giới Syria, Jordan và Iraq.

Việc Moscow quyết định triển khai căn cứ quân sự mới chỉ cách thủ đô Damascus 50km về phía Đông cũng nhằm một mục đích khác là bảo đảm kiểm soát chặt các ngã tư chiến lược dẫn từ phía Đông và phía Nam Syria tới thủ đô - một sự bảo đảm vững chắc cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Assad.

Nga-Mỹ cố gắng thỏa thuận trước trận quyết đấu

Các nguồn thông tin tình báo của DEBKAfile ghi nhận rằng, việc xây dựng căn cứ mới của Nga bắt đầu đồng thời với việc nối lại các cuộc đàm phán bí mật giữa Hoa Kỳ và Nga tại thủ đô Amman của Jordan, với sự tham gia của ông Michael Ratney, đặc sứ Hoa Kỳ về các vấn đề của Syria và Đặc phái viên Tổng thống Nga tại Syria là ông Alexander Lavrentiev.

Đã có những thông tin báo cáo đầu tiên về thỏa thuận ba bên giữa Mỹ, Nga và Jordan về việc tạo ra khu vực phi quân sự ở miền Nam Syria, bao gồm cả các vùng biên giới của Israel và Jordan. Tuy nhiên, các nguồn tin của DEBKAfile khẳng định rằng, chưa có bất cứ thỏa thuận nào đạt được giữa Nga và Mỹ.

Theo thông tin của DEBKAfile, người Nga đưa ra một kế hoạch ba phần để giải quyết tình hình xung đột ở Đông Nam Syria. Những điểm chính trong bản kế hoạch của Moscow như sau:

1. Các lực lượng Mỹ sẽ tiếp tục được nắm giữ al-Tanf. Đổi lại, họ sẽ phải đồng ý cho phép các lực lượng Iran, Syria và Hezbollah đánh đuổi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS và kiểm soát thị trấn biên giới Abu Kamal, cách al-Tanf khoảng hơn 200km về phía Bắc.

2. Nếu Mỹ đồng ý như vậy, Moscow sẽ cam kết đảm bảo việc thu hồi quân đội Iran, dân quân người Shiite ủng hộ Iran và các lực lượng Hezbollah từ khu vực Đông Nam Syria vào một thời điểm nào đó mà 2 bên thỏa thuận được.

3. Nếu các bước trên thuận lợi, một cơ cấu điều hành chung Mỹ-Nga sẽ được thành lập để điều hành các hoạt động hàng ngày của khu vực phía Nam Syria, bao gồm các khu vực dọc biên giới Israel và Jordan và khu vực biên giới giáp với Iraq-Jordan.

Mỹ sẽ không cam chịu trói trong vòng vây của Quân đội Syria

Tuy nhiên, nguồn tin cho biết, Washington cho đến nay đã từ chối kế hoạch này vì hai lý do:

Thứ nhất, việc quân đội Syria đánh chiếm được thị trấn Abu Kamal - nằm đối diện với thị trấn al-Qaim của Iraq sẽ giúp Iran tăng cường sự kiểm soát đối với khu vực biên giới Syria-Iraq, nối thông hành lang huyết mạch trên bộ từ Iran sang Iraq để tới Syria.

Với hành lang này, chính quyền Tehran có thể tăng cường mạnh lực lượng và vũ khí-trang bị sang Syria cho SAA và Hezbollah, làm thay đổi cục diện chiến trường Syria. Washington sẽ không bao giờ cho phép điều này xảy ra, do đó, ngăn chặn lực lượng Syria tiến tới Abu Kamal là mục tiêu hàng đầu của Mỹ.

Thứ hai, nếu thỏa hiệp có thể xảy ra thì điều kiện tiên quyết đầu tiên là người Mỹ muốn lực lượng Iran và Hezbollah ra khỏi khu vực al-Tanf và cả vùng phía Nam căn cứ này, trước khi thực hiện bất kỳ bước đi nào theo đề nghị của Nga.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc Syria lấy gì để bảo vệ Abu Kamal? Đồng thời họ cũng sẽ không có lực lượng nào để gây sức ép lên các cứ điểm của Mỹ, nên việc chiếm được 1, 2 cứ điểm cũng không có nghĩa lý gì, do đó, Nga và Iran sẽ không sẵn sàng chấp thuận.

Giới phân tích nhận định rằng, với những quan điểm đối lập như vậy, Nga và Mỹ sẽ rất khó tìm được sự thỏa hiệp.

Quân đội Syria sẽ tiếp tục đẩy mạnh thế tiến công đến Abu Kamal, còn Mỹ với 2 cứ điểm mới lập ở al-Tanf và của al-Zquf chắc chắn cũng sẽ không cam tâm chịu trói trong vòng vây của SAA; do đó trong thời gian tới, tình hình phía Đông Nam Syria sẽ tiếp tục căng thẳng.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn