Cát tặc lộng hành từ Bắc vào Nam: Xem xét khởi tố một số vụ

Thứ tư, 08/03/2017, 09:18
Trước tình trạng “cát tặc” lộng hành, làm cạn kiệt tài nguyên khoáng sản, gây nhức nhối dư luận, chiều ngày 7/3, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp với hơn 20 bộ, ngành, chính quyền địa phương để làm rõ thực trạng và bàn giải pháp ngăn chặn.

Cát tặc lộng hành trên sông Lục Nam đoạn xã Phượng Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang năm 2016.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép đang diễn ra nghiêm trọng từ Bắc vào Nam, làm cạn kiệt tài nguyên, tác động tiêu cực đến đời sống người dân. Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo cũng như có văn bản yêu cầu các địa phương kiên quyết, đấu tranh ngăn chặn, xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, đến nay tình trạng trên vẫn diễn ra phức tạp. “Dư luận cũng phản ánh “cát tặc” hoạt động công khai, cả ngày lẫn đêm. Vậy mà chẳng hiểu sao địa phương, lực lượng chức năng lại không biết, không xử lý được. Đây là vấn đề lớn chúng ta phải bàn bạc, thảo luận thẳng thắn”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Báo cáo của Văn phòng Chính phủ tại cuôc họp cho thấy, vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi đang diễn ra phổ biến, với rất nhiều hình thức.  Một số đơn vị lợi dụng việc được cấp phép, thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch để khai thác tận thu. Trong khi đó, trên các tuyến sông lớn như sông Hồng, sông Đà, sông Lô… hằng ngày, hằng đêm có hàng nghìn đối tượng sử dụng cả trăm tàu để khai thác, vận chuyển, mua bán cát trái phép với khối lượng lên đến vài chục nghìn mét khối.

Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng này là khai thác vào ban đêm, khi bị phát hiện, xử lý đều khai không biết chủ phương tiện và không ký vào biên bản vi phạm. Nhiều trường hợp các đối tượng sẵn sàng dùng bạo lực đe dọa, tranh giành địa bàn, gây phức tạp về an ninh, trật tự trên các tuyến sông.

Theo Văn phòng Chính phủ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa chặt chẽ. Nhiều nơi chính quyền địa phương còn buông lỏng hoặc có biểu hiện ngại va chạm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết vi phạm. Nhiều doanh nghiệp chấp hành không đúng quy định như khai thác vượt sản lượng, ngoài phạm vi cho phép hoặc khai thác không đúng chủng loại khoáng sản đã được cấp phép.

Nguy cơ tiêu cực từ các dự án nạo vét

Là một trong những địa phương có “điểm nóng” về “cát tặc”, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch Đồng Nai cho biết, thời gian qua do có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng nên tình trạng khai thác cát trái phép đã giảm hẳn. Tuy nhiên, ở các dự án cấp phép nạo vét luồng lạch do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cấp còn nhiều bất cập. “Ở những dự án này việc đánh giá tác động môi trường thường chưa chặt chẽ, đầy đủ. Khi nạo vét, khơi thông thì bùn để lại, còn cát thì lại lấy mang đi. Đây là một bất cập cần có giải pháp khắc phục, ngăn chặn”, ông Chánh đề nghị.

Khai thác cát trái phép tại xã Đa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội khẳng định, trên địa bàn không còn hiện tượng khai thác cát trái phép. Nhưng với các dự án nạo vét lòng sông theo phương thức xã hội hoá để khai thác cát thì lại tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tiêu cực.

“Chẳng hiểu sao các dự án nạo vét lòng sông toàn được cấp phép “trúng” mỏ cát, còn những chỗ đầm lầy thì không thấy đâu”, ông Hùng nói và cũng đề nghị Bộ GTVT khi quyết định các dự án nạo vét lòng sông, tận thu cát thì phải phối hợp chặt chẽ với thành phố để không xảy ra các hiện tượng tiêu cực. Đại diện tỉnh Hải Dương cũng đề nghị Bộ GTVT đánh giá lại việc cấp phép các dự án nạo vét kết hợp khai thác cát.

Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, từ tháng 10/2015 đến nay, Bộ GTVT không cấp phép cho dự án khai thác cát sỏi nào. Đối với việc nạo vét và tận thu sản phẩm thì đều xin ý kiến địa phương, người dân, cơ quan môi trường một cách đầy đủ. Dự án nào không xin được giấy phép môi trường của tỉnh là huỷ luôn. “Ở các dự án luồng hàng hải, phải nói các địa phương cấp rất nhiều. Việc cấp này dẫn đến những chồng chéo rất lớn trong quản lý với Trung ương”, ông Nhật nói.

Tuy nhiên, từ thực tế điều tra, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương khẳng định, các đơn vị có giấy phép khai thác khoáng sản, hoặc nạo vét kết hợp với tận thu khi hoạt động tồn tại rất nhiều sai phạm. Ví dụ, cho nạo vét 5m nhưng thực tế nạo vét sâu tới 15 m để lấy cát, vượt quá phạm vi cho phép, đe dọa an toàn đê sông, đê biển, làm thất thoát tài nguyên, gây bức xúc đối với người dân.

Dừng cấp phép xã hội hóa, xem xét khởi tố hình sự

Để ngăn chặn tình trạng “cát tặc” cũng như việc lợi dụng nạo vét dòng sông để trục lợi, Văn phòng Chính phủ đề nghị: Tạm dừng cấp phép xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ các dự án xã hội hóa để nhà đầu tư chủ động xây dựng kế hoạch nạo vét và sử dụng sản phẩm tận thu; Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án đã được cấp phép đang thi công, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Văn phòng Chính phủ cũng đề nghị các cơ quan chức năng xây dựng trình Chính phủ ban hành nghị định về quy chế quản lý hoạt động nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải và vùng nước cảng biển, tạo cơ sở pháp lý, khắc phục tình trạng lợi dụng để khai thác trái phép.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cảnh báo, với đà khai thác như hiện nay, nguồn tài nguyên này sẽ sớm cạn kiệt, đồng thời gây ra nhiều hệ lụy khác cho kinh tế, xã hội. Dẫn đến tình trạng này, có thể là do cơ quan chức năng, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, bao che, thậm chí là có dấu hiệu bảo kê cho tội phạm.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GTVT dừng cấp phép mới các dự án xã hội hóa nạo vét luồng lạch, rà soát, kiểm tra hoạt động các dự án đang triển khai. Phó Thủ tướng giao Bộ Công an mở đợt đấu tranh cao điểm chống cát tặc từ 15/3 đến 1/6/2017. Đồng thời xem xét khởi tố hình sự một số vụ việc trọng điểm để góp phần răn đe, phòng ngừa chung.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu người đứng đầu các địa phương nâng cao tinh thần chịu trách nhiệm. Nơi nào để tình trạng vi phạm kéo dài thì phải xử lý người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương đó. Với các xã giáp ranh thì chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm, giáp ranh huyện thì chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm, giáp ranh các tỉnh thì Trung ương phải vào cuộc. “Nếu phát hiện cán bộ bao che, bảo kê vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương khẳng định, các đơn vị có giấy phép khai thác khoáng sản, hoặc nạo vét kết hợp với tận thu khi hoạt động tồn tại rất nhiều sai phạm. Ví dụ, cho nạo vét 5 mét nhưng thực tế nạo vét sâu tới 15 mét để lấy cát, vượt quá phạm vi cho phép, đe dọa an toàn đê sông, đê biển, làm thất thoát tài nguyên, gây bức xúc đối với người dân.

Sắp ban hành Nghị định mới về khai thác khoáng sản

Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Chính phủ  ngày 21/12/2016, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận, ở rất nhiều địa phương có hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép, không chỉ khai thác cát, vật liệu xây dựng mà nhiều loại khoáng sản khác. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của Bộ TN&MT.

Bộ trưởng Hà cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 158/2016-NĐ/CP ngày 29/11/2016 để giải quyết các vấn đề bức xúc như khai thác cát trái phép, xung đột trong quản lý khai thác cát giữa các địa phương…Ngoài ra, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 142/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Trong đó, nâng mức xử phạt với một số hành vi liên quan đến khai thác khoáng sản trái phép.                  

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích