|
Tổng thống Donald Trump (trái) xem một mẫu máy bay không người lái trong sự kiện liên quan công nghệ cao được tổ chức ở Nhà Trắng ngày 22-6 - Ảnh: Reuters |
Nửa năm đã trôi qua sau cuộc bầu cử Tổng thống ồn ào nhất mà nước Mỹ từng chứng kiến. Cứ tưởng mọi chuyện đã kết thúc, nhưng không phải vậy.
Tổng thống Donald Trump cứ vài ngày lại phải đối phó với một làn sóng tấn công mới liên quan đến “yếu tố Nga” trong chiến dịch tranh cử, nghiêm trọng đến mức nhiều người tự hỏi với đà này, liệu ông có hoàn thành nổi nghị trình đã hứa với cử tri?
Trận chiến tiếp tục
“Mục đích của cơn bấn loạn này không phải để bảo vệ Mỹ khỏi sự can thiệp của Nga mà chỉ nhằm gây khó khăn cho Tổng thống Trump bằng cách tìm mọi cơ sở pháp lý để luận tội ông ấy". Konstantin Kosachev (Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga) |
Ngày 24-6, hàng loạt tờ báo Mỹ đồng loạt giật tít “Ông Trump dường như thừa nhận Nga can thiệp bầu cử”, sau khi ông đăng dòng tweet chỉ trích cựu Tổng thống Barack Obama: “Nếu chính quyền Obama biết trước ngày 8-11 rằng Nga sẽ nhúng tay vào bầu cử. (Họ) Đã không làm gì hết. Tại sao?”.
Và một loạt câu hỏi khác đã được nhà lãnh đạo Mỹ đặt ra sau khi tờ Washington Post đăng bài nói Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ đạo can thiệp bầu cử, giúp ông Trump đắc cử. “Đánh gục hoặc ít nhất là gây tổn hại cho ứng cử viên Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton” là một trong những chỉ đạo “liều lĩnh” của ông Putin, theo tờ báo Mỹ.
Thật ra, đến giờ phút này không mấy ai nghi ngờ chuyện tin tặc Nga tấn công hệ thống máy tính của Đảng Dân chủ, nhưng chứng minh nhóm vận động của ông Trump bắt tay với người Nga hạ uy tín bà Hillary Clinton lại là chuyện khác.
Đây cũng là lý do khiến Nhà Trắng “lên bờ xuống ruộng” thời gian qua khi phải sa thải hàng loạt cố vấn, giữa lúc bộ máy nhân sự đang thiếu thốn nghiêm trọng.
Về phần Nga, ông Putin tuy thừa nhận có thể “một số công dân yêu nước” đứng sau các cuộc tấn công mạng, nhưng ông cho rằng hành động này không thể nào mang tính quyết định đối với kết quả bầu cử Mỹ.
Cũng theo báo Washington Post, chính quyền Obama đã thật sự phản ứng trước thông tin tình báo về Nga. Trước ngày bầu cử, một loạt cảnh báo đã được Mỹ gửi tới Matxcơva và Tổng thống Putin về các động thái của Nga trên không gian mạng. Washington sau đó tiếp tục phản ứng bằng cách trục xuất một loạt nhà ngoại giao Nga về nước.
Tin cho biết một chiến dịch tấn công toàn diện vào các cơ sở hạ tầng mạng của Nga cũng được lên kế hoạch nhưng không kịp tiến hành trước khi ông Obama rời nhiệm sở.
Dân Mỹ muốn cho qua
Theo một kết quả khảo sát mới công bố của Hãng thăm dò Harris Poll hợp tác với Trung tâm nghiên cứu chính trị Mỹ thuộc ĐH Harvard (Harvard-Harris), đa số người Mỹ được hỏi tin rằng các cuộc điều tra về bầu cử đang làm tổn hại đến đất nước, và họ sẽ hài lòng hơn nếu quốc hội dành sự quan tâm cho các vấn đề cấp thiết khác như chăm sóc y tế, khủng bố, an ninh quốc gia, việc làm...
Ông Mark Penn, Giám đốc Harvard-Harris, kết luận: “Dù nhiều cử tri quan tâm đến cáo buộc Nga can thiệp bầu cử, họ lo rằng các cuộc điều tra khiến tổng thống và quốc hội mất tập trung (vào các vấn đề quan trọng khác), thành ra làm tổn hại đất nước nhiều hơn là có ích. Hầu hết cử tri tin rằng hành động của tổng thống chưa đến mức phải bị luận tội, dù một số trong đó không mấy đúng đắn”.
Sau khi kết quả khảo sát được báo The Hill đăng tải, chính trường Nga lập tức có phản ứng. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện Nga), ông Konstantin Kosachev, bình luận rằng dù các con số đã nói lên ý kiến dư luận về vấn đề này, nhưng nó sẽ không thay đổi được cách hành xử của chính giới Mỹ.
Là tỉ lệ người Mỹ trả lời nói các cuộc điều tra Tổng thống Trump và Nga làm tổn hại đất nước, 36% nói không, 56% nói đã đến lúc Quốc hội Mỹ và truyền thông chuyển hướng quan tâm sang các vấn đề khác, so với 44% đồng tình nên tập trung vào Nga... (Kết quả khảo sát của báo The Hill) |
Theo TTO