Thị trường bán lẻ Việt vào cuộc chơi mới

Thứ bảy, 24/06/2017, 10:42
Một cuộc “đại chiến” mới được các chuyên gia dự báo sẽ bùng nổ trong thời gian tới khi các nhà bán lẻ trong và ngoài nước phải đẩy nhanh chiến lược nhằm bảo vệ “cứ địa” đã chiếm lĩnh trước sự xâm lấn tiềm tàng của tân binh 7 Eleven đến từ Nhật Bản.

Theo các chuyên gia, việc các thương hiệu bán lẻ ngoại tấn công vào mảng cửa hàng tiện lợi sẽ còn cần nhiều thời gian để trả lời về tính hiệu quả.

Cuộc chiến ngang sức

Không giấu tham vọng xâm chiếm thị trường qua đường ẩm thực, 7 Eleven trong ngày ra mắt cửa hàng đầu tiên tại TPHCM tuần qua bằng việc hướng mũi tấn công tới các đối thủ trực tiếp đầu tiên là các quán cơm bình dân cũng như các cửa hàng bán hàng ăn vặt truyền thống ở TP.HCM.

Cửa hàng đầu tiên, ngoài những món hàng tiêu dùng nhanh khác, còn ra mắt với hơn 100 món ăn nhằm tới dân công sở và giới trẻ nói chung như: phở trộn chua ngọt, bún thịt nướng, cơm cuộn sushi, xôi, bánh mì, bánh cuốn...Việc hướng tới kinh doanh các bữa ăn tươi cũng cho thấy nhà đầu tư này đã nghiên cứu khá kỹ xu hướng mua sắm, tiêu dùng, thậm chí cả gu ăn uống của những người trẻ tuổi Việt Nam.

Với việc mở thêm cửa hàng tiện lợi đầu tiên của  7 Eleven, thị trường bán lẻ Việt Nam càng trở nên sôi động hơn khi có tới gần 1.600 cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini thuộc sở hữu của 10 thương hiệu lớn như Vinmart+, Circle K, B’s Mart, Shop&Go, Ministop....cùng hoạt động. Trong đó, chuỗi cửa hàng đến từ Mỹ Cirlce K có 242 cửa hàng phục vụ 24/24h. B’s Mart thuộc Tập đoàn TCC của Thái Lan có 159 cửa hàng trong khi chuỗi Shop&Go sở hữu 121 cửa hàng. Cũng được coi là đối thủ nặng ký, MiniStop của Aeon có tổng cộng 80 cửa hàng.

Ở trong  nước, hệ thống Co.op Food không kém cạnh khi sở hữu 130 điểm bán trong khi SatraFoods cũng đạt 100 cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, đáng kể nhất và cũng là thương hiệu sở hữu hệ thống chuỗi cửa hàng tiện ích lớn nhất Việt Nam chính là Vinmart+ của tập đoàn Vingroup.

Dù mới gia nhập thị trường được gần 3 năm nhưng hiện Vinmart+ đã có tới gần 900 cơ sở tại 9 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Biên Hòa, Nha Trang, Bình Dương và TP.HCM. Dự kiến tới cuối năm 2017, hệ thống sẽ mở rộng thêm hơn 1.000 cửa hàng Vinmart+ ở 30 tỉnh thành trên cả nước và là chuỗi bán lẻ hiện đại có quy mô và độ lan tỏa lớn nhất Việt Nam.

“Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào”

Theo chuyên gia về siêu thị Vũ Vinh Phú, việc 7 Eleven gia nhập thị trường và hướng tới các nhóm khách hàng cụ thể là hồi chuông cảnh báo với doanh nghiệp Việt, nếu không thay đổi cách kinh doanh sẽ nhanh chóng bị tụt hậu, mất khách hàng. Tuy nhiên, theo ông Phú, dù được đánh giá rất cao về tiềm lực với mô hình kinh doanh địa phương hóa, việc 7 Eleven có độc chiếm được thị trường hay không sẽ còn cần thêm một thời gian dài nữa để có câu trả lời.

Trong thực tế, việc hàng nghìn cửa hàng tiện lợi hoạt động theo mô hình 24/7 nhanh chóng được các doanh nghiệp định vị và đóng chốt tại các đầu đường, đầu khu dân cư hòng độc chiếm khách hàng trong vài năm trở lại đây cũng là một trong những trở ngại được ông Vũ Thanh Tú, CEO 7-Eleven tại Việt Nam thừa nhận khi trao đổi với báo chí về những vấn đề liên quan đến việc  phát triển hoạt động trong thời gian tới.

Cũng theo ông Phú, dù cạnh tranh nhưng thực tế theo dõi thị trường cho thấy, các doanh nghiệp đang hướng tới những thị trường ngách với những phân khúc khách hàng khác nhau. Hiện 7 Eleven hay MiniStop và Family Mart đang có xu hướng nhằm vào dân công sở và những người trẻ thích “sống ảo” thông qua việc hướng tới mô hình kinh doanh bữa ăn tươi và cung cấp wifi miễn phí.

Trong khi đó, những chuỗi cửa hàng tiện lợi của các ông chủ Việt như Co.opFood, SatraFoods, Hapro, Vissan hay Vinmart+ hướng tới việc cung cấp các sản phẩm thiết yếu như thịt, rau, củ quả và những hàng hóa gia dụng thiết yếu khác cho các bà nội trợ.

Bà Vũ Thị Hậu, Phó Giám đốc Cty CP Nhất Nam- chủ hệ thống chuỗi siêu thị Fivimart cho biết, hiện số lượng siêu thị Fivimart đã tăng trên 30 siêu thị tại Hà Nội, trải khắp các địa điểm trung tâm của thành phố. “Chúng tôi phải thay đổi để tồn tại trên thị trường bán lẻ vì có quá nhiều sự cạnh tranh cả trong nước và nước ngoài. Chúng tôi học được nhiều điều từ doanh nghiệp ngoại về lĩnh vực bán lẻ mà lâu nay chúng tôi thiếu sót”, bà Hậu nói.

Khẳng định các doanh nghiệp trong nước không phải quá lo ngại trước việc các doanh nghiệp ngoại liên tiếp đổ bộ vào thị trường bán lẻ, một lãnh đạo từng nhiều năm quản lý về mặt thương mại của Hà Nội cho rằng, thực tế các doanh nghiệp Việt cũng có những thế mạnh riêng. Xét về số lượng và độ phủ, yếu tố quan trọng trong phân phối và bán lẻ, các đối thủ ngoại chưa hẳn là đối thủ cân sức nếu chỉ tính riêng với hệ thống của Vinmart+.

Bên cạnh đó, về chiến lược, theo vị chuyên gia thương mại này, VinMart+ đang hoạt động theo mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini có khả năng cung cấp thực phẩm tươi sống và sơ chế mang lại sự tiện lợi cho người nội trợ.

“Điểm mạnh đặc thù của hệ thống Vinmart+ chính là đang sở hữu nguồn cung thực phẩm đạt vệ sinh an toàn thực phẩm tại nhiều tỉnh thành phố trên cả nước đồng thời đã xây dựng được có chuỗi cung ứng được kiểm soát khép kín từ trang trại đến quầy. Các chuỗi cửa hàng ngoại khác thì đang phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác cung cấp. Với việc mở rộng nhanh các điểm bán, các thương hiệu ngoại cũng sẽ đối mặt áp lực ngày càng lớn trong việc đảm bảo kiểm soát 100% nguồn gốc thực phẩm, rau quả cũng như hậu cần”, vị chuyên gia này phân tích.

“Chúng tôi rất tự tin với chuỗi siêu thị của mình có thể cạnh tranh với các thương hiệu lớn trên thế giới về cửa hàng tiện lợi bởi siêu thị chúng tôi đi vào những khu vực vùng sâu, ngóc ngách ở các quận ngoại thành TP.HCM”, đại diện hệ thống siêu thị Bách hoá Xanh nói.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn