|
Cát tặc hoạt động trên sông Hồng. |
Ông nghĩ gì khi nghe thông tin lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa khi vị này dừng dự án mà Cục cấp phép?
Dự án thực hiện từ năm 2014, được sự thống nhất với tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Anh Quỳnh (Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh - PV) lúc đó cũng đồng ý.
Sau đó, xảy ra hiện tượng đê bị sạt lở nên dự án đã tạm dừng. Tuy nhiên, việc đê bị sạt có phải do dự án nạo vét này hay không, hay do cát tặc khai thác vẫn chưa được làm rõ.
Cuối năm 2016, đầu năm 2017, hơn 15 doanh nghiệp vận tải thủy dọc tuyến có đơn kiến nghị Bộ GTVT và Cục Đường thủy về tình hình khô cạn, tàu không qua được. Cục cùng địa phương khảo sát rồi đề nghị tiếp tục dự án cho nạo vét, gắn với tận thu. Tuy nhiên, chúng tôi yêu cầu nhà đầu tư chỉ được thực hiện khi chính quyền địa phương đồng ý.
Sau đó, nhà đầu tư (Cty Cổ phần Trục vớt luồng hạ lưu - PV) phản ánh về việc có nhiều phương tiện cát tặc tại khu vực thực hiện khơi thông và chúng tôi cho dừng dự án. Khi nghe phản ánh lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa, ngay lập tức chúng tôi chấm dứt dự án. Bản thân tôi từ ngày quyết định dừng dự án này (ngày 8/3 - PV), không có tin nhắn đe dọa nào.
Có ý kiến cho rằng, việc lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa bắt nguồn từ nguồn lợi rất lớn khi thực hiện chủ trương xã hội hóa nạo vét luồng sông do Cục triển khai. Ông nghĩ sao?
Các đối tượng khai thác cát trên sông hiện nay có 2 loại hình: Nạo vét luồng gắn với tận thu cát, sỏi; khai thác cát theo giấy phép địa phương cấp khai thác mỏ. Thống kê đến năm 2013 cả nước có trên 50 dự án nạo vét gắn với tận thu. Sau đó, Bộ GTVT chấm dứt các dự án gây bức xúc, nên hiện tại, dự án nạo vét chỉ còn 15. Trong khi, hiện tại có trên 700 mỏ khai thác cát, sỏi trên toàn quốc do địa phương cấp; có những nơi có 3-4 mỏ được cấp sát luồng.
Bên cạnh đó còn có hoạt động cát tặc. Chính quyền địa phương và lực lượng hiện trường phải xử lý. Tháng 1/2017, Bắc Ninh cũng đã thống nhất với Cục việc xử lý các đối tượng khai thác không phép, khai thác ngoài phạm vi được cấp phép.
Đương nhiên, nếu không kiểm tra xử lý, cát tặc có lợi ích rất lớn nên khi bị dừng sẽ nhắn tin đe dọa.
|
Cục trưởng Đường thủy Hoàng Hồng Giang. |
Hơn 50 dự án nạo vét đã và đang làm lâu nay, Cục có kiểm soát số lượng cát thực tế được nạo vét là bao nhiêu, nhà đầu tư lời lãi thế nào?
Các nội dung đó đều được thể hiện từ khâu lập dự án đến khi nghiệm thu quyết toán. Hồ sơ đều được lưu trữ. Tất nhiên, nhà đầu tư phải có lãi khi thực hiện dự án.
Nhiều ý kiến phản ánh, nhà đầu tư chỉ hút cát mà không nạo bùn?
Cục có lực lượng thanh tra giám sát thường xuyên trên tuyến và tại dự án, thậm chí có lực lượng giám sát của địa phương, giám sát qua việc nộp thuế…
Còn việc khan cạn luồng đường thuỷ đúng là hiện nay chúng ta còn nhiều điểm chưa xử lý được. Nguyên nhân là nguồn lực khó khăn. Ngay cả việc thực hiện xã hội hoá nạo vét như Cục đang làm chưa được thực hiện trên diện rộng.
Vì sao Cục chưa từng tiến hành đấu thầu công khai một dự án nạo vét đường thuỷ? Việc chỉ định khó tránh khỏi được những nghi ngờ có lợi ích nhóm.
Chúng tôi đang soạn thảo thông tư của Bộ GTVT về nội dung này. Theo đó, khi thực hiện nạo vét kết hợp với tận thu cát sẽ phải tiến hành đấu thầu công khai.
Thời gian vừa qua chưa thực hiện do chưa có quy định. Chẳng hạn, chưa có quy định cấp kinh phí để Cục có thể lập dự án để đấu thầu.
Qua sự việc này, Cục có đánh giá lại chủ trương xã hội hóa nạo vét này không. Liệu có tiếp tục đổi cát lấy chi phí làm luồng lạch bằng mọi giá như hiện nay?
Đây là vấn đề chúng tôi đang tính toán cân nhắc. Có thể sẽ lập một tổ chức của Nhà nước để trực tiếp nạo vét luồng, tận thu cát rồi quản lý, bán đấu giá cát thu được. Tuy nhiên, đó là một việc không đơn giản, do Chính phủ quyết định vì ít nhất liên quan đến định biên lao động của Cục.
Cảm ơn ông.
Theo Tiền Phong