Metro 'đói' vốn, TP.HCM cầu cứu Thủ tướng

Thứ bảy, 24/06/2017, 10:36
“Các nhà thầu nhiều lần đề nghị thanh toán kịp thời nếu không sẽ ngưng thi công, ảnh hưởng đến tiến độ công trình và việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của nhà nước đối với các nhà đầu tư nước ngoài”, phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm nói tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 23/6.

Tuyến metro số 1 có nguy cơ ngừng thi công do thiếu vốn.

Nhà thầu dọa đình công

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm, hiện nay nhu cầu vốn ODA từ nguồn ngân sách trung ương cấp phát cho TP.HCM giai đoạn 2016-2020 của 2 dự án trọng điểm là 29.512 tỷ đồng, trong đó dự án tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) là 20.930 tỷ đồng và dự án cải thiện môi trường nước (lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ) giai đoạn 2 là 8.582 tỷ đồng.

UBND TP.HCM đã 3 lần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí đủ vốn cho các dự án trên. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ bố trí cho thành phố 11.517 tỷ đồng cho 2 dự án (và được sự đồng ý của Bộ Tài chính), mới đáp ứng được 39% tổng nhu cầu vốn ODA, trong đó dự án tuyến metro số 1 là 7.500 tỷ đồng, dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 là 4.017 tỷ đồng.

“Với số vốn trên, thành phố rất khó hoàn thành đúng tiến độ 2 dự án trên. Hiện nay, khối lượng thi công đang đúng tiến độ cam kết nhưng không đủ vốn để bố trí. Các nhà thầu nhiều lần đề nghị thanh toán kịp thời nếu không sẽ ngưng thi công, ảnh hưởng đến tiến độ công trình và việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của nhà nước đối với các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Liêm cảnh báo.

Lãnh đạo UBND TP.HCM đề nghị Chính phủ xem xét, bố trí đủ vốn (tức bổ sung thêm gần 18.000 tỷ đồng) cho 2 dự án trên trong giai đoạn 2017- 2020 nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án theo các hiệp định đã ký, tránh phát sinh các chi phí cam kết, lãi phạt chậm, đồng thời kịp đưa dự án vào khai thác vào năm 2020.

Trước mắt, TP.HCM đề xuất Chính phủ cho tạm ứng 3.303 tỷ đồng vốn ODA năm 2017 cho dự án tuyến metro số 1 bởi hiện nay nhu cầu vốn ODA ngân sách trung ương cấp phát năm 2017 để thực hiện dự án này là 5.422 tỷ đồng nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ bố trí 2.119 tỷ đồng (thiếu 3.303 tỷ đồng), trong khi khối lượng thi công đang được đẩy nhanh, dự kiến đến tháng 7 sẽ giải ngân hết số vốn đã bố trí năm 2017.

Ngoài ra, UBND TP.HCM mong muốn được tiếp nhận khoản vay 200 triệu euro từ Ngân hàng Đức cho dự án tuyến metro số 2, đồng thời đề nghị Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tuyến metro số số 1 từ 19.906 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng và dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) từ 26.116 tỷ đồng lên 47.603 tỷ đồng.

Vì đâu nên nỗi?

Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết dự án tuyến metro số 1 (TP.HCM) vốn đầu tư tăng lên gần ba lần so với dự toán nhưng đến nay chưa có cơ quan nào phê duyệt.

“Nhiều dự án vốn tăng lên kinh khủng nhưng chưa ai phê duyệt cả. Cái này không phải Bộ làm khó TP.HCM. Ở Hà Nội cũng thế, sau khi triển khai, dự án tăng vốn gấp 2-3 lần, phá vỡ kế hoạch sử dụng vốn. Đối với các dự án tăng vốn, trước mắt chỉ cho tạm ứng để thực hiện, tránh bị ngưng thi công, còn giải ngân e rằng rất khó vì luật không cho phép”, vị này cho biết.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng GTVT là khó khăn rất lớn, là “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM ở hiện tại và trong  tương lai. Trách nhiệm này thuộc về các bộ ngành.

Theo ông Đông, giao thông đường bộ ở TP.HCM kém xa so với Hà Nội. Hà Nội cửa ngõ thông thoáng, đường vành đai khép kín, nhiều đường cao tốc kết nối. Trong khi đó tại TP.HCM ít đường cao tốc kết nối; đường vành đai 2 chưa khép kín, đường vành đai 3 chưa có đoạn nào. Sân bay Tân Sơn Nhất kẹt thường xuyên. Bến cảng cũng trong tình trạng tương tự.

“Cao tốc Bến Lức - Long Thành dự kiến đến năm 2019 đưa vào khai thác nhưng do khó khăn về vốn nên có thể phải lùi sang năm 2020, thậm chí 2021. Kiến nghị của TP.HCM về bổ sung vốn ODA, Bộ rất đồng tình. Cần bố trí đủ vốn, nếu chậm không chỉ thiệt hại mà còn có khả năng bị nhà thầu kiện”, ông Đông lưu ý.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hỏi ngay: Dự án tăng vốn, Bộ GTVT xem xét xem có đúng không?

Ông Đông trả lời: Các bộ ngành xem xét phần tăng thêm sẽ bố trí từ nguồn vốn nào còn thẩm quyền xem xét, phê duyệt là của Thủ tướng theo Luật Đầu tư công.

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, đối với những dự án bị đội vốn như tuyến metro số 1, số 2, TP.HCM sẽ sớm làm rõ, trình lại để tránh rơi vào tình trạng bế tắc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình: Phải khẩn trương làm rõ, dứt khoát, không đá qua, đá lại, nếu không dự án sẽ kéo dài. Ở nước ngoài, mấy cái đường cao tốc, người ta làm một lèo là xong.

“Mình là nhà nước pháp quyền, làm sai là không được. Công trình 35.000 tỷ đồng phải báo cáo Quốc hội, trước khi qua Quốc hội phải báo cáo trung ương. Các bộ, vụ, cục… trục trặc với nhau. Nhiều vấn đề chưa nhận thức được. TP.HCM phải chủ động làm rõ vì sao vốn đầu tư tăng cao hơn dự toán công trình. Dự toán công trình chỉ gần 20.000 tỷ đồng, vì sao tăng gần gấp ba lần để xử lý. Đây là dự án vốn ODA, con cháu phải gánh nợ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thanh tra đất quốc phòng tại TP.HCM

Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết các hoạt động xây dựng trong sân golf Tân Sơn Nhất đã bị đình chỉ theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ. Sân golf Tân Sơn Nhất đã được Thủ tướng Chính phủ và 8 bộ ngành phê duyệt, chấp thuận. Quan điểm của Quân ủy Trung ương là ưu tiên đất trong sân bay để phát triển hàng không dân dụng. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng đang tiến hành thanh tra toàn bộ đất quốc phòng trên địa bàn TP.HCM và chủ trương không làm kinh tế để tập trung xây dựng nền quốc phòng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn