Chiều 26/6, UBND tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp công bố kết quả chính thức của Tổ thẩm định tàu 67 hư hỏng.
Tại cuộc họp, ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định kiêm Tổ trưởng Tổ thẩm định đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của 2 doanh nghiệp đóng tàu.
Theo thông tin ông Phúc đưa ra, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương tự ý thay thế thép Hàn/Nhật bằng thép Trung Quốc không đúng hợp đồng với ngư dân. Nhiều máy tàu do công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng không phải là máy chính hãng...
Đồng thời, ông Phúc yêu cầu 2 doanh nghiệp đóng tàu nhanh chóng vào cuộc sửa chữa, thay thế các thiết bị không đúng hợp đồng để ngư dân sớm được vươn khơi...
Một tàu cá 67 của ngư dân phải nằm bờ ở cảng cá La Gi. |
Ông Bùi Hữu Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu đồng ý với kết quả của Tổ thẩm định. Trong khi đó, phía Công ty TNHH Đại Nguyên Dương tiếp tục vắng mặt không lý do tại cuộc họp.
Đại tá Trần Huy Giáp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định cho biết: “Nhiều tàu vỏ thép còn đang thời gian bảo hành nhưng gặp sự cố đã làm dư luận bất bình, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng trả nợ ngân hàng cho ngư dân. Nhiều ngư dân có tâm lý e ngại khi đóng tàu 67 mới”.
Theo ông Giáp, sau khi công an kiểm tra thì hợp đồng kinh tế giữa cơ sở đóng tàu và ngư dân rất chặt chẽ nhưng trong quá trình thực hiện đóng tàu có những nội dung chưa đúng hợp đồng.
“Nhiều tàu gặp sự cố qua thẩm định chất lượng tàu cá không đảm bảo, có dấu hiệu sai phạm. Do đó bên nào thực hiện không đúng hợp đồng thì đó phải chịu trách nhiệm.
Cần sửa chữa một cách nhanh nhất để ngư dân sớm ổn định. Giữa khắc phục và điều tra, ngư dân cuối cùng vẫn là người thiệt thòi nhất.
Chúng tôi đã phối hợp để thu thập tài liệu, báo cáo cho Bộ Công an. Riêng về vấn đề sai phạm, công an sẽ làm rõ và đề xuất xử lý cá nhân có sai phạm”, báo Dân Việt dẫn lời ông Giáp cho hay.
Liên quan đến việc nhiều máy tàu do Công ty Nam Triệu lắp không phải hàng chính hãng, trả lời trên báo Pháp luật TP.HCM hôm 12/6, ông Đặng Ngọc Oanh, Tổng Giám đốc công ty này cho rằng, cơ quan đăng kiểm là người sai nhất.
"Nói ai là người sai nhất thì phải nói trung tâm đăng kiểm của Tổng cục Thủy sản.
Việc giám định là của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản vì họ là đơn vị giám sát theo quy định của Nghị định 67/CP. Họ là đơn vị ăn nằm ở dưới nhà máy.
Tất cả mọi thứ, kể cả sơn, trước khi làm đều phải được Cục Đăng kiểm đồng ý. Họ là người ký đủ điều kiện hay không đủ. Nếu không đủ điều kiện thì chúng tôi không lắp. Nhưng họ vẫn xác nhận ghi là đủ điều kiện.
Họ đồng ý thì chúng tôi mới lắp và họ cấp chứng chỉ", ông Oanh nói.
Trong cuộc họp công bố kết quả thẩm định sơ bộ hôm 22/6, ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá - Tổng cục thủy sản nhận trách nhiệm và cho rằng máy tàu được làm giả tinh vi, trình độ của đăng kiểm viên còn yếu năng lực nên không phát hiện.
Theo Dân Việt