ĐBQH đeo đuổi giám sát xử lý vụ tàu thép hỏng

Thứ năm, 29/06/2017, 13:38
Tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn để bảo vệ chủ quyền biển đảo, do đó phải xử lý nghiêm sai phạm. 

Liên quan đến vụ tàu vỏ thép đóng cho ngư dân Bình Định bị hư hỏng nặng, trao đổi với PV, ông Đặng Hoài Tân - ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, việc khởi kiện công ty đóng tàu là nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân.

"Tàu vỏ thép trị giá gần 20 tỷ đồng nên là tài sản không hề nhỏ của ngư dân. Ngư dân vay vốn đóng tàu không phải để ngày một ngày hai rồi bỏ, mà phải tham gia hoạt động sản xuất nhiều năm.

Do đó, một khi công ty đóng tàu làm sai, trốn tránh trách nhiệm và ngư dân cảm thấy thiệt hại của mình đến mức không thỏa thuận được, cần sự can thiệp của pháp luật thì nên khởi kiện để đảm bảo quyền lợi của mình".

ĐBQH Đặng Hoài Tân

Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, ông Đặng Hoài Tân đã chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về giải pháp khắc phục cũng như trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra sự việc này.

"Bộ trưởng đã trả lời rất cụ thể về việc tàu đóng chưa được bao lâu đã bị hư hỏng, không đủ điều kiện vươn khơi, ảnh hưởng đến thu nhập của bà con ngư dân, việc trả nợ, trả lãi ngân hàng và các vấn đề khác có liên quan.

Bộ trưởng cũng nói trước diễn đàn Quốc hội, sau khi kết quả giám định độc lập được công bố, xác định rõ mức độ thiệt hại và trách nhiệm thuộc về ai, nếu có gì liên quan đến Bộ NN-PTNT thì Bộ sẽ nghiêm túc xem xét xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Tinh thần trên hết là các bên phải sớm khắc phục sai phạm để bà con đưa tàu ra khơi một cách an toàn, yên tâm đánh bắt ở ngư trường", ông Tân cho biết.

Đề cập về trách nhiệm của công ty đóng tàu và đăng kiểm, theo ĐBQH Đặng Hoài Tân, trách nhiệm thuộc về ai, nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn tới sai phạm như thế nào, sai phạm có động cơ cá nhân không... , kết quả thẩm định của Tổ công tác đã xác định. Từ đó sẽ quy trách nhiệm cho ai để có hướng xử lý phù hợp.

"Về mặt pháp luật, thủ tục hành chính, cơ quan Nhà nước xử thế nào thì xử nhưng đối với bà con ngư dân, các bên sai phạm phải sớm khắc phục hậu quả để bà con sớm vươn khơi, có thu nhập, có tiền trả nợ ngân hàng, lãi vay...

Bà con được hỗ trợ lãi suất thấp để đóng tàu chứ không phải được cho không, vì thế vẫn phải chịu lãi. Thời gian tàu nằm bờ bà con không có thu nhập mà lỗi không phải do bà con gây ra, trong khi đó lãi suất ngân hàng vẫn phải trả.

Cái này các cơ quan chức năng phải tính toán làm thế nào để giảm thiệt hại cho ngư dân. Bà con vốn đã khổ rồi, giờ lại thêm gánh nặng nợ nần, chịu sao thấu?", ông Tân bức xúc.

Bởi vậy, với vai trò ĐBQH, ông Đặng Hoài Tân khẳng định sẽ đeo đuổi giám sát việc khắc phục hậu quả sau những sai phạm trong việc đóng tàu vỏ thép.

"Tôi sẽ xem ý kiến trả lời của Bộ trưởng, qua việc thanh tra kết luận và tìm hiểu xem việc đó sai đúng thế nào, các bên đã làm hết trách nhiệm của mình chưa? Sau khi xác định sai phạm của các bên thì khắc phục thế nào, có đúng cam kết trong hợp đồng không?

Tôi cũng sẽ đeo đuổi xem tiến độ khắc phục và chất lượng khắc phục đã đảm bảo hay chưa? Ngư dân có hài lòng không? Việc xử lý có đúng pháp luật không.? Đây là cả một quá trình lâu dài", đại biểu Đặng Hoài  Tân nói.

Trong khi đó, nguyên ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An nhấn mạnh, Nghị định 67 ngoài mục tiêu để ngư dân vươn khơi, làm kinh tế còn để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thế nhưng khi tổ chức thực hiện lại có vấn đề.

Vì thế, trong vụ việc này, bà cho rằng: "Các bên đã nhận trách nhiệm, nhưng như thế chưa đủ. Ngư dân ra khơi xa đánh bắt, nếu xảy ra sự cố gây hậu quả khôn lường thì khi ấy xử lý thế nào?

Tôi cho rằng, riêng cơ quan đăng kiểm phải báo cáo ngay với Bộ NN-PTNT: Tại sao máy dởm mà đăng kiểm lại không phát hiện ra? Truy trách nhiệm thế nào?".

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích