|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM sáng 23-6-2017 |
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhận xét TP.HCM là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước, thời gian qua đã có rất nhiều nỗ lực để giải quyết tình trạng ngập nước, ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, xét về tổng thể, hạ tầng giao thông của TP vẫn chưa tốt. Các dự án đường vành đai, các tuyến metro chậm tiến độ đã ảnh hưởng xấu đến tổng quan hạ tầng giao thông của TP.HCM và của cả vùng.
Hạ tầng TP.HCM kém xa Hà Nội
“Hạ tầng đường bộ của TP.HCM hiện kém xa Hà Nội. Ở thủ đô, tất cả cửa ngõ đều thông thoáng, có đường cao tốc về các tỉnh, các tuyến đường vành đai khép kín.
Còn ở TP, các tuyến vành đai đóng vai trò vực dậy kinh tế cả vùng nhưng chưa được làm trọn vẹn” - ông Đông nói và đề nghị TP.HCM chủ động thúc đẩy các dự án giao thông quan trọng trong nội ô và các đường vành đai.
Thông tin thêm về tình hình triển khai các dự án trọng điểm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết nhu cầu vốn ODA ngân sách trung ương cấp phát cho TP năm 2017 để thực hiện dự án metro số 1 là 5.422 tỉ đồng.
Tuy nhiên, tại quyết định giao vốn năm 2017 của Bộ Kế hoạch và đầu tư, TP được bố trí 2.119 tỉ đồng (thiếu 3.303 tỉ đồng).
Khối lượng thi công của dự án đang được đẩy nhanh và dự kiến đến tháng 7-2017 sẽ hoàn thành giải ngân hết số vốn đã bố trí năm 2017. Tình hình này đã đẩy dự án vào nguy cơ đói vốn, chậm tiến độ.
“Các nhà thầu thi công nhiều lần đề nghị thanh toán kịp thời, nếu không sẽ ngưng thi công, ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Việc này cũng ảnh hưởng lớn đến uy tín của Nhà nước đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung” - ông Liêm cảnh báo.
|
Ông Liêm kiến nghị: Đối với các dự án ODA, dự án quan trọng quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt dự án đầu tư trước khi Luật đầu tư công có hiệu lực, trong quá trình thực hiện dự án nếu có phát sinh thay đổi dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh dự án thì đề nghị thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh là của Thủ tướng Chính phủ, không phải trình lại Quốc hội.
Thủ tướng Chính phủ chỉ thực hiện báo cáo cho Quốc hội tại phiên họp vào cuối mỗi năm để Quốc hội giám sát, theo dõi.
Nếu quy định này được áp dụng thì điểm nghẽn về vốn đầu tư công cho metro số 1 và nhiều công trình tại TP.HCM sẽ được giải quyết toàn diện.
Cụ thể, nếu đề xuất này được chấp thuận thì việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (từ 19.906 tỉ đồng lên 47.325 tỉ đồng) và dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương, từ 26.116 tỉ đồng lên 47.603 tỉ đồng) sẽ có cơ hội được Thủ tướng quyết định.
|
Một góc khu đô thị Thủ Thiêm, Q.2, TP.HCM |
Ủng hộ TP.HCM có cách làm mới
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ luôn đồng hành với TP.HCM cùng giải quyết những khó khăn và ủng hộ TP có cách làm mới để tạo sự tăng trưởng đột phá.
“Cần đổi mới tư duy, dám nghĩ dám làm. Hãy vượt qua suy nghĩ TP đã đạt đến ngưỡng không thể phát triển, bứt phá. Hãy vượt qua tâm lý “an toàn là trên hết” để tìm cách đột phá, tìm những ý tưởng mới” - Thủ tướng nói.
Đặc biệt, Thủ tướng cũng khẳng định cơ bản đồng ý với các kiến nghị của TP.HCM. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý lãnh đạo TP.HCM cần làm nhanh, chủ động làm rõ và đúng trách nhiệm những vấn đề còn tồn tại.
Ví dụ, việc tiếp nhận khoản vay 200 triệu EUR của ngân hàng nước ngoài cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, theo Thủ tướng, đây không phải vốn ODA, chi phí phức tạp, TP.HCM muốn tiếp nhận cần phải giải trình rõ hơn. Hay với các dự án vượt dự toán, đội vốn cao... cần xử lý làm rõ nguyên nhân theo đúng thẩm quyền từng cấp, từng ngành.
“Chính phủ không hề gây khó khăn nhưng chúng ta có quy định, có pháp luật, do vậy phải giải trình cụ thể” - Thủ tướng lưu ý.
Về sử dụng nguồn vốn từ việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp của TP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đồng ý cho phép Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại toàn bộ các doanh nghiệp thuộc UBND TP.HCM cho đến khi thành lập cơ quan chuyên trách đại diện sở hữu doanh nghiệp nhà nước và cổ phần, vốn góp nhà nước tại các doanh nghiệp...
Thủ tướng cũng khẳng định chấp thuận đề xuất của TP.HCM về nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương để đầu tư các dự án quan trọng trên địa bàn TP giai đoạn 2017 - 2020.
Trong đó bao gồm bố trí 9.963 tỉ đồng từ nguồn vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho 36 dự án chống ngập cấp bách của TP và bổ sung 10.000 tỉ đồng cho TP để đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống cảng sông, cảng biển như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn.
Đồng thời, giao TP.HCM làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - đầu tư để làm rõ các thủ tục, giải trình nhu cầu hợp lý.
Theo TTO