Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục, Tổ phó Tổ công tác, làm việc với EVN về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017.
Theo đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu EVN làm rõ một số vấn đề.
Thứ nhất, Thủ tướng yêu cầu EVN phải đạt tăng trưởng 11,5% trong năm 2017, bảo đảm điện cho nền kinh tế, cung ứng điện cho miền Nam, không để xảy ra thiếu điện… EVN cũng cần báo cáo các giải pháp cụ thể thực hiện mục tiêu này.
Người dứng đầu Tổ công tác cho biết cung ứng đủ điện là một giải pháp để bảo đảm tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong năm 2017 đã có tình trạng quá tải cục bộ gây mất an toàn ổn định vận hành hệ thống điện.
“Trong 4 ngày nắng nóng đầu tháng 6, đã có tới 12.632 cuộc gọi tới Trung tâm Chăm sóc khách hàng của EVN liên quan đến sự cố, an toàn và mất điện. EVN cần nêu rõ trách nhiệm và các giải pháp, kế hoạch để không xảy ra tình trạng này”, Phó chủ nhiệm Nguyễn Cao Lục nhấn mạnh.
Trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Ảnh: Lê Hiếu. |
Thứ hai, Thủ tướng cũng lưu ý EVN về công tác vận hành các nhà máy thủy điện, nhiệt điện. Trong thời gian qua đã có một số vụ việc gây bức xúc như 4 học sinh bị đuối nước, tử vong tại khu vực hạ lưu Thủy điện sông Ba Hạ (Phú Yên), sự cố công trình Thủy điện Sông Bung 2 vào tháng 9/2016 khiến 2 công nhân tử vong.
Ông Nguyễn Cao Lục nhấn mạnh EVN cần chú ý đến tình trạng ngập lụt ở các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận và Đắk Lắk. Ngoài ra, tình trạng ngập lụt tại Hà Tĩnh vào cuối năm 2016 diễn biến phức tạp. Vấn đề xả lũ của các thủy điện liên quan xả lũ cũng có vai trò rất quan trọng.
Gần đây, nhiệt điện Phả Lại cũng gặp sự cố vào ngày 6/6. Thủ tướng đã chỉ đạo không thể để tình trạng xả lũ làm tăng ngập cho dân vùng hạ lưu rồi lại trả lời là xả đúng quy trình. Quy trình đó là sai, không thể chấp nhận được. Tổ công tác yêu cầu EVN báo cáo các giải pháp để không xảy ra sự cố ảnh hưởng tới người dân.
Thứ ba, Thủ tướng yêu cầu EVN báo cáo về kết quả tái cơ cấu. Dựa trên số liệu báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, EVN đang dẫn đầu về nợ vay so với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Vốn vay của EVN phần lớn là nợ vay được Chính phủ bảo lãnh. Theo báo cáo được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ, Công ty mẹ EVN năm 2015 vay thêm 2 tỷ USD, nâng mức bảo lãnh nợ vay của Chính phủ đối với EVN lên 9,7 tỷ USD.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị EVN cần tăng hiệu quả sử dụng vốn, đa dạng hóa ngoại tệ đi vay để giảm rủi ro tỉ giá. EVN cũng cần báo cáo về giải pháp tái cơ cấu, giảm chi phí trực tiếp, gián tiếp, tăng hiệu quả đầu tư.
Theo Zing