Sự lộng hành của "mafia cát"

Thứ sáu, 17/03/2017, 13:52
Sự bùng nổ đô thị hóa đẩy nhu cầu sử dụng cát lên cao dẫn đến sự bành trướng tội phạm khai thác cát trái phép trên khắp thế giới.

Mafia cát” lộng hành nhờ được các quan chức cấp cao “chống lưng”

Nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng cát toàn cầu là tốc độ phát triển đô thị. Các thành phố trên thế giới hiện mở rộng với tốc độ và quy mô lớn hơn bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử loài người.

Nguồn lợi khổng lồ

Các nhà thầu xây dựng phải dùng một lượng cát và xi măng khổng lồ để xây nhà, chung cư, cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại khắp nơi trên thế giới, và thậm chí mỗi tấm cửa kính cũng được làm từ cát. Điều này khiến nhu cầu sử dụng cát tăng cao dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép và buôn lậu cát tràn lan khắp thế giới.

Do thiếu nguồn cung trong nước, nhiều quốc gia trên thế giới phải nhập khẩu cát, còn nhiều nước khác thì ồ ạt khai thác cát từ sông và biển để xuất khẩu. Riêng ở châu Á, Singapore, Ấn Độ và Trung Quốc là những quốc gia “khát cát” nhất.

Theo báo cáo của Tổ chức Chương trình môi trường LHQ, Singapore là quốc gia nhập khẩu và sử dụng cát lớn nhất thế giới vì nước này có chương trình lấn biển, mở rộng lãnh thổ. Doanh thu bán cát hợp pháp toàn thế giới được ước tính lên đến 70 tỉ USD/năm và có đến ít nhất 15 tỉ tấn cát lậu được bán với giá hàng tỉ USD, theo tờ The Sydney Morning Herald (Úc).

Chính vì nguồn lợi khổng lồ này, các băng đảng tội phạm khai thác cát lậu liên tục sinh sôi. Với những thủ đoạn từ hối lộ cảnh sát, tòa án và quan chức đến dọa dẫm, hành hung, thậm chí thủ tiêu bất kỳ ai cản đường và tranh giành lãnh địa một cách khốc liệt, chúng được mệnh danh là “mafia cát” ở nhiều nơi trên thế giới.

Vì sao cát sông được ưa chuộng?
Cát sa mạc không được dùng trong xây dựng vì nó bị xói mòn bởi gió chứ không phải nước nên hạt cát có kết cấu quá tròn, không thể kết dính. Đó chính là lý do cát sông và cát biển thường được dùng trong xây dựng. Nhưng cát sông vẫn được chuộng hơn cát biển, do cát biển nếu không được xử lý có thể làm ăn mòn sắt thép trong các công trình, theo Wired.
Do khai khác cát tràn lan gây tác động nghiêm trọng đến môi trường, các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Indonesia và Malaysia đã giới hạn hoặc cấm xuất khẩu cát sang Singapore, theo The Sydney Morning Herald. Hoạt động khai thác cát tràn lan để xuất khẩu sang Singapore đã xóa sạch vài hòn đảo thuộc quần đảo Riau của Indonesia kể từ năm 2005. Trong những năm gần đây, các nguồn cung cấp cát chính cho Singapore là Myanmar, Philippines và Campuchia.
Dù các nước trong khu vực có lệnh cấm xuất khẩu cát sang Singapore, nhưng chính phủ Singapore lại có chính sách hợp đồng với công ty tư nhân để nhập khẩu cát, và “mafia cát” lợi dụng điều này, cấu kết với các quan chức tham nhũng ở một số nước để tiếp tục bán cát sang đảo quốc sư tử.
Trong bức thư trả lời các nhà hoạt động phản ảnh tình trạng hàng triệu tấn cát khai thác lậu ở Campuchia được xuất khẩu sang Singapore, nhà ngoại giao Oliver Ching thuộc Đại sứ quán Singapore tại Phnom Penh hồi tháng 1.2016 viết: “Nhập khẩu cát Campuchia vào Singapore được thực hiện trên cơ sở thương mại... Chính phủ Singapore không liên quan đến những hoạt động thương mại này”. Năm 2010, hàng chục quan chức Malaysia đã bị buộc tội nhận hối lộ bằng tiền và tình dục để làm ngơ cho các băng đảng “mafia cát” có thể buôn lậu cát sang Singapore.
Cấu kết quan tham
Không chỉ riêng ở châu Á, “mafia cát” có mặt ở ít nhất hàng chục quốc gia trên thế giới, từ Jamaica cho đến Nigeria, khai thác lượng cát lậu khổng lồ để bán ra thị trường chợ đen, theo tờ Wired (Mỹ). Tuy nhiên, không nơi nào trên thế giới cuộc chiến chống tội phạm khai thác cát lậu lại diễn ra đẫm máu như ở Ấn Độ. Những cuộc chiến chống lại “mafia cát” và các cuộc thanh toán lẫn nhau giữa các băng tội phạm này đã khiến hàng trăm người chết trong những năm gần đây, bao gồm các sĩ quan cảnh sát, quan chức chính phủ và cả thường dân.
Các tờ báo địa phương ở Ấn Độ trong những năm gần đây đăng tải nhiều phóng sự điều tra phản ánh hoạt động khai thác cát trái phép tràn lan ở nhiều nơi, cùng sự cấu kết giữa những tay trùm “mafia cát” và các quan chức cấp cao tham nhũng. Một số công chức và quan chức Ấn Độ theo đuổi những vụ khai thác cát trái phép (do người dân hay báo đài cung cấp thông tin) đều bị điều chuyển hoặc đình chỉ công tác, thậm chí đuổi việc một cách bất thường hoặc bị dọa giết. “Mafia cát” còn tấn công cả cảnh sát, nhà báo và dân thường nếu họ lên tiếng, ngăn chặn hoạt động phi pháp của chúng.
Đáng chú ý là hồi năm 2015, công chức DK Ravihas (34 tuổi) được phát hiện chết một cách bất thường khi đang điều tra hoạt động khai thác cát trái phép ở bang Karnataka. Ravihas được nhiều người biết đến do dám đối đầu với các băng “mafia cát” có quan hệ mật thiết với một số quan chức cấp cao của chính quyền Karnataka. Một năm sau, cảnh sát và tòa án đều khẳng định Ravihas tự sát, kích ngòi làn sóng biểu tình tại nhiều bang ở Ấn Độ. Một số quan chức ở Karnataka cùng người biểu tình bất mãn trước kết luận này, cho rằng Ravihas bị “mafia cát” ám sát.
Năm 2015, vụ “mafia cát” giết chết một sĩ quan cảnh sát ở bang Madhya Pradesh cũng đã làm rúng động dư luận Ấn Độ. Bình luận về vụ việc này, ông Jyotiraditya Scindia, một quan chức cấp cao bang Madhya Pradesh, nói với kênh truyền hình News 18 (Ấn Độ): “Mafia cát” đang kiểm soát toàn bộ bang Madhya Pradesh và nhờ bọn chúng mà giờ đây chỉ còn những con cá sấu là không biến mất khỏi sông Chambal. Chúng tôi có thể nói rằng các lãnh đạo ở bang và “mafia cát” có mối quan hệ mật thiết, và đó là lý do vì sao bọn chúng lộng hành mà không bị bắt giữ”.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích