Vụ tàu cá vỏ thép kém chất lượng: Sẽ kết luận trách nhiệm đăng kiểm

Thứ ba, 27/06/2017, 08:48
Chiều 26/6, trao đổi với PV về trách nhiệm cơ quan đăng kiểm tàu cá vỏ thép bị hư hỏng, ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) cho biết, cơ quan này đã có kiểm điểm, báo cáo Tổng cục Thủy sản xem xét, xử lý.

Thẩm định thiết bị tàu vỏ thép của ngư dân tại TP.Quy Nhơn

Theo ông Đức, Tổ thẩm định của Bình Định đã công bố kết quả liên quan đến 18 tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 bị hư hỏng. “Chúng tôi tôn trọng các đánh giá kết luận của tổ thẩm định. Trong vụ việc này, có trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm tàu cá”- ông Đức nói.

Ông Đức cho biết, khi nghiệm thu phần máy thủy mới 100%, đăng kiểm viên đã kiểm tra hồ sơ, chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (CO), chứng nhận chất lượng (CQ), chứng thư giám định chất lượng… kiểm tra lắp máy, chạy thử đạt yêu cầu  mới xác nhận và cấp giấy chứng nhận an toàn cho con tàu.

“Tuy nhiên, do năng lực đăng kiểm viên còn thiếu kinh nghiệm, không phát hiện ra được máy tàu chính hãng hay không. Cơ quan đăng kiểm đã họp để kiểm điểm các đăng kiểm viên, trình Tổng cục Thủy sản xem xét trách nhiệm các bộ phận liên quan và sẽ có kết luận về vấn đề trên”- ông  Đức cho hay.

Để tránh sự cố đáng tiếc như vừa qua, cơ quan đăng kiểm sẽ  chỉnh đốn công tác đăng kiểm, đào tạo thêm cho đăng kiểm viên. Với những tàu đang quá trình đóng, cơ quan đăng kiểm sẽ thuê chuyên gia về vỏ tàu, máy tàu…tham gia kiểm tra, đồng thời hướng dẫn cho đăng kiểm viên về kinh nghiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

16/18 tàu hư hỏng vay vốn của Ngân hàng BIDV

Theo Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản), các cơ sở tham gia đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá theo Nghị định 67 phải đáp ứng các điều kiện về nhà xưởng, trang thiết bị…quy định rõ trong thông tư 26 (25/8/2014) do Bộ NN&PTNT ban hành. Dựa trên các tiêu chí đó, UBND tỉnh kiểm tra, đánh giá, công nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá trên địa bàn tỉnh; sau đó Bộ NN&PTNT tổng hợp, công bố trên cả nước. Bộ NN&PTNT đã tổng hợp công bố 235 cơ sở đủ điều kiện tham gia đóng mới, sửa chữa tàu theo Nghị định 67, trong đó có hơn 70 cơ sở đóng tàu vỏ thép. Ngư dân dựa vào danh sách trên, được quyền lựa chọn cơ sở để đóng tàu.

Theo Tổng cục Thủy sản, đến hết tháng 5/2017, tổng số tàu cá đã và đang đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 là 967 tàu, trong đó 666 tàu đi vào hoạt động (gồm có 624 tàu khai thác hải sản, 42 tàu dịch vụ hầu cần khai thác hải sản xa bờ). Trong số các tàu đi vào hoạt động, tàu vỏ thép 297 tàu, vỏ gỗ 347 tàu và vỏ composite là 22 tàu. Đa số các tàu hoạt động có hiệu quả và nhiều tàu đã trả nợ vốn và lãi suất ngân hàng.

Tuy nhiên trong số hơn 70 cơ sở đáp ứng tiêu chuẩn để đóng tàu cá vỏ thép, 18 con tàu của ngư dân Bình Định hư hỏng, gỉ sét, đang gây bức xúc dư luận chỉ tập trung 2 cơ sở: Cty TNHH MTV Nam Triệu (ở Hải Phòng, thuộc Bộ Công an) và Cty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định).

Trong kết luận mới đây liên quan đến việc đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Các cơ sở đóng tàu phải thực hiện đầy đủ các quy trình, quy phạm trong đóng mới, cải hoán tàu cá và chịu trách nhiệm về chất lượng toàn bộ con tàu trước chủ tàu và pháp luật.

Hiện đã có văn bản đề nghị các địa phương ven biển tổng rà soát các cơ sở đóng tàu tham gia Nghị định 67. Những cơ sở nào không đủ điều kiện, hoặc không đủ năng lực, thiếu trách nhiệm, cần đề nghị Bộ đưa ra khỏi danh sách. Ngoài ra, các địa phương tổng kiểm tra, rà soát tàu vỏ thép của địa phương, về hợp đồng cơ sở, chủ tàu, cơ quan giám sát, phí thiết kế theo 21 mẫu tàu, bảo hành...

Đặc biệt, có tới 16/18 tàu cá bị hư hỏng tại Bình Định là do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho vay vốn. Do vậy, ông Tám đề nghị BIDV cần tự chấn chỉnh và xem xét tại sao các trường hợp hỏng lại tập trung chủ yếu tại chi nhánh của mình.

Cà Mau kiểm tra đóng mới, nâng cấp tàu cá

Ngày 26/6, Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, các cơ sở đóng tàu phải được UBND tỉnh kiểm tra, đánh giá, công nhận đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá trên địa bàn tỉnh. Về thiết kế, việc đóng mới tàu cá vỏ thép, vỏ composite phải trên cơ sở 21 mẫu tàu cá vỏ thép, 21 mẫu tàu cá vỏ composite được Bộ NN & PTNT ban hành. Trước đó, Bộ NN & PTNT yêu cầu các địa phương không để tàu cá đóng xong không được giải ngân, không được ra khơi do vướng mắc về bảo hiểm, kiểm tra lại các đơn vị bảo hiểm để tháo gỡ vướng mắc. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại xem xét kỳ thu nợ theo 6 tháng hoặc 1 năm, thay vì thu hằng quý như hiện nay.    

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích