Cuối tuần qua, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp về sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sữa dạng lỏng. Khái niệm "sữa tiệt trùng" được các bên thống nhất bãi bỏ, thay thế bằng khái niệm "sữa hoàn nguyên" và "sữa hỗn hợp".
Theo đó, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường chủ trì cuộc họp sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng (QCVN 5-1: 2010/BYT) với sự tham gia của Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, một số bộ ngành, hiệp hội và các doanh nghiệp sản xuất sữa vào chiều 23/6.
Sau một thời gian dài tranh luận trước và trong cuộc họp, việc bãi bỏ khái niệm “sữa tiệt trùng” để thay bằng hai khái niệm “sữa hoàn nguyên” và “sữa hỗn hợp” được đại đa số các doanh nghiệp và Hiệp hội sữa Việt Nam thống nhất.
Hơn 2 năm qua, khái niệm “sữa tiệt trùng” dùng để chỉ các loại sữa dạng lỏng làm từ sữa bột khiến người tiêu dùng nhầm lẫn với sữa tươi, ảnh hưởng đến quyền được minh bạch thông tin, thiếu cơ sở lựa chọn đúng sản phẩm.
Từ đó, doanh nghiệp nuôi bò, sản xuất sữa chịu sự bất bình đẳng trong kinh doanh, tốn chi phí quảng bá không cần thiết để khẳng định "sữa tươi" khác "sữa tiệt trùng". Ngành chăn nuôi bò sữa trong nước vì thế cũng bị tác động tiêu cực.
Sau khi sự bất cấp này được dư luận, các chuyên gia phản ánh, Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội vào cuộc giám sát và kết luận cần sửa đổi. Đoàn giám sát của Quốc hội về An toàn thực phẩm cũng nêu vấn đề này tại kỳ họp Quốc hội vừa qua.
Là cơ quan quản lý chịu trách nhiệm chính, Bộ Y tế đã lấy ý kiến để sửa đổi nội dung này từ tháng 6/2015, sau khi sự việc được nêu ra. Tại các cuộc hội thảo do Bộ này tổ chức, bất cập này được phản ánh và Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (cơ quan tham mưu trực tiếp) thừa nhận tên gọi sữa tiệt trùng gây nhầm lần cho người tiêu dùng.
Trước khi cuộc họp diễn ra, một số doanh nghiệp và Hiệp hội Sữa cho rằng việc sửa đổi sẽ gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh vì tốn chi phí sửa đổi nhãn mác.
Vì vậy, một Thứ trưởng Y tế gửi văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo nhưng đề nghị này bị Văn phòng Chính phủ trả lại vì công việc này thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.
Là người tiếp quản nội dung này, ông Trương Quốc Cường thống nhất chủ trương sửa đổi tên sản phẩm sữa đúng bản chất nguyên liệu, đúng theo tinh thần khoa học, thông lệ quốc tế.
Ông Cường khẳng định, trong tuần tới sẽ ký ban hành Quy chuẩn mới theo các ý kiến thống nhất tại cuộc họp. Trong đó, ông Cường cũng cho hay quy định thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị cho việc chuyển đổi.
Theo Tiền Phong