|
Ông Đỗ Văn Đương, Phó trưởng Ban Dân nguyện đề nghị làm rõ dấu hiệu "chống lưng", "lợi ích nhóm" trong khai thác cát. |
Sáng 17/3, trao đổi với PV về việc Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh bị đe doạ sau khi địa phương này yêu cầu ngừng thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thuỷ nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu, ông Đỗ Văn Đương, Phó trưởng Ban dân nguyện, thuộc Uỷ ban TVQH cho rằng, đây là hành vi xã hội đen, coi thường pháp luật, không thể chấp nhận được.
Ông Đương khẳng định, hành vi trên có dấu hiệu vi phạm hình sự. Do đó, cơ quan điều tra cần khởi tố vụ án, điều tra làm rõ những đối tượng đã thực hiện hành vi đe doạ. Căn cứ vào đó quyết định khởi tố bị can và xử lý nghiêm các đối tượng có liên quan theo quy định của pháp luật.
Từ hoạt động của Ban Dân nguyện, ông Đương cho biết, đi đến đâu cũng thấy người dân phản ánh, bức xúc về tình trạng khai thác cát trái phép, cũng như việc “núp bóng” dự án nạo vét để trục lợi. “Đây là hành vi ăn cắp tài nguyên quốc gia, huỷ hoại môi trường cần phải xử lý nghiêm”, ông Đương kiến nghị
Đề cập đến nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Đương thẳng thắn cho rằng, có thể có "chống lưng”, “lợi ích nhóm”, “bảo kê”, móc ngoặc cho hoạt động khai thác cát.
“Chỉ cần cắm ống xuống dòng sông là hút được cát, thu lợi tiền tỷ. Vì thế, khi bị người dân hoặc chính quyền phản ứng là các đối tượng khai thác cát sẵn sàng chống trả, đe doạ ngay”, ông Đương phản ánh.
Theo ông Đương, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật, bộ ngành có liên quan tiến hành rà soát lại tất cả các dự án khai thác cát theo hình thức xã hội hoá. Qua đó, làm rõ những kẽ hở để kịp thời điều chỉnh ngăn chặn việc “núp bóng” để trục lợi, vơ vét tài nguyên quốc gia.
Đặc biệt, qua kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm nghiêm trọng thì cần phải khởi tố, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cấp phép thực hiện dự án.
“Qua vụ việc ở Bắc Ninh, tôi đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ xem có việc “chống lưng” cho việc thực hiện dự án không? Nếu có thì phải xử lý nghiêm người “chống lưng””, ông Đương đề nghị.
Ông Đương cho biết, tới đây, Ban Dân nguyện sẽ giám sát, khảo sát một vài địa phương tìm hiểu về tình trạng khai thác cát trên các dòng sông. Căn cứ vào đó, sẽ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép.
Tại báo cáo của Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam gửi đến kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XIV vừa qua cũng nêu rõ, nạn khai thác cát không phép, trái pháp luật tiếp tục hành, gây tác động xấu đến môi trường, gây sạt lở nghiêm trọng dọc các bờ sông; việc chặt phá, hủy hoại rừng có tổ chức và chống người thi hành công vụ vẫn diễn ra thường xuyên và ngày càng phức tạp.
MTTQ Việt Nam cũng đã 2 lần kiến nghị với Chính phủ và 3 lần báo cáo trước Quốc hội về tình trạng trên. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền địa phương, thế nhưng các vi phạm pháp luật của lực lượng khai thác cát và chặt phá rừng không phép, trái pháp luật vẫn tiếp tục một cách công khai.
“Cử tri và Nhân dân cho rằng, nạn “cát tặc”, “lâm tặc” xảy ra công khai trong thời gian dài mà không bị xử lý chính là biểu hiện, là địa chỉ của “lợi ích nhóm””, báo cáo nêu rõ.
Theo Tiền Phong