Ngư dân Quảng Nam cũng đổ nợ vì tàu vỏ thép

Thứ năm, 29/06/2017, 11:42
Nhiều tàu vỏ thép của ngư dân Quảng Nam được đóng theo nghị định 67 cũng đang gặp sự cố, thậm chí có tàu chưa bàn giao cho ngư dân đã phải đưa lại lên bờ để… “dưỡng thương”.

Tàu của ngư dân Trần Văn Liên hiện đang phải nằm bờ

Con tàu vỏ thép trị giá gần 16,5 tỉ đồng của ngư dân Trần Văn Liên (trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) sau khi chạy thử vào tháng 3-2016 đến nay đã phải lên bờ để sửa chữa.

Hiện ông Liên đã đâm đơn kiện hai doanh nghiệp gồm Công ty CP đóng tàu Bảo Duy và Công ty TNHH dịch vụ kỹ thuật Liên Á đóng tại Hà Nội - doanh nghiệp cung cấp hệ thống đẩy thủy đồng bộ cho tàu.

Theo ông Liên, tàu của ông được đóng tại Công ty CP đóng tàu Bảo Duy từ tháng 9-2015, dự kiến đến 30-4-2016 sẽ bàn giao tàu. Cuối tháng 3-2016, tàu chạy thử đường dài, nhưng khi vừa qua cầu Mân Quang, Đà Nẵng thì chết máy.

“Chúng tôi xuống kiểm tra thì thấy màng lọc nhớt bị hỏng có thể do thợ hàn gây ra, phía Công ty Liên Á kiểm tra máy thì thấy lốc máy bị bể” - ông Liên cho hay.

Sau khi xảy ra sự cố, các bên liên quan đã tiến hành bốn cuộc họp nhưng vẫn không tìm được tiếng nói chung. Vì thế, ông Liên đã kiện Công ty Bảo Duy và Công ty Liên Á ra tòa.

Ông Liên cho biết thêm từ khi theo con tàu vỏ thép này, gia đình ông lâm vào cảnh nợ nần.

“Tôi phải cầm sổ đỏ vay ngân hàng 400 triệu đồng để trả tiền cho các bạn đi tàu vì nghĩ ngày 30-4 sẽ có tàu đi nên đã đặt cọc cho bạn. Không chỉ vậy, hai đứa con tôi là thuyền trưởng, máy trưởng giờ phải đi làm thuê cho tàu cá khác để kiếm sống” - ông Liên cho hay.

Trong khi đó, đại diện Công ty CP Bảo Duy cho rằng công ty chỉ hợp đồng đóng tàu cho ông Liên, còn máy móc thì công ty này chỉ hỗ trợ lắp ráp, máy móc do Công ty Liên Á cung cấp và chịu trách nhiệm.

“Khi xảy ra sự cố, cán bộ nhân viên của công ty đã quyên góp 600 triệu đồng để hỗ trợ ông Liên mua phụ tùng thay thế. Tuy nhiên, khi nhân viên của Công ty Liên Á mang phụ tùng tới lắp thì không được” - đại diện công ty này cho hay.

Cùng ở xã Bình Minh, tàu vỏ thép của ngư dân Phan Thu hiện cũng đang nằm ở Đà Nẵng để sửa chữa. Con tàu của ông Thu là tàu vỏ thép đầu tiên của ngư dân Quảng Nam được đóng theo nghị định 67.

Theo ông Thu, khuya 12-6 vừa qua, khi tàu của ông đang hành nghề trên biển cách đất liền khoảng 135 hải lý thì tàu tự nhiên bị hỏng hộp số và phải nhờ tàu bạn lai dắt về Đà Nẵng để sửa chữa.

Ông Thu cho biết từ khi chuyển sang đầu tư con tàu vỏ thép trị giá gần 12 tỉ đồng, tàu của ông liên tục gặp trục trặc.

Và không chỉ tàu vỏ thép của ông mà có 5-6 tàu vỏ thép khác ở Quảng Nam hiện cũng gặp sự cố, đặc biệt là tàu bị hoen gỉ, ngay hầm chứa nước ngọt cũng không thể sử dụng được…

Ông Ngô Tấn - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam - cho biết ông đã nhận được thông tin về các tàu cá này bị hỏng hóc và đang theo dõi sát tình hình.

Đã làm sai, lại ra yêu sách

Ngày 27-6, một ngày sau chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định, đề nghị Công an tỉnh này lập hồ sơ khởi tố vụ án liên quan đến việc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương có hành vi gian dối trong đóng tàu cho ngư dân thì công ty này mới lên tiếng.

Trước đó, tại hai cuộc họp báo cáo kết quả thẩm định độc lập và chỉ đạo xử lý, khắc phục đối với 18 tàu vỏ thép của ngư dân do Sở NN&PTNT và UBND tỉnh Bình Định tổ chức, công ty này đều vắng mặt.

Theo văn bản đề gửi cho UBND tỉnh Bình Định, Sở NN&PTNT Bình Định và Ngân hàng BIDV chi nhánh Phú Tài (Bình Định) do ông Nguyễn Xuân Nguyên - giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương - ký, đề nghị:

“Để đảm bảo quyền lợi cho các ngư dân và việc sửa chữa bảo dưỡng các tàu cá ngư dân được khách quan, tránh các hiểu nhầm không đáng có, các cấp cơ quan lãnh đạo đôn đốc ngư dân sớm đưa tàu ra công ty này tại cụm công nghiệp cơ khí tàu thuyền thị trấn Xuân Trường (huyện Xuân Trường, Nam Định) để công ty xác định các loại hỏng hóc, sự cố của tàu trong phạm vi bảo hành”.

Về đề nghị này, ông Phan Trọng Hổ - giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định - cho rằng suốt thời gian dài vừa qua, công ty này không hợp tác với Sở NN&PTNT và UBND tỉnh, “giờ đòi tỉnh phải đôn đốc ngư dân đưa tàu ra Nam Định để họ xác định hư hỏng là đòi hỏi không thể chấp nhận được”.

Ông cho rằng Công ty Đại Nguyên Dương không có quyền tự đánh giá những sai phạm mà họ đã gây ra đối với 5 chiếc tàu vỏ thép ở Bình Định.

Liên quan đến sự việc này, các cơ quan chức năng của hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát (Bình Định) đã làm việc với 5 chủ tàu vỏ thép đóng tại Công ty Đại Nguyên Dương để hướng dẫn các thủ tục khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại.

Theo TTO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích