Dân lập chốt, mua thuyền chống 'cát tặc': Những sự phi lý

Thứ ba, 27/06/2017, 15:50
"Cát tặc" hoành hành ngang ngược, công khai hẳn là phải có một thế lực "siêu nhân" đằng sau?

Câu hỏi đầy ẩn ý của ông Đinh Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Tân, H.Nam Sách, Hải Dương trước nạn cát tặc đang hoành hành ở địa phương này.

Hàng cột điện trên bãi bồi bị cuốn theo đất đổ xuống sông (ảnh chụp tháng 11.2016).

Ông Hưng kể, hiện tượng hút trộm cát trên địa bàn đã diễn ra từ nhiều năm rồi. Rất nhiều lực lượng cơ quan chức năng từ xã tới huyện đều tham gia tích cực nhưng không ngăn chặn được.

"Xã đuổi, huyện đuổi nhưng chúng vẫn ngang nhiên cho tàu vào hút cát. Kể cả khi bắt được tàu, xử phạt hành chính, thả ra chúng lại hút tiếp", giọng ông Hưng chùng xuống vì bất lực.

Ông Hưng cho biết, mức phạt hành chính đối với một con tàu có tải trọng từ vài trăm tấn hiện là 15-20 triệu đồng. Mức phạt này quá nhẹ so với lợi nhuận mà chủ tàu có thể thu được.

"Chỉ trong nửa tiếng họ đã hút đầy tàu khoảng 300m3, số tiền thu được cả chục triệu một chuyến. Trong khi mức phạt chưa bằng 1/3 lợi nhuận họ thu được thì làm sao họ không làm", ông Hưng nói.

Ông Hưng cho biết, sự việc diễn ra trong nhiều năm qua ở bãi bồi sát đê tả sông Thái Bình, người dân thôn Tân Thắng (xã Thái Tân, H.Nam Sách, Hải Dương), khiến người dân vô cùng bức xúc, bất an.

Nghiêm trọng hơn, tình trạng hút trộm cát diễn ra thường xuyên gây tình trạng sạt nở nghiêm trọng. Dù đã có rất nhiều kiến nghị lên huyện, tỉnh, thậm chí phản ánh thông qua cả ĐBQH nhưng vẫn không xử lý được.

"Rất nhiều diện tích đất của người dân đã biến mất hoàn toàn, không còn cách nào khác, người dân phải lập chòi canh, góp tiền mua thuyền, cắt cử người ứng trực để giữ đất, giữ đê", ông Hưng giãi bày.

Nguy hiểm vẫn phải làm

Dù biết việc để người dân tự ý lập chốt, chòi canh chống cát tặc là nguy hiểm, đẩy dân vào rủi ro. Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND xã  Thái Tân cho rằng không còn cách nào khác để giữ đất cho dân sản xuất.

Giải thích rõ hơn, ông Hưng cho biết, khi phát hiện tàu hút trộm cát, người dân có báo cho lực lượng của xã, của huyện đến thì chúng cũng đã cho tàu chạy qua bên kia sông rồi, không làm gì được.

"Xã thì lực lượng mỏng, phương tiện không có, được người dân báo, xã lại báo với huyện. Dù huyện có nhận tin, triển khai phương án ngay cũng phải 30 phút sau mới có lực lượng xuống địa bàn, lúc đó, bọn chúng cũng đã cao chạy, xa bay bắt làm sao được nữa", ông Hưng kể.

Vì lý do trên, dù biết nguy hiểm xã cũng vẫn phải dựa vào người dân trên địa bàn để phối hợp giữ đất. Hiện xã đã cắt cử cán bộ theo ca, mỗi ca có khoảng 6 người, cụ thể là 2 người trong ban lãnh đạo xã, 2 cán bộ dân quân và 2 cán bộ công an xã ăn ngủ, phối hợp với lực lượng tự vệ của xã thực hiện.

Ông kể tiếp, nhờ lực lượng tự vệ của xã mà mới đây vào ngày 4/6, người dân đã tổ chức truy đuổi và bắt được một tàu đang hút cát trộm. Tiếp sau đó, lực lượng chức năng xã, huyện phối hợp bắt thêm được hai tàu nữa.

Tuy nhiên, sau khi bị bắt đã có một nhóm đối tượng xăm trổ, xã hội đen vào làng đe dọa người dân, thậm chí còn đổ xăng đốt cửa, đe dọa tới an ninh, an toàn của người dân.

Ngay bản thân ông Hưng cũng nhiều lần bị những cuộc điện thoại lạ gọi tới chửi bới, năng mạ nhiều lần.

"Chắc hẳn phải có một lực lượng siêu nhân nào đó đứng đằng sau bảo kê cho họ làm như vậy. Vì nếu lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt, nghiêm minh chắc chắn không ai dám làm như vậy", ông Hưng nói thẳng.

Về phía địa phương, ông Hưng cho biết, dân chỉ muốn giữ đất, giữ cát. "Đất bị xói trôi là mất tất cả, không còn cách nào khác dân phải giữ", ông Hưng chia sẻ.

Liên hệ thêm với ông Phùng Văn Diện, Chánh Văn phòng HĐND, UBND huyện Nam về vấn đề trên, ông Diện cho biết huyện cũng đã có nhiều chỉ đạo, phương án liên quan.

Trước câu hỏi, liệu có "lực lượng siêu nhân" nào đứng sau bảo kê cho các đối tượng trên khiến cơ quan chức năng khó xử lý hay không?

Ông Diện im lặng và xin từ chối trả lời với lý do phải đánh giá đầy đủ thông tin.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn