Máy giả nhãn hiệu Mitsubishi vẫn “lọt mắt” kiểm định?
Chiều 22.6, Tổ thẩm định tàu 67 hư hỏng của UBND tỉnh Bình Định đã công bố kết quả kiểm tra.
Theo đó, có 9 máy chính tàu hiệu Mitsubishi MPTA và các chi tiết: Bộ sinh hàn giải nhiệt khí bằng nước ngọt, bơm nước biển gắn ngoài, hệ thống ống dẫn giải nhiệt đã gia công lại, bộ sinh hàn nước biển thay thế chỉ giải nhiệt nước ngọt. Tuy nhiên, các chi tiết trên đi kèm với động cơ không đồng bộ và không phù hợp với nguyên tắc hoạt động loại máy thủy của hãng Mitsubishi.
Hãng Mitsubishi đã có văn bản xác nhận không sản xuất động cơ có Model và công suất như ghi trên decal máy. Hầu hết, các máy chính này đều hoạt động không ổn định.
Tàu 67 hư hỏng, ngư dân Bình Định đau nỗi đau nằm bờ. |
3 máy chính tàu hiệu Doosan 4VV222TIM, công suất 880PS, các động cơ chính Doosan có kết cấu đồng bộ của động cơ thủy. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động không ổn định, động cơ bị nóng. Trong 3 máy, có 1 máy chính Doosan lắp trên tàu BĐ 99245 TS (chủ tàu là ông Trần Đình Sơn) bị hư hỏng nặng (gãy trục khuỷu và hư piston).
Qua kiểm tra hồ sơ, phát hiện cả 3 máy có sự sai lệch về ký hiệu máy giữa hồ sơ (4V222TIM) và thực tế (4VV222TIM). Tổ thẩm định đã nhận được thư của hãng Doosan xác nhận 2 model trên là giống nhau.
Kiểm tra tại hiện trường, có 25 máy phụ được lắp trên 17 tàu vỏ thép. Trong đó, 10 cái hiệu Mitsubishi – Nhật Bản ( 4 cái loại S4K-DT, 5 cái loại S6K-D 80KW, 1 cái loại S4S 30,9 kW), 9 cái hiệu Doosan- Hàn Quốc kiểu máy AD126TIF/206kW, 4 cái hiệu CUMMINS CTA 83-G2, 2 máy không có nhãn mác chỉ đóng số chìm.
Thực tế kiểm tra và đối chiều với hồ sơ: 1 máy phụ hiệu CUMMINS do Trung Quốc sản xuất (CO ghi máy lắp ráp tại Singapore), 2 máy phụ không có nhãn mác ghi thông số động cơ, chỉ có dòng số đóng chìm.
Qua kiểm tra, có 3 máy phụ CUMMINS hoạt động không ổn định, nổ không đều và đôi khi tắt trong quá trình khai thác, 1 máy phụ Mitsubishi - Nhật Bản bị vỡ thân máy, không thể hoạt dộng được, 1 máy phụ Mitsubishi hư hỏng do hở bạc. 20 máy phụ còn lại gắn trên tàu đều hoạt động bình thường trong đó 1 máy phụ Mitsubishi có cụm phát điện bị hỏng.
Ông Bùi Hữu Hùng - Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Nam Triệu. |
Đặc biệt, theo kết quả kiểm tra trên hồ sơ, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá - Tổng cục Thủy sản ký kết hợp đồng giám sát đối với cơ sở đóng tàu.
Theo Tổ thẩm định, đối với các máy chính lắp trên tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng, qua kiểm tra hồ sơ các đăng kiểm viên đã nghiệm thu phần máy chính trước khi lắp đặt và khẳng định máy mới 100% đồng ý chuyển bước lắp đặt trên tàu. Cơ sở để nghiệm thu phần này dựa trên các giấy tờ do cơ sở đóng tàu cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng nhận xuất xứ và chứng thư giám định chất lượng của máy là máy thủy mới 100%, đối chiếu với mác máy và số chìm trên máy trùng khớp, đồng thời kiểm tra thực tế tại hiện trường về tình trạng máy, các phụ tùng đồng bộ kèm theo.
Quá trình kiểm tra hiện trường máy trước khi lắp đặt và sau khi lắp đặt của các đăng kiểm viên đã không kiểm tra kỹ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (CO), chứng nhận chất lượng (CQ), chứng nhận thí nghiệm máy (ETR) của nơi sản xuất và không quan sát kỹ các chi tiết không đồng bộ với máy thủy.
Chuyên gia Hàn Quốc đang kiểm tra máy hư hỏng trên tàu ngư dân. |
Đăng kiểm nhận sai sót
Trong khi đó, ông Bùi Hữu Hùng - Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Nam Triệu tỏ ra đầy bất ngờ trước kết quả kiểm tra của Tổ thẩm định.
“Chúng tôi đã ký hợp đồng với Công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát (tại TP.Hồ Chí Minh), theo hợp đồn công ty này phải cung cấp máy Mitsubishi mới 100%. Và`việc lắp máy thực hiện theo đúng quy trình”- ông Hùng khẳng định.
Ông Đào Hồng Đức- Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá: "Sai sót thuộc về đăng kiểm viên". |
Ông Đào Hồng Đức- Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá, Tổng cục Thủy sản cho biết: “Việc kiểm tra máy tàu đầy đủ hồ sơ và thực tế. Trong đó, giám định chất lượng của cơ quan độc lập cũng ghi máy thủy 100% và căn cứ vào đó đăng kiểm cho phép lắp máy trên tàu. Kiểm tra thực tế, máy hoạt động bình thường. Tuy nhiên để xảy ra tình trạng trên, lúc đăng kiểm kiểm tra hồ sơ thì rõ ràng đăng kiểm viên có sai sót. Chúng tôi đã có kiểm điểm rất rõ và sắp tới sẽ kiểm điểm tiếp tục và nâng cao trình độ đăng kiểm”.
Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá Đào Hồng Đức: Sai sót do trình độ đăng kiểm viên!? Trước những bức xúc của ngư dân về việc Trung tâm đăng kiểm tàu cá để xảy ra sai sót khiến nhiều tàu 67 hư hỏng, nhiều cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi với ông Đào Hồng Đức- Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá. Thưa ông, có hay không việc đăng kiểm viên “bắt tay” với doanh nghiệp bỏ lọt máy không đảm bảo chất lượng?. Hiện nay, chúng tôi không phát hiện ra tiêu cực ở đăng kiểm viên. Vậy, trình độ của đăng kiểm viên có vấn đề đúng không thưa ông? -Tôi nói rồi, đăng kiểm viên có sai sót khi kiểm tra. Qua đây, chúng tôi sẽ chấn chỉnh và nâng cao trình độ đăng kiểm viên. Đăng kiểm để xảy ra sai sót khiến ngư dân khổ sở. Vậy tiền thu phí đăng kiểm, Cơ quan đăng kiểm có trả lại cho ngư dân không? Theo quy định nhà nước, đăng kiểm là cơ quan kiểm tra an toàn kỹ thuật trên tàu và sau khi kiểm tra có thu phí đăng kiểm theo quy định của Bộ Tài chính. Phí tính theo quy định Bộ Tài chính, mỗi con tàu khoảng 60 triệu đồng/tàu. Đây là quy định của nhà nước”. Thưa ông, Cơ quan đăng kiểm có liên đới chịu trách nhiệm với nhà máy đóng tàu và phối hợp đền bù cho ngư dân không? Cơ quan đăng kiểm có sai sót trong kiểm tra thì chúng tôi nhận trách nhiệm. Còn vấn đề liên quan khác là trách nhiệm của Bộ NNPTNT, Tổng cục Thủy sản. |
Theo Dân Việt