Bộ GTVT vừa công bố xếp loại nhà thầu xây lắp tham gia các dự án xây dựng giao thông sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước năm 2016. Trong đó, số lượng các nhà thầu Hàn Quốc và Trung Quốc xếp loại trung bình bị điểm mặt nhiều hơn so với những lần đánh giá trước.
Nhà thầu Trung Quốc bị tố làm ẩu. Ảnh minh họa |
Đáng chú ý, đa số những nhà thầu bị xếp hạng trung bình đều là những nhà thầu từng "dính chàm" tại các dự án lớn gây bức xúc trong dư luận như: Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, Tổng công ty Xây dựng cầu đường Quảng Tây là hai nhà thầu dính bê bối nhiều lần tại các dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Một lãnh đạo trong Hội đồng nghiệm thu Nhà nước tỏ ra ngạc nhiên và cho rằng, đầy là một hiện tượng "bất thường".
Phân tích thêm, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây Dựng đánh giá, phương châm của các nhà thầu khi đã tham gia thực hiện dự án là phải có lợi. Nhưng trên cơ sở đảm bảo hài hòa được lợi ích của Nhà nước, người dân và cả doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế thời gian vừa qua đã cho thấy, có những nhà thầu vì lợi ích mà bất chấp pháp luật, làm những việc làm sai trái gây bức xúc trong dư luận.
Theo vị chuyên gia, ngoài những ràng buộc về điều kiện hợp đồng vay vốn, thì những lý do như quan hệ, phong bì, lót tay cũng là rào cản lớn.
Mặt khác, vướng mắc về thẩm định năng lực nhà thầu khi tham gia đấu thầu còn chưa chặt chẽ. Đây là kẽ hở cho nhà thầu yếu kém "lọt cửa".
Bên cạnh đó, trong quá trình tư vấn, giám sát lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm, thậm chí có tình trạng bao che cho sai phạm của nhà thầu, mới dẫn tới sai phạm chồng sai phạm.
Vì vậy, các cơ quan quản lý ngoài việc đưa ra kết quả đánh giá cũng cần công khai nguyên nhân vì sao các nhà thầu Hàn Quốc và Trung Quốc lại bị đánh giá "trung bình" và liên tục mắc nhiều lỗi? Có vấn đề tiêu cực ở đây không?.
PGS Nguyễn Văn Hùng cho rằng phải đánh giá thận trọng và đưa ra giải pháp xử lý triệt để, tránh "ngựa quen đường cũ".
Ông đặc biệt nhấn mạnh về vấn đề xử lý trách nhiệm. Ông cho biết, sau khi công bố những sai phạm rồi thì phải xử lý trách nhiệm của các bên liên quan như thế nào. Cụ thể là trách nhiệm người đứng đầu chịu trách nhiệm triển khai dự án? trách nhiệm của chủ đầu tư?, trách nhiệm cơ quan giám sát? và cả trách nhiệm của nhà thầu gây sai phạm trong từng dự án?.
"Phải có giải pháp xử lý triệt để, nghiêm khắc mới mong chấm dứt được tình trạng trên", ông Hùng nhấn mạnh.
Nghịch lý...
Nhìn nhận từ góc độ chính sách, pháp lý, một chuyên gia trong lĩnh vực thẩm định công trình cho rằng cần phải xem xét lại các quy định của Việt Nam.
Ông phân tích, tại điều 5 của Luật Đấu thầu đưa ra quy định yêu cầu nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu quốc tế tại Việt Nam phải liên danh hoặc ký hợp đồng với nhà thầu phụ Việt Nam. Tức là thực hiện theo dạng xây dựng đơn giá và sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam.
Quy định trên nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, mà khi thực hiện theo hình thức này cũng có nghĩa nhà thầu nước ngoài đã đứng ngoài cuộc chơi. Toàn bộ công trình được giao cho người Việt Nam làm, từ việc tuyển chọn, sử dụng kỹ sư, cho tới công nhân và thiết bị, máy móc.
Về mặt tích cực, chính sách trên giúp giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động trong nước. Nhưng nó lại cho thấy trình độ, năng lực quản lý của người Việt yếu kém nên phải đi thuê nước ngoài, rồi sau đó họ lại thuê ngược lại người Việt Nam.
"Như vậy sẽ dẫn tới tình trạng "chất lượng nội mà giá ngoại". Giá công trình cao nhưng chất lượng không đảm bảo", vị này nói rõ.
Hơn nữa, do quy định, hợp đồng không rõ ràng nên khi có sai sót các nhà thầu nước ngoài lại chây ì, đổ lỗi loanh quanh.
Ông lấy ví dụ điển hình từ những sai phạm tại dự án đường sắt trên cao Hà Nội. Ông cho biết, nhà thầu Trung Quốc liên tục lấy lý do nhà thầu phụ Việt Nam kém nên chậm tiến độ, đội vốn vì vậy không thể xử lý được họ.
Theo vị chuyên gia, nếu thực hiện theo hình thức hợp đồng trọn gói với nhà thầu, nhà thầu sẽ phải chấp nhận lời ăn lỗ chịu. Cả nhà thầu và chủ đầu tư đều phải chấp nhận một chỉ số rủi ro nhất định về khối lượng và đơn giá nhưng đổi lại, nhà thầu nước ngoài được chủ động trong thực hiện dự án, được phép đưa nhân công, máy móc thiết bị để thực hiện dự án.
Trước sức ép đó, cũng buộc nhà thầu phải nâng cao trách nhiệm, cam kết thực hiện, giám sát thật tốt, chất lượng công trình phải đảm bảo mới được quyết toán.
"Tuy nhiên, mặt trái của quy định này là khi đã giao trọn gói cho nhà thầu nước ngoài thì "không ai có thể tơ hào được gì nữa". Có lẽ vì lý do này mà nhiều người không thích", ông nói.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, việc ép nhà thầu nước ngoài cho nhà thầu phụ Việt Nam tham gia có khi mất nhiều hơn được.
Vị này tính toán, so sánh giữa hợp đồng trọn gói với việc thực hiện theo đơn giá và sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam chắc chắn đơn giá công trình sẽ bị chênh lệch không nhỏ.
Số tiền chênh lệch này theo vị chuyên gia đủ để Việt Nam tổ chức các lớp đào tạo cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề, có tay nghề cao đủ sức đảm đương, làm chủ những dự án quan trọng, thoát khỏi thân phận đi làm thuê. Nó cũng đủ tiền mua sắp, trang bị công nghệ hiện đại, thúc đẩy phát triển nền công nghiệp xây dựng chuyên nghiệp hơn, chất lượng cao hơn.
Theo Đất Việt