12 dự án nghìn tỷ: Phải công khai nguyên nhân thua lỗ

Thứ năm, 22/06/2017, 12:35
Chỉ khi công khai mọi nguyên nhân thua lỗ, xử lý nghiêm trách nhiệm thì mới tính tới phương án mua bán, sáp nhập hay giải thể.

GS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) cho rằng:

"Sự lúng túng, loay hoay trong quá trình xử lý sai phạm tại 12 dự án nghìn tỷ "đắp chiếu" của các cơ quan, bộ ngành chủ quản cho thấy các phương án xử lý thiếu thực tiễn, chưa trả lời được những vấn đề cốt lõi là: Nguyên nhân dẫn tới thua lỗ tại 12 dự án trên là gì?".

Dự án nghìn tỷ gây tai tiếng

Theo vị GS, việc ra liên tiếp 120 văn bản chỉ đạo nhưng không đem lại kết quả cho thấy các bộ, ngành chủ quản chưa đủ dũng cảm, nhìn thẳng vào sự thật để xử lý dứt điểm những tồn tại, yếu kém tại các dự án trên.

Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nhiều dự án quan trọng phải lùi lại vì không có tiền thì hàng nghìn tỷ lại bị ném đi một cách vô nghĩa là không thể chấp nhận được.

"Có dự án càng làm càng lỗ nhưng cũng lại có dự án không thể vận hành, hoạt động được vì thiếu vốn khiến xã hội vô cùng bức xúc", vị GS gay gắt.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi - Trường Đại học kinh tế Nông-Lâm, TP.HCM cho rằng, thua lỗ, thất thoát ở 12 dự án thuộc ngành công thương là con số quá khủng khiếp, mà chỉ cần nhắc tới  cũng khiến bất cứ ai đều bất bình, bức xúc.

Vì thế, việc tiếp tục duy trì 12 dự án thua lỗ, yếu kém trên hoặc cố trì hoãn, xử lý không kiên quyết sẽ dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng cho toàn nền kinh tế cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, xã hội cả nước.

Vị PGS thẳng thắn, "phải dứt khoát, kiên quyết chịu đau mà cắt bỏ, chứ loay hoay mãi tâm lý "bỏ thì thương, vương thì tội"chỉ càng khiến cho tình trạng của các nhà máy này thêm trầm trọng. Còn các cơ quan quản lý nhà nước dễ bị rơi vào cái bẫy "tiến thoái lưỡng nan", vào rồi không thoát ra được".

PGS Nguyễn Văn Ngãi bức xúc, đây là vấn đề rất quan trọng nhưng đã được bàn nhiều, bàn mãi, thậm chí cho tới nay các cơ quan, bộ ngành đã ra tới 120 văn bản chỉ đạo xử lý các vấn đề tồn tại, vướng mắc mà vẫn không có hiệu quả.

Ông lo ngại, nếu vẫn tiếp tục với cách chỉ đạo chung chung, không chỉ ra được ai phải thực hiện? cơ quan đơn vị nào giám sát? ai sẽ đánh giá, tổng kết? và ai là người phải chịu trách nhiệm chính?... thì dù có ra bao nhiêu văn bản cũng khó cải thiện được thực tế.

Vì lý do trên, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi đề nghị Chính phủ cần vào cuộc kiên quyết chỉ đạo, xử lý dứt điểm những tồn tại, yếu kém tại các doanh nghiệp nói trên bất kể đó là lý do khách quan hay chủ quan. Trước hết, phải chấm dứt hoàn toàn mọi cơ chế ưu đãi, ngân sách quyết không rót thêm tiền, buộc doanh nghiệp phải hoạt động theo cơ chế thị trường.

"Đây là hệ quả của thói quen cứ khó lại kêu, kêu là được của các DNNN. Cần phải xóa bỏ ngay tư duy lười biếng, ỉ lại, cứ làm ăn thua lỗ lại chờ nhà nước giang tay ra cứu", ông Ngãi đề nghị.

Tìm cho được nguyên nhân

GS Đặng Đình Đào cho rằng, việc xử lý 12 dự án thua lỗ là bắt buộc vì những lý do sau:

Thứ nhất, còn kéo dài tài sản nhà nước còn bị thất thoát, thậm chí mất trắng.

Thứ hai, những bức xúc xã hội bị tích tụ, cộng dồn dẫn tới lòng tin của dư luận và người dân với những chính sách của nhà nước ngày càng bị mai một, mất lòng tin.

Thứ ba, niềm tin vào chủ trương chống tham nhũng, thất thoát của Chính phủ bị suy giảm.

Theo GS Đào, để xử lý những tồn tại, yếu kém tại 12 dự án triên, việc làm trước tiên là tìm cho được nguyên nhân.

Trên cơ sở đó xác định trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể. Ông cho biết, chỉ cần bắt đầu từ các cơ quan chủ quản, người phê duyệt, chuẩn y cho ra đời những dự án đó.

Tiếp đến là những người được giao nhiệm vụ thực hiện, triển khai dự án đó nhưng không hoàn thành nhiệm vụ dẫn tới thua lỗ, thất thoát phải chịu trách nhiệm tiếp theo.

Sau khi xác định được nguyên nhân, trách nhiệm mới bàn tới phương án xử lý 12 nhà máy, dự án trên.

"Chỉ khi công khai mọi nguyên nhân thua lỗ, xử lý nghiêm trách nhiệm thì mới tính tới phương án mua bán, xác nhập hay giải thể. Nếu vẫn còn là một mớ bùng nhùng như hiện nay sẽ không một nhà đầu tư nào muốn đầu tư vào để chịu lỗ, trả nợ thay", GS Đào nhấn mạnh.

Vị GS bức xúc, 12 dự án gây thua lỗ, thất thoát hàng nghìn tỷ mà không biết nguyên nhân vì sao? Không lý giải được một cách tường tận để người dân hiểu được. Không ai phải chịu trách nhiệm là quá vô lý.

"Là do mua phải công nghệ lạc hậu, không thể hoạt động được hay do trình độ, năng lực quản trị yếu kém?. Hay còn vì thiếu trách nhiệm, có tham nhũng, nhận phong bì mà để nhà thầu thay đổi công nghệ, dẫn tới tình trạng nhà máy không thể vận hành, hoạt động được?". Lấy ví dụ từ Nhà máy bột giấy Phương Nam, ông cho biết, dự án đầu tư hơn 3.000 tỷ, trong suốt 14 năm cuối cùng vẫn đắp chiếu.

"Vậy ai thay đổi thiết kế, ai chấp thuận cho thay đổi thiết kế?". Theo vị GS. đã rõ ràng đến như vậy nhưng tới nay vẫn không tìm được ai chịu trách nhiệm là khó có thể chấp nhận được.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn