Bộ Nông nghiệp báo cáo Thủ tướng vụ tàu vỏ thép hư hỏng

Thứ bảy, 01/07/2017, 10:11
Liên quan đến một số tàu cá vỏ thép của ngư dân Bình Định đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP bị hỏng máy chính, vỏ tàu bị rỉ sét; sau khi cùng với các đơn vị liên quan vào cuộc kiểm tra, ngày 30/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã có báo cáo chính thức Thủ tướng về nội dung này.

39 tàu đóng theo Nghị định 67 bị hư hỏng

Theo Bộ NNPTNT, ngay sau khi có phản ánh của báo chí về một số tàu cá vỏ thép của ngư dân Bình Định đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP bị hỏng máy chính, vỏ tàu bị rỉ sét, Bộ NNPTNT và UBND tỉnh Bình Định đã tiến hành nhiều cuộc họp, đối thoại với các chủ tàu cá.

Ngày 9/5, Bộ NN&PTNT có công văn số 3797/BNN-TCTS về tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở đóng tàu và hướng dẫn thực hiện duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép, đến nay ngoài tỉnh Bình Định các tỉnh đã tiến hành rà soát các các tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Các tỉnh Thanh Hóa, Phú Yên, Quảng Nam đã có báo cáo, cụ thể:

Tỉnh Phú Yên đóng 5 tàu vỏ thép, có 3 tàu hoạt động bình thường, còn 2 tàu vỏ thép bị hư hỏng máy phát điện và cần cẩu, cơ sở đóng tàu và chủ tàu đã kịp thời khắc phục, sửa chữa và tàu đã hoạt động bình thường.

Tỉnh Thanh Hóa đã rà soát 23 tàu vỏ thép được đóng mới đưa vào hoạt động, có 18 tàu bị trục trặc về máy phát điện, cần cẩu, tời, hầm bảo quản. Chủ tàu đã phối hợp với cơ sở đóng tàu khắc phục sửa chữa, đa số tàu đã hoạt động bình thường, hiện còn 2 tàu đang còn đậu ở cảng để sửa chữa máy phát điện.

Tỉnh Quảng Nam đóng mới 35 tàu vỏ thép hiện, đã có 34 tàu đi vào hoạt động bình thường, còn 1 tàu đã hạ thủy, chưa đi hoạt động vì chủ tàu không chấp nhận máy chính do cơ sở đóng tàu lắp đặt.

Bộ NN&PTNT đã yêu cầu Tổng cục Thủy sản chỉ đạo Trung tâm Đăng kiểm tàu cá có báo cáo về việc giám sát đóng mới tàu cá vỏ thép trong toàn quốc và báo cáo giải trình việc giám sát đóng mới tàu cá của tỉnh Bình Định; nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm tập thể lãnh đạo, đăng kiểm viên có liên quan trong việc giám sát đóng mới tàu cá, đăng kiểm tàu cá bị hư hỏng. Tạm đình chỉ công tác các đăng kiểm viên có liên quan, kiểm điểm trách nhiệm và chờ có kết luận chính thức để xử lý theo quy định.

Thuyền viên Mệnh (Bình Định) bên tàu vỏ thép bị rỉ sét nặng.

Tổng kiểm tra các cơ sở đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67

Trên cơ sở báo cáo của UBND tỉnh Bình Định, để sớm khắc phục sự cố đối với các tàu cá vỏ thép, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển; đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo một số nội dung sau:

Giao UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục yêu cầu cơ sở đóng tàu thực hiện cam kết, có kế hoạch cụ thể khắc phục các sai phạm; đồng thời chỉ đạo, tổ chức giám sát việc khắc phục hư hỏng của tàu cá, để sớm đưa tàu cá trở lại hoạt động, giúp ngư dân vươn khơi bám biển.

Giao UBND các tỉnh thành phố ven biển có tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, tổng kiểm tra, rà soát điều kiện của các cơ sở đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP theo quy định pháp luật. Chỉ đạo các cơ sở đóng mới tàu cá có tàu bị hư hỏng chủ động, tích cực làm việc với chủ tàu để rà soát, kịp thời phát hiện hư hỏng (nếu có) và sớm có giải pháp khắc phục.

Khẩn trương tổ chức kiểm tra chất lượng các tàu cá vỏ thép đang đóng và đã đi hoạt động để kịp thời khắc phục hư hỏng (nếu có), chấn chỉnh sai phạm (nếu có) và báo cáo về Bộ NN&PTNT trước ngày 31/7/2017.

Tàu vỏ thép hơn chục tỷ đồng của ngư dân Bình Định có nguy cơ thành đóng sắt vụn?

Giao Bộ NN&PTNT khẩn trương sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến công tác giám sát đóng mới, đăng kiểm tàu cá cho phù hợp với tình hình thực tế.

Nghiêm túc xem xét, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan thuộc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Tiếp tục cử các đoàn công tác phối hợp với UBND tỉnh Bình Định khẩn trương khắc phục các sự cố hư hỏng, sớm đưa tàu cá vào hoạt động sản xuất; phối hợp với các địa phương có tàu cá hư hỏng để kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, khẩn trương khắc phục hư hỏng.

Giao Bộ Công an, Chỉ đạo Công ty TNHH MTV Nam Triệu trực thuộc Bộ Công an nghiêm túc khắc phục, sửa chữa các tàu cá bị hư hỏng; không cho Công ty TNHH MTV Nam Triệu nhận mới các hợp đồng đóng mới tàu cá cho đến khi có kết luận cuối cùng của cơ quan thẩm quyền.

Xem xét đề xuất của UBND tỉnh Bình định về việc điều tra, xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cơ sở đóng tàu có hành vi gian lận trong thực hiện hợp đồng mới tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét việc gia hạn nợ, kéo dài thời gian ân hạn đối với chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng phải nằm bờ không hoạt động sản xuất.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc giải ngân vốn tín dụng đối với các chủ tàu cá đang thực hiện đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Chỉ đạo các ngân hàng thương mại kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến giám sát vốn vay đối với tàu cá vỏ thép xảy ra sự cố, có biện pháp chấn chỉnh công tác giám sát vốn vay trong quá trình đóng mới tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Giao Bộ Tài chính, hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị bảo hiểm tiếp tục thực hiện bảo hiểm tàu cá đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 3412/CV-VPCP ngày 07/4/2017 và công văn số 6150/VPCP-NN ngày 14/6/2017 của Văn phòng Chính phủ; không để tàu cá đóng xong không được giải ngân, không được ra khơi do vương mắc về bảo hiểm.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích