Kiến nghị khởi tố doanh nghiệp đóng tàu han gỉ tại Bình Định

Thứ ba, 27/06/2017, 09:05
Lãnh đạo tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ Công an khởi tố, xử lý hình sự Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng tàu thép gian dối, trốn tránh trách nhiệm với ngư dân.

Tại cuộc họp cùng với cơ quan chức năng chiều 26/6, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, chỉ đạo các địa phương hỗ trợ thủ tục pháp lý giúp ngư dân khởi kiện doanh nghiệp đóng tàu này ra tòa.

Trong khi đó, hai lần triệu tập họp bàn giải pháp khắc phục sự cố, lãnh đạo Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đều vắng mặt.

Lập hồ sơ khởi tố doanh nghiệp đóng tàu làm ăn gian dối

"Ngay ngày mai (27/6), bốn huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và TP.Quy Nhơn hướng dẫn thủ tục khởi kiện Công ty TNHH Đại Nguyên Dương để bảo vệ quyền lợi cho ngư dân. Công an tỉnh lập ngay hồ sơ kiến nghị Bộ Công an khởi tố, xử lý hình sự doanh nghiệp này vì hành vi làm ăn gian dối, không có trách nhiệm khắc phục sự cố cho ngư dân", ông Châu bức xúc.

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Định, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương làm ăn gian dối đóng tàu thép không đúng vật liệu, nhiều hạng mục, thiết bị mới bàn giao mà đã hư hỏng...

Tàu thép của ông Mai Văn Chương (ngụ huyện Phù Cát) mới bàn giao đã gỉ sắt nghiêm trọng, hư hỏng phải nằm bờ ở cảng Quy Nhơn. Ảnh: Minh Hoàng.

Tàu thép đóng mới bàn giao cho ngư dân lẽ ra sử dụng có tuổi thọ 20- 25 năm, đằng này mới đưa vào hoạt động vài tháng đã gỉ sét, xuống cấp nghiêm trọng.

Qua giám định độc lập, các chuyên gia kết luận 5 tàu do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng sử dụng thép Trung Quốc. Tổ giám định phát hiện trong hợp đồng ký kết với ngư dân không ghi thép chủng loại gì. Tuy nhiên trong chứng thư thẩm định giá sau khi đóng hoàn thành tàu có ghi vật liệu là thép Hàn Quốc/Nhật Bản.

Rõ ràng doanh nghiệp này sai phạm nghiêm trọng trong việc tự ý đóng tàu bằng thép Trung Quốc thay vì vật liệu Hàn Quốc/Nhật Bản. Nhiều mẫu tàu thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng không đạt chỉ tiêu hóa học (không đạt tiêu chuẩn cấp A của thép đóng tàu đi biển.

Đề nghị xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sai phạm

Về vấn đề này, đại tá Trần Huy Giáp, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Định, cho rằng nhiều tàu thép mới bàn giao, còn trong thời gian bảo hành đã bị hư hỏng, sản xuất đình trệ khiến dư luận bất bình, gây thiệt hại lớn cho ngư dân. Vụ việc đáng tiếc này gây ảnh hưởng phát triển kinh tế biển, ảnh hưởng sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Nhóm thợ hì hục sửa máy chính tàu ông Đinh Công Khánh (ngụ huyện Phù Cát) bị hư hỏng neo đậu ở cảng Đề Gi. Ảnh: Minh Hoàng.

Theo đại tá Giáp, nhiều tàu đang bảo hành nhưng gặp sự cố, qua thẩm định thì chất lượng không đảm bảo, có dấu hiệu sai phạm.Trước mắt, doanh nghiệp làm sai hợp đồng cần khắc phục toàn diện để bà con ngư dân vươn khơi, bám biển bảo vệ chủ quyền.

"Chúng tôi đang phối hợp với Cục Bảo vệ An ninh kinh tế thu thập tài liệu, báo cáo vụ việc nổi cộm cho Bộ Công an. Riêng về vấn đề sai phạm, cơ quan điều tra sẽ làm rõ, đề xuất xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm”, ông Giáp nhấn mạnh.

Buộc doanh nghiệp trả nợ ngân hàng, đền bù thiệt hại cho dân

Chia sẻ khốn khó cùng ngư dân, ông Nguyễn Hữu Hào, Chủ tịch Hiệp hội thủy sản Bình Định, cho hay cơ quan chức năng đã thu thập đầy đủ bằng chứng sai phạm của hai doanh nghiệp đóng tàu thép là Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương.

Cuộc sống ngư dân chủ yếu dựa vào biển, ngày làm tháng ăn, tháng làm năm ăn nhưng giờ đây tàu mới bàn giao đã hư hỏng nằm bờ khiến họ rơi vào cảnh khó khăn, áp lực trả nợ ngân hàng rất lớn. "Lỗi này hoàn toàn do doanh nghiệp làm ăn gian dối nên phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ngư dân thời gian tàu nằm bờ", ông Hào đề nghị.

Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu quả quyết, ngay trong tháng 7 này, hai doanh nghiệp này phải khắc phục sự cố tàu thép dứt điểm cho ngư dân. Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bình Định thuê chuyên gia tư vấn giám sát quá trình sửa chữa, khắc phục và Trung tâm đăng kiểm (Tổng cục thủy sản) có trách nhiệm kiểm tra chặt chẽ trước khi cho phép tàu ra khơi trở lại.

"Thời gian tàu nằm bờ khắc phục sự cố, hai doanh nghiệp có trách nhiệm trả lãi suất ngân hàng; đồng thời đền bù thiệt hại dân sinh cho bà con ngư dân. Nghị định 67 hỗ trợ miễn phí mẫu thiết kế nhưng doanh nghiệp thu tiền thiết kế sai quy định thì phải trả lại khoản tiền này cho dân", ông Châu yêu cầu.

Theo Zing

Các tin cũ hơn