|
Vinachem muốn xin "khoanh nợ" khoản vạy 250 triệu USD từ Trung Quốc sẽ gây áp lực lớn cho ngân sách Nhà nước. |
Nguồn tin của PV cho biết, Bộ Tài chính mới đây đã nhận được công văn của Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính cân đối nguồn trả nợ khoản vay Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) của Dự án Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hoá chất (Vinachem) làm chủ đầu tư.
Trong văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, khoản vay China Eximbank của Dự án Đạm Ninh Bình trị giá 250 triệu USD với thời hạn vay 15 năm. Tính đến ngày 31/3/2017, dư nợ của khoản vay là 162,5 triệu USD (đã trả nợ gốc 7 kỳ với tổng số tiền 87,5 triệu USD).
Tại công văn ngày 27/2/2015, đối với khoản vay này, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có ý kiến “yêu cầu Vinachem thực hiện trả nợ vốn vay, lãi, phí của khoản vay theo đúng Hợp đồng vay đã ký. Trường hợp không tự cân đối để trả nợ, Tập đoàn báo cáo Bộ Tài chính, Công Thương xử lý theo quy định”.
Liên quan tới khoản vay này, Bộ Công Thương cho rằng, Vinachem không cân đối đủ dòng tiền để trả nợ tại các dự án (dự án nhà máy Đạm Ninh Bình và Dự án muối mỏ kali tại Lào).
Do đó, Bộ Công Thương đã đề xuất Thủ tướng cho phép Vinachem trước mắt chủ động huy động, cân đối mọi nguồn tài chính để thanh toán cho các ngân hàng theo quy định; chủ động đàm phán với các tổ chức tín dụng để được khoanh nợ.
Trường hợp China Eximbank không đồng ý, đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan cho vay lại là Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) nghiên cứu, cân đối để có nguồn trả nợ cho China Eximbank. Tiếp đó, thực hiện các nghiệp vụ cần thiết và yêu cầu chủ đầu tư phải ưu tiên thanh toán cho BIDV khi có nguồn tài chính.
Về phía Vinachem, Tập đoàn này đã có công văn đánh giá nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp xử lý khó khăn cho dự án Đạm Ninh Bình nhưng Bộ Tài chính cho rằng “đều không cụ thể, chủ yếu tập trung vào việc đề nghị được khoanh nợ và được Chính phủ hỗ trợ”.
Bên cạnh đó, Vinachem đã báo cáo về số liệu dự kiến trả nợ China Eximbank tương ứng với đề xuất khoanh nợ, theo đó, nợ gốc của khoản vay sẽ kéo dài đến hết năm 2028 mới trả hết. Tuy nhiên, kế hoạch dòng tiền để trả nợ đính kèm của Tập đoàn chỉ tính tới năm 2021.
Cụ thể, Tập đoàn đề xuất sẽ chỉ trả nợ lãi, phí, không trả nợ gốc trong 5 năm (10 kỳ với số tiền 125 triệu USD). Như vậy, tổng số nợ gốc còn lại của khoản vay sẽ được chủ đầu tư tiếp tục trả từ 2022 đến hết năm 2028.
Qua trao đổi sơ bộ với phía China Eximbank, phía Trung Quốc cho biết, không có chính sách hỗ trợ dự án sử dụng vốn vay khó khăn và đối với phía Trung Quốc, người chịu trách nhiệm trả nợ trong mọi trường hợp không phải là doanh nghiệp mà là Chính phủ Việt Nam.
Do đó, theo phương án này, từ năm 2017-2022, Ngân sách Nhà nước sẽ phải ứng vốn để trả nợ cho phía Trung Quốc thay Vinachem với tổng số tiền là 125 triệu USD.
Tuy nhiên, hiện nguồn thu của Quỹ tích luỹ trả nợ rất hạn chế trong khi phải đang phải định kỳ trả nợ thay cho nhiều dự án, doanh nghiệp khó khăn như Giấy Phương Nam, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin, hay SBIC)...
Bộ Tài chính cho rằng, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, bội chi cao, nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, việc Vinachem đề xuất được giãn nợ khi vẫn có khả năng tập trung nguồn lực để trả nợ nước ngoài là “chưa phù hợp”.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ không đặt vấn đề giãn hoãn nợ với phía ngân hàng Trung Quốc vì sẽ gây ảnh hưởng tới uy tín của Chính phủ cũng như ảnh hưởng tới đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia và phạm lỗi chéo giữa tất cả các khoản vay của Chính phủ.
Đồng thời, yêu cầu Vinachem tập trung mọi nguồn lực của Tập đoàn để ưu tiên trả nợ cho khoản vay nước ngoài của dự án Đạm Ninh Bình, trả nợ đầy đủ ngay từ kỳ ngày 21/7/2017 để không làm ảnh hưởng tới uy tín của Chính phủ.
Ngoài ra, tiếp tục chủ động làm việc với các tổ chức tín dụng để hoãn giãn nợ vay trong nước, tiếp tục thoái vốn ngoài ngành và sử dụng các nguồn lực này để cân đối nguồn trả nợ cho dự án.
Theo Dân Trí