|
Hoạt động xuất khẩu gạo đang có “sóng ngầm” vì mâu thuẫn lợi ích giữa các doanh nghiệp |
Doanh nghiệp đòi bỏ hợp đồng
Ngày 6.6, VFA có Công văn số 164/CV/HHLTVN về việc "chuẩn bị đấu thầu và ký kết hợp đồng tập trung" gửi các thương nhân xuất khẩu gạo. Theo đó, Vinafood 1 và Vinafood 2 là 2 đầu mối được Chính phủ chỉ định thực hiện các giao dịch hợp đồng tập trung với Bangladesh, Malaysia, Philippines.
Do đó, VFA đề nghị các thương nhân xuất khẩu gạo không được giao dịch, ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo hoặc để bên mua tái xuất khẩu gạo vào thị trường có hợp đồng tập trung nêu trên trong thời gian từ ngày 6.6 đến khi Vinafood 1 và 2 kết thúc giao dịch và ký kết hợp đồng.
Đến ngày 20.6, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, ký Công văn số 315/CV/HHLTVN về việc "xuất khẩu gạo vào thị trường có hợp đồng tập trung" cho phép doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo trở lại vì Vinafood 1 và 2 đã kết thúc giao dịch và ký hợp đồng tập trung với thị trường Malaysia và Bangladesh.
Những công văn như trên không phải lần đầu VFA ban hành, nhưng lần này cộng đồng DN kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo đã phản ứng quyết liệt và nhiều đơn vị nói thẳng, họ sẽ bỏ hợp đồng tập trung.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), phân tích: Về nguyên tắc, hợp đồng tập trung được thực hiện từ các hợp đồng ghi nhớ cấp chính phủ với nhau, nhằm tạo thuận lợi cho việc giao dịch lúa gạo giữa DN hai nước. Nhưng ở trong nước, chính mình lại gây khó khăn cho nhau để độc quyền đấu thầu. Quan trọng là hợp đồng tập trung mà Vinafood 1 và 2 mang về giá thấp là điều vô lý. Ngay cả bây giờ, VFA phân bổ chỉ tiêu cho DN, họ không làm vì không có lời.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, dẫn chứng: “Tháng 5.2017, Vinafood 1 ký hợp đồng xuất khẩu 120.000 tấn gạo loại 5% tấm với Malaysia với mức giá chỉ hơn 356 USD/tấn. Họ lặng lẽ đi ký mà không lấy ý kiến DN, ký về cũng “ỉm” luôn. Gần đây họ mới phân bổ chỉ tiêu cho các DN. Theo quy định, sau khi nhận được thông báo của VFA, DN phải trả lời trong vòng 3 ngày. Bản thân tôi qua ngày hôm sau từ chối luôn vì DN tôi không làm mặt hàng này và tôi cũng thấy nó thấp hơn giá thị trường. Nhiều DN khác cũng từ chối hạn ngạch. Mấy ổng không nắm được xu hướng giá cả. Ký hợp đồng giá thấp, bây giờ thị trường tăng giá họ mới phân bổ hợp đồng, làm lỗ hoài thì ai mà nhận", ông Đôn nói.
Cũng theo ông Bình, sở dĩ Vinafood 1 và 2 đi đàm phán, giá thấp cũng ký vì họ không lỗ. “Họ chỉ làm 20% hợp đồng, còn lại phân bổ cho các thành viên. Họ nắm độc quyền ở hầu hết các khâu từ nhận hợp đồng ủy thác, bao bì, phân phối đến bốc xếp, đặt hàng... Bên cạnh đó còn nhận ủy thác của các DN khác. Mỗi thứ họ hưởng lợi một ít nên gộp lại vẫn lãi, còn bỏ mặc cho DN khác gánh lỗ. Chính vì vậy mà các DN không chịu làm", ông Bình nói.
Lúa gạo đang tăng giá, VN lại bị “hố”
Giữa tháng 5 năm nay, Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra dự báo: Sản lượng gạo thế giới năm 2017 - 2018 sẽ thấp hơn năm trước (sản lượng của Mỹ giảm 10% xuống 6,4 triệu tấn). Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng nhẹ nên thương mại gạo sẽ tiếp tục tăng. Các nước ở châu Phi cận Sahara và Đông Nam Á sẽ tăng nhập khẩu.
Ngày 29.5, tại hội thảo “Triển vọng thương mại gạo thế giới” diễn ra ở Bangkok (Thái Lan), các chuyên gia có chung nhận định: Nguồn cung gạo toàn cầu đang bị hạn chế, kể cả lượng gạo tồn trữ của Thái Lan, do vậy giá gạo sẽ còn tăng. Trung Quốc, châu Phi và Philippines sẽ tiếp tục tăng nhập khẩu gạo. Thị trường gạo thế giới sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong 6 tháng cuối năm 2017.
Tại hội thảo, ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan, cho biết giá gạo xuất khẩu của nước này đã tăng lên 425 USD/tấn (giá FOB) so với mức 365 USD/tấn chỉ cách đây 2 tuần. “Chúng tôi nhận thấy thị trường gạo đang từ chỗ người mua “cầm trịch” chuyển sang người bán điều khiển. Sức mạnh đã lại quay trở về những nơi cung cấp gạo”, ông Jeremy Zwinger, Giám đốc điều hành của Rice Trader, được báo chí trích lời. Cũng thời điểm này như nói trên, chúng ta đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo nhưng với giá rất thấp.
"VFA là một tổ chức nghề nghiệp, không phải tổ chức chính quyền nhưng được trao quyền quá lớn. Họ được quyền xét, cấp quota xuất khẩu gạo cho doanh nghiệp thành ra lạm quyền.". GS-TS Bùi Chí Bửu |
Những bất cập trong việc thực hiện hợp đồng tập trung không phải bây giờ mới có. Tháng 5.2014, cũng trong bối cảnh xuất khẩu gạo gặp khó khăn, hợp đồng tập trung giá “bèo”; nhiều DN đã đồng loạt “xin” trả chỉ tiêu xuất khẩu gạo.
Thời điểm đó VN trúng thầu xuất khẩu gạo sang Philippines với giá 370,05 USD/tấn (giao tại cảng ở TP.HCM), trong khi giá gạo cùng loại xuất sang Trung Quốc và các thị trường khác đã 385 - 390 USD/tấn và không có ràng buộc như xuất sang thị trường Philippines. Lãnh đạo Công ty lương thực Sóc Trăng cho biết: Do mua gạo tạm trữ từ sớm nên vẫn lãi khoảng 7 USD/tấn. Tuy nhiên, nếu so với giá thị trường thời điểm đó thì DN mất 20 USD/tấn.