|
Hàng ngày người dân xã Bình Bộ phải cắt cử người để xua đuổi “cát tặc” |
Cứ mỗi năm, cả hécta hoa màu đã trôi tuột xuống sông, hàng loạt ngôi nhà bị nứt toác, con đường đê nối xã Tử Đà với xã Bình Bộ cũng đang xuất hiện nhiều vết nứt, sụt lún chạy dọc dài cả hàng chục mét.
Một cán bộ xã Bình Bộ cho biết mặc dù đơn vị này đã phối hợp với cơ quan chức năng cấp huyện, cấp tỉnh để kiểm tra xử lý khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, nhưng cho đến nay nạn “cát tặc” vẫn hoành hành nơi đây.
Hoa màu, vườn tược bị cuốn phăng
Chiều tối, trong mưa phùn sương mờ dày đặc khúc sông cạnh bãi bồi trồng ngô của người dân khu 9, 10, 11 (xã Bình Bộ), máy hút cát trên những chiếc tàu dài hàng chục mét hoạt động ầm ầm.
Nhận được tin báo, bà con lại thông báo cho nhau đến xua tàu đi ra xa.
Thấy bóng dáng người dân địa phương, những chiếc tàu hút cát lại nhanh chóng chuyển hướng về địa phận huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc.
Theo tìm hiểu của phóng viên, do sông Lô ở huyện Sông Lô không có cát nên để che mắt lực lượng chức năng và sự truy đuổi của người dân địa phương, những chiếc tàu này thường đậu ở đây vào ban ngày, đến đêm thì đến khúc sông có cát để hút.
|
Tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở bờ đê sông Lô thuộc địa phận xã Tử Đà |
Đưa chúng tôi ra diện tích đất canh tác ngô của gia đình mình, bà Cao Thị Hòa (50 tuổi, khu 10) sụt sùi kể khai thác cát ồ ạt khiến mấy sào đất ở bãi bồi của gia đình bà đã bị cuốn trôi theo dòng nước.
Không chỉ gia đình bà Hòa, hàng chục hộ dân ở khu 10 cũng đã bị mất đất canh tác.
Hướng mắt nhìn về mấy luống ngô cạnh nhà còn sót lại sau một lần sạt lở đầu tháng 3, bà Hòa nói: “Trong Tết tôi cùng người nhà trồng được ít ngô, cây mới cao 20cm, nhưng tôi có việc phải xuống Hà Nội, ở nhà không ai trông coi, máy hút vào tận bờ làm ngô, đất cũng bị cuốn phăng mất”.
Cách đó không xa là gia đình bà Lê Thị Cương (51 tuổi) cũng chịu cảnh tương tự. Để chống lại nạn “cát tặc” nhiều đêm người dân mang chăn màn ra giữa bãi bồi ngủ canh giữ đất.
Vẫn chưa quên được những ngày cùng người dân trắng đêm canh tàu hút cát, ông Ngô Quang Minh (54 tuổi) kể: “Đêm tối mưa rét cứ thấy tàu vào gần bờ là bà con lại gọi nhau ra giữ đất. Nhiều lúc rơi vào cảnh uất ức vì không thể làm gì được cát tặc”.
Hiện nay tại khu vực đất bãi bồi xã Bình Bộ nhiều vị trí do khai thác cát đã tạo thành những hàm ếch cả hàng chục mét và vẫn đang tiếp tục sạt lở. Có đoạn đã được đổ đá ngăn xâm lấn nhưng cũng bị sóng đánh tan.
“Cứ vào mùa nước lên thì mới thấy rõ quá trình sạt lở bởi mỗi khi tàu chạy qua làm sóng mạnh, đất cát hàng chục khối cứ ào ào đổ xuống sông” - bà Khổng Thị Thời (53 tuổi, xã Bình Bộ) cho biết.
|
Sạt lở nghiêm trọng ở bờ đê sông Lô thuộc địa phận xã Bình Bộ |
Nạn “cát tặc” đã khiến lòng sông sâu hoắm, nhiều đoạn sâu 30 - 40 mét, khiến mạch nước ngầm biến mất. Bà Đỗ Thị Hương (51 tuổi, khu 11) cho biết ở gần sông nên trước đây chỉ cần khoan chưa đến 20m là nguồn nước đã dồi dào, nhưng từ 4 năm nay lượng nước đã giảm và đến nay không có để sử dụng.
“Sau khi nước ngầm mất thì nhà cũng bắt đầu sụt lún” - bà Hương kể. Vết nứt ngày một rộng ra trên ngôi nhà gia đình bà Hương mới xây cất được mấy năm, khiến bà phải mượn thợ đến để khắc phục lại các vị trí nứt cũ. Tuy nhiên được mấy ngày thì một số vết mới lại lộ ra trên trường phía sau nhà.
Ông Lê Anh Văn, phó chủ tịch UBND xã Bình Bộ, cho biết năm 2010, một doanh nghiệp được tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác cát làm khoảng trên 6 hécta diện tích đất nông nghiệp bị cuốn trôi. Chính quyền địa phương ngay sau đó yêu cầu bồi thường cho người dân nhưng công ty đã biến mất, đến nay vẫn chưa đền bù.
Sau một thời gian thì Công ty TNHH Vận tải Bạch Hạc được cấp phép nạo vét luồng lạch, khai thác cát tận thu lại tiếp tục làm sạt lở diện tích đất trồng hoa màu nên đến đầu 2014 đã bị dừng hoạt động.
“Từ năm 2014 đến nay lợi dụng địa phận giáp ranh giữa Phú Thọ và Vĩnh Phúc, những tàu cát công suất lớn cứ đến để hút trộm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và tình hình an ninh trật tự. Chúng tôi chưa có thống kê cụ thể nhưng từ năm 2011 đến tháng 3-2017, lượng lớn đất nông nghiệp bị cuốn trôi, nhà bị nứt sụt lún rất nhiều, tuy nhiên vẫn chưa có cách giải quyết” - ông Văn cho biết.
|
Tình trạng sụt lún nghiêm trọng tại khu 10, xã Bình Bộ |
Đoạn sông Lô nằm dưới xã Bình Bộ là địa phận xã Tử Đà (huyện Phù Ninh) cũng đang tồn tại một đại công trường khai thác cát quy môn lớn, tập trung hàng chục tàu hút, chở cát mỗi ngày. Tình trạng khai khát cát rầm rộ nơi đây đã hoạt động từ nhiều năm nay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hạc Kế Tài, phó chủ tịch UBND xã Tử Đà, cho biết hiện nay trên địa bàn xã có Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn hoạt động khai thác cát trên dòng sông Lô. Qua nhiều năm hoạt động, công ty này cũng đã làm sạt lở, ảnh hưởng đến đất canh tác của các hộ dân.
Sau mỗi lần sạt lở, chính quyền địa phương đã yêu cầu doanh nghiệp bồi thường cho người dân. Tuy nhiên, ông Tài cũng thừa nhận hiện nay công tác kiểm tra, xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn do thiếu các phương tiện để dám sát độ nông sâu, cột tiêu của khu vực khai thác cát. Tổ kiểm tra của UBND xã chỉ có thể đứng trên bờ áng chừng để kiểm tra.
Ngoài ra, khu vực nói trên có nhiều tàu hút cát hoạt động nhưng không thông báo với chính quyền địa phương.
Giám đốc Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Phạm Văn Dũng cho biết: “Ở khu vực sông Lô thuộc địa phận xã Tử Đà, chúng tôi được cấp phép trong 24 năm, giai đoạn một là 4 năm (từ năm 2013 đến tháng 11-2017) để khai thác cát. Trong quá trình khai thác, chúng tôi luôn đáp ứng đúng mọi điều kiện an toàn cho phép. Công ty chỉ bố trí 2 phương tiện để khai thác, còn tàu hút cát gần đó là của bên tỉnh khác”.
|
Công trường khai thác cát trên sông Lô thuộc địa phận xã Tử Đà |
|
Tuyến đê từ xã Tử Đà về Bình Bộ đang xuất hiện nhiều vết nứt chạy dài cả chục mét |
Theo TTO