Reuter dẫn các nguồn tin từ Nhà Trắng cho thấy, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đề nghị gia tăng xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Mỹ sang châu Âu.
Theo đó, trong cuộc họp sẽ được tổ chức vào ngày 6/7 tại Thủ đô của Ba Lan, ông Donald Trump sẽ tuyên bố về ý định tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các công ty của Mỹ vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho các nước Trung và Đông Âu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu sẽ giúp đỡ các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu khí hóa lỏng sang châu Âu. Ảnh: Reuters |
Đây là quan điểm của các thành viên Đảng Cộng hòa trong việc ủng hộ lập trường cứng rắn với Nga, quyết cạnh tranh với Moscow trên thị trường châu Âu đặc biệt là sử dụng xuất khẩu khí đốt như một công cụ chính trị.
Được biết Tổng thống Mỹ sẽ tham gia một cuộc họp với các nước ở Biển Adriatic, Baltic và Biển Đen trước khi Thượng đỉnh G20 diễn ra nhằm mở rộng cơ sở hạ tầng năng lượng cho khu vực này.
Các mục tiêu mà dự án Mỹ muốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở khu vực này bao gồm các thiết bị đầu cuối nhập khẩu LNG và đường ống dẫn khí đốt. Các thành viên của sáng kiến trên bao gồm Ba Lan, Áo, Hungary và các nước láng giềng của Nga là Latvia và Estonia.
James Jones, cựu Tư lệnh Liên minh Tối cao NATO cho rằng, sự hiện diện của ông Donald Trump sẽ giúp cho dự án khả thi hơn bởi lượng xuất khẩu khí đốt của Hoa Kỳ đã tăng lên trong thời gian gần đây làm suy yếu tác động năng lượng của Nga.
"Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ có thể tự cho mình là một quốc gia nhân đạo bằng cách xuất khẩu năng lượng và giúp đỡ các nước không có đủ nguồn cung cấp trở nên tự túc hơn, ít phụ thuộc hơn và ít bị đe dọa hơn" - ông Jones nói.
Thượng nghị sĩ Cory Gardner, một đảng viên đảng Cộng hòa thuộc bang Colorado, người thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói: "Nó làm suy yếu các chiến lược của Putin, người đang cố gắng sử dụng công cụ năng lượng như một hành động vi phạm mang tính chiến lược".
Khu vực các biển mà Mỹ đang muốn đàm phán xây dựng đường vận chuyển khí hóa lỏng sang châu Âu. |
Điều này được thể hiện rõ hơn ở việc Mỹ mới đây đang tìm cách gia tăng các áp lực ngoại giao với các nước EU nhằm vào đường ống dầu khí Nord Stream 2 và qua đó có thể loại bỏ Gazprom, tập đoàn khí đốt lớn nhất của Nga, ra khỏi thị trường năng lượng EU.
Vì nếu dự án này được xây dựng thành công, Mỹ sẽ phải đối mặt với một đối thủ cạnh tranh lớn do Gazprom đại diện trong việc bán khí thiên nhiên hóa lỏng cho các nước EU.
Tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 sẽ được đặt dọc với tuyến đường ống Nord Stream đầu tiên, bắt đầu từ bờ biển Nga, sau đó qua biển Baltic để đến một trung tâm tại Đức.
Do đường ống dẫn khí không đi qua phần đất liền của EU, nên nó sẽ không phải tuân theo tất cả các quy định của thị trường nội bộ EU dưới khuôn khổ Gói Năng lượng Thứ Ba.
Reuters nhận định, người châu Âu sẽ theo dõi xem liệu ông Trump có làm được những điều ông tuyên bố trong nỗ lực cạnh tranh với Nord Stream 2 hay không.
Hiện, Mỹ vẫn đang bị Đức lên án về hành động can thiệp vào vấn đề năng lượng khi tìm cách trừng phạt đường ống dẫn khí đốt này.
Theo Đất Việt