Tàu 67 nằm bờ 2 năm, ngư dân kiện công ty đóng tàu ra tòa

Thứ sáu, 30/06/2017, 15:01
Không chỉ có Bình Định, Nghệ An, ngư dân điêu đứng vì tàu theo NĐ 67 hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc vươn khơi của ngư dân mà tại Quảng Nam vừa có ngư dân đã đưa doanh nghiệp đóng tàu 67 ra tòa để đòi quyền lợi cho con tàu hơn chục tỷ đồng án minh bất động tại bờ gần 2 năm…

Tàu vỏ sắt của ngư dân Liên vừa chạy thử đã hỏng máy nằm án binh bất động tại Đà Nẵng gần 2 năm

Chạy thử được một lúc đã hỏng, tàu nằm bờ... 2 năm

Ngày 30.6, trao đổi với Dân Việt, ông Đặng Quốc Lộc - Chánh án TAND thành phố Tam Kỳ cho biết, việc ngư dân xã Bình Minh, huyện Thăng Bình kiện doanh nghiệp đóng tàu 67 ra tòa án Tam Kỳ đã đưa ra xử một lần, nhưng hai bên đã yêu cầu hoãn để bổ sung thêm một số hồ sơ. “Đến nay vụ việc vẫn còn tạm hoãn chưa có lịch xét xử cụ thể, lúc nào có sẽ cung cấp thông tin đến báo chí…” - ông Lộc nói.

Ngư dân Trần Văn Liên (51 tuổi, ngụ thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) chủ tàu sắt  QNa- 94679TS thuộc Nghị định 67 trị giá 16 tỉ đồng gần 2 năm nay vẫn án minh bất động tại bờ biển Thọ Quang (TP.Đà Nẵng) cho biết, tàu nằm bờ do hỏng máy khiến gia đình ông lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất, nên ông quyết định đưa doanh nghiệp đóng tàu ra TAND TP.Tam Kỳ để nhờ công lý đòi lại quyền lợi.

Ông Liên nói: "Thấy NĐ 67 hỗ trợ cho ngư dân vay tiền đóng tàu, nên tháng 9.2015, gia đình tôi vay tiền để đóng tàu vỏ thép với hy vọng được thuận lợi trong việc đi biển. Hai doanh nghiệp đóng tàu là Công ty cổ phần đóng tàu Bảo Duy (trụ sở Đà Nẵng) và Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á (trụ sở Hà Nội). Trong đó, công ty Liên Á chủ yếu cung cấp máy móc và kỹ thuật cho tàu".

Đáng nói, vào tháng 3.2016, công ty đóng tàu cổ phần đóng tàu Bảo Duy nói cho tàu chạy thử, nhưng ông Liên không đồng ý, vì tàu chưa được bàn giao và không có nhân viên kỹ thuật bên bán máy. Tuy nhiên, sau đó phía bên công ty họ vẫn quyết hạ thủy tàu cho chạy thử, nhưng chỉ được một lúc thì tàu hỏng máy cho đến bây giờ.

Nhìn vào đơn khởi kiện, ông Liên nói tiếp: Sau khi sự số hỏng máy tàu, bên Công ty Liên Á đã cho người mở máy ra coi và tiến hành nhiều cuộc họp bàn kế hoạch sửa chữa sau đó. Cuối cùng, Công ty Bảo Duy góp 600 triệu đồng cùng với 100 triệu đồng của Công ty Liên Á để mua phụ tùng sửa chữa tàu.

“Sau khi mua được phụ tùng xong, bên công ty đóng tàu tiến hành kiểm tra thay thế thì phát hiện lốc máy đã bị hỏng. Trong lúc này, Công ty Bảo Duy đã chịu chi 50% số tiền để mua lại máy mới, trong khi đó Công ty Liên Á không có ý kiến gì. Sự việc cứ mãi kéo dài hết tháng này đến tháng khác không được các bên giải quyết, nên tôi quyết định đưa nhau ra tòa án Tam Kỳ để nhờ công lý đòi lại quyền lợi cho mình” - ông Liên bức xúc.

Ngư dân Liên quyết đưa doanh nghiệp đóng tàu ra tòa để nhờ công lý đòi quyền lợi

Ông Liên ngậm ngùi: “Để có được nguồn vốn góp vào với số vốn vay ngân hàng để đóng tàu, tôi phải thế chấp bìa đỏ vay thêm 450 triệu đồng chuẩn bị ra khơi, nhưng ai ngờ tàu hỏng khiến gia đình điêu đứng mấy năm nay. Riêng tiền trả để giữ chân bạn thuyền đã gần 200 triệu đồng, còn tiền chuẩn bị mua dầu và vật dụng khác cũng cả trăm triệu, bây giờ tàu hỏng chúng tôi coi như tiền vứt đi. Số tiền nợ ngân hàng mười mấy tỷ đồng không có việc làm thì lấy chi mà trả…”.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, hiện đã nắm được những phản ánh của ngư dân về việc các tàu vỏ thép bị hư hỏng. “Nhiều khả năng cuối tháng 6 này, Bộ NN&PTNT triển khai hội nghị sơ kết 2 năm triển khai NĐ 67, nhiều vấn đề phát sinh sẽ được mổ xẻ và Quảng Nam sẽ kiến nghị nhiều giải pháp để bảo vệ ngư dân, ngư trường, nguồn lợi cũng như tổ chức lại sản xuất trên biển…” - ông Tấn nói.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích