Tân binh Shopee có đủ sức khuấy động sân chơi thương mại điện tử?

Thứ sáu, 23/06/2017, 13:21
Những điểm mạnh của Shopee ngày nào giờ đây đang trở thành rào cản trên con đường phát triển của doanh nghiệp này.

Năm ngoái, một Công ty thương mại điện tử lớn trong cuộc họp bất thường đã phát đi thông báo thay đổi đối thủ cạnh tranh trực tiếp ở Việt Nam. Shopee là cái tên được chú ý lúc đó dù đơn vị này chỉ mới hoạt động thử nghiệm được hơn 1 năm. Giờ đây, nỗi lo lắng của họ đã đúng khi gã tân binh ngày nào đang ngày càng lộ rõ tiềm lực.

Thành lập vào tháng 7.2015, Shopee là nền tảng mua sắm trên thiết bị di động có trụ sở ở Singapore. Chiến lược của Shopee là tập trung vào thị trường Đông Nam Á gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Đài Loan và Việt Nam. Tính đến nay, ứng dụng Shopee có 40 triệu lượt tải về ở cả 7 thị trường, tổng giá trị đơn hàng (GMV) đạt 3 tỉ USD. Các số liệu nghiên cứu mới nhất cho thấy chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, thời trang, đồ cho mẹ và bé là những ngành hàng được quan tâm nhiều nhất đối với nữ. Ngược lại, đồ công nghệ, thể thao, phụ kiện lại là ngành hàng phát triển nhất đối với nam giới.

Chủ đầu tư của Shopee là Garena nay là SEA (Singapore), được thành lập năm 2009. Từ doanh nghiệp phát hành game trực tuyến, SEA chuyển thành doanh nghiệp internet bằng cách mở thêm mảng thương mại điện tử Shopee và thanh toán trực tuyến AirPay.

SEA chỉ mới hé lộ thông tin về mảng thương mại điện tử khi công bố gọi thêm 550 triệu USD mở rộng hoạt động của Shopee tại Indonesia để đối đầu với Alibaba. Báo cáo gần đây của Bloomberg cho biết SEA đang lên kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 1 tỉ USD ở Mỹ.

Hiện tượng 5 triệu lượt tải

Ở Việt Nam, không có các hoạt động quảng cáo hoành tráng, nhưng Shopee cũng được xếp vào hàng có “thứ hạng”. Không chia sẻ các con số cụ thể, theo ông Pine Kyaw, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam, Công ty đang nằm trong Top 3 các sàn thương mại điện tử có số lượng đơn hàng trung bình cao nhất. Tính đến nay, có khoảng 5 triệu lượt tải ứng dụng này ở Việt Nam.

Năm ngoái, một lãnh đạo cấp cao của Shopee từng xác định với NCĐT đơn vị này đã vượt mốc 10.000 đơn hàng/ngày. Với tốc độ tăng trưởng 20% đơn hàng mỗi tháng, nhiều khả năng Shopee đã tăng gấp đôi lượng đơn hàng hiện nay.

Tiết kiệm, tiện lợi và tinh tế là cách Shopee thành công ở Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung. Theo đó, Shopee phát triển dựa trên mô hình C2C (khách hàng với khách hàng), chỉ xây một hệ thống công nghệ để kết nối bên bán, bên mua, bên giao hàng, thanh toán... Cách này tiết kiệm hơn nhiều nếu theo B2C (doanh nghiệp với khách hàng), tức doanh nghiệp nhập hàng sỉ về bán lẻ, vì phải tốn chi phí kho bãi, quản lý, mua hàng...

Từ năm 2013, việc kinh doanh trên Facebook đã rất nhộn nhịp nhưng nền tảng này chưa hỗ trợ các doanh nghiệp bán hàng. Tận dụng thời cơ, Shopee ra mắt ứng dụng giúp người kinh doanh có thể đưa cả cửa hàng trên Facebook qua đây nhưng quản lý dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, Shopee đặt cược vào làn sóng di động, họ tin rằng mua và bán trên di động sẽ là xu thế tất yếu. Vì thế, Shopee thâm nhập vào các thị trường khác đều thông qua ứng dụng di động. Ở Việt Nam, phải đến giữa năm 2016, đơn vị này mới có phiên bản trên máy tính. Chiến lược này đã giúp Shopee tiếp cận được cả khách hàng ở tỉnh, điều mà các doanh nghiệp đi trước phải tốn khá nhiều thời gian.

Cuối cùng là tinh tế, yếu tố này thể hiện ở các chiến dịch hỗ trợ giao hàng. Sau khi thu hút những người kinh doanh trên Facebook, Shopee đưa ra lời mời hỗ trợ chi phí giao hàng với điều kiện khách hàng của họ phải đặt hàng qua ứng dụng này. “Đây là chính sách chiến lược của Shopee nhằm thu hút người sử dụng”, ông Pine nói.

Trong hơn 2 năm hoạt động, đơn vị này đã có 2 lần phát động chương trình hỗ trợ giao hàng. Lần đầu tiên là giảm 50% giá vận chuyển toàn quốc trong 15 tháng thử nghiệm. Lần thứ 2 bắt đầu từ đầu năm nay, mỗi đơn hàng giá trị từ 180.000 đồng trở lên sẽ được hỗ trợ 50.000 đồng tiền vận chuyển trên toàn quốc. Theo nguồn tin của NCĐT, giá trị trung bình đơn hàng của Shopee hồi cuối năm ngoái là 200.000 đồng. Với hơn 10.000 đơn hàng/ngày, ước tính mỗi ngày đơn vị này chi hơn 500 triệu đồng hỗ trợ giao hàng.

Cân bằng 2 mô hình

Những điểm mạnh của Shopee ngày nào giờ đây đang trở thành rào cản trên con đường phát triển của doanh nghiệp này.

Theo đó, đóng vai trò là người kết nối, Shopee rất khó có thể kiểm soát nguồn hàng của người bán trên nền tảng của mình. Ở Việt Nam không thiếu các trường hợp người bán hàng kém chất lượng đã để lại thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, chiến lược của Shopee đã được Alibaba áp dụng. Theo đó, họ sẽ gia nhập thị trường thông qua mảng C2C, vừa ít vốn vừa tiếp cận được diện rộng sau đó mở rộng lên khách hàng cao cấp. Nhưng nếu không giải quyết bài toán niềm tin, Shopee có thể hụt chân trước khi đi đến đích.

Theo ông Pine, ở thị trường Việt Nam, có 2 mô hình đang giải quyết bài toán niềm tin. Nhóm thứ nhất xây dựng đội ngũ kiểm soát chặt chẽ và xác nhận từng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.  Cách này tốn rất nhiều chi phí. Nhóm thứ 2 thì ngược lại, không tốn gì vì hầu như không kiểm soát và phó mặc cho người tiêu dùng, tiêu biểu là Facebook.

“Ở Shopee, chúng tôi cố gắng đạt được sự cân bằng của 2 mô hình. Shopee tổ chức các chương trình đào tạo bán hàng cho người bán nhưng cũng rất quyết liệt sàng lọc những người bán kém chất lượng”, ông Pine nói. Một trong những chính sách tạo uy tín là “Shopee đảm bảo”, theo ông Pine, dù là thanh toán trực tuyến hay thanh toán khi nhận hàng, chỉ khi nào khách hàng xác nhận sản phẩm đúng như đã đặt thì chúng tôi mới chuyển tiền cho người bán... Trên thực tế đã có một số thương hiệu có tiếng tham gia Shopee như Samsung, Xiaomi, Pigeon, Bobby...

Khi được hỏi liệu Shopee có chuyển sang mô hình Marketplace, vừa nhập hàng về bán vừa mở cho các cửa hàng khác bán như Lazada hay Tiki hay không, ông Pine cho biết Công ty luôn cân nhắc tất cả các hình thức phù hợp và có tiềm năng nhưng chưa phải bây giờ. Hiện nay, mục tiêu chính của chúng tôi là đa dạng sự lựa chọn cho người sử dụng”, ông Pine nói.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn