Thêm bức xúc
GS.TS Phạm Phố cho biết, câu chuyện vay - trả của các dự án thuộc DNNN đang là vấn đề bức xúc.
Nhà máy Đạm Ninh Nình nhập nhiều công nghệ, thiết bị lạc hậu từ Trung Quốc. |
Về nguyên tắc, dự án Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hoá chất (Vinachem) làm chủ đầu tư, Vinachem lại là DNNN trực thuộc Bộ Công thương, tức là nợ của Vinachem là nợ của Chính phủ và nếu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không trả được nợ thì chỉ có hai giải pháp.
Một là cho nó phá sản, cùng với đó là phải xử lý tới cùng trách nhiệm của những cá nhân, tập thể liên quan tới những sai phạm, thua lỗ tại dự án trên.
Vì nguyên nhân thua lỗ của dự án này là do: đầu tư công nghệ của Trung Quốc quá lạc hậu, không sản xuất được; thứ hai, do năng lực trình độ quản trị yếu kém dẫn tới làm ăn thua lỗ, thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước. Vì vậy, Vinachem cũng như Bộ Công thương chính là những đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp về dự án này.
Phương án thứ hai là Chính phủ phải ứng tiền ra cứu.
Vị GS cho biết, đứng trên tâm lý của một người mẹ, khi thấy đứa con chết chắc chắn sẽ phải cứu. Như vậy, không khó hiểu khi Bộ Công thương đề xuất Ngân sách Nhà nước ứng vốn để trả nợ cho phía Trung Quốc thay Vinachem với tổng số tiền là 125 triệu USD. Điều này là phù hợp với tâm lý chung, song lại đi ngược với nguyên tắc thị trường, gây bức xúc, bất bình trong dư luận.
Theo nguyên tắc thị trường là lời ăn, lỗ chịu. Có lợi anh thu, thua lỗ doanh nghiệp phải gánh, không thể đùn đẩy cho ai. Nhưng đưa ra đề xuất trên, Bộ Công thương đang xin cho DNNN. Đây là sự khác biệt điển hình cũng là sự bất bình đẳng rất lớn giữa một DNNN với một doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cần phải cân nhắc rất kỹ lưỡng giữa lợi ích của một doanh nghiệp với lợi ích chung của cả quốc gi
Vị GS nói thẳng: "Động thái trên không vì mục đích vực dậy nhà máy, họ đang bảo vệ quyền lợi, lợi ích của chính những cá nhân, tổ chức tham gia vào dự án này. Liệu đây có phải là cách mở đường tạo tiền lệ cho hàng loạt những dự án khác''.
Từ băn khoăn trên, ông cho rằng rất đồng tình với quan điểm của Bộ Tài chính đối với Đạm Ninh Bình. Việc đáp lời thẳng thắn cho rằng Vinachem phải tập trung nguồn lực đồng thời yêu cầu không đặt vấn đề giãn hoãn nợ với phía ngân hàng Trung Quốc vì sẽ gây ảnh hưởng tới uy tín của Chính phủ cũng như ảnh hưởng tới đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia và phạm lỗi chéo giữa tất cả các khoản vay của Chính phủ là rất đúng đắn.
"Vì nếu đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương sẽ dẫn tới những hệ lụy không thể lường hết được. Đây là cách đẩy "nợ" sang cho Chính phủ và như vậy thì sẽ có tiếp 12 đề xuất xin trả nợ thay cho 12 dự án, nhà máy đang làm ăn thua lỗ, "đắp chiếu" khác. Như vậy sẽ gây áp lực rất lớn tới nợ công cũng như khả năng cân đối nguồn ngân sách quốc gia. Đề xuất trên không thể đáp ứng được", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Trách nhiệm thuộc Bộ Công thương
Quan trọng hơn, vị chuyên gia cho rằng, đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương sẽ gây tâm lý nghi ngờ về lời hứa trong chỉ đạo xử lý những dự án thua lỗ nói trên.
Ở đây vị chuyên gia chỉ rõ, Bộ Công thương là cơ quan chủ quản sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những sai phạm cũng như những thua lỗ của doanh nghiệp này.
GS Phạm Phố nhấn mạnh, rất nhiều sai phạm tại dự án này cần phải được điều tra, làm rõ, từ những tồn tại trong hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc. Ông cho rằng phải làm rõ những uẩn khúc trong việc Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình tiếp nhận quyền điều hành khi dự án chưa hoàn thành 100% theo hợp đồng. Nhà thầu Trung Quốc là người lắp đặt thiết bị máy móc chạy thử còn không được 100% công suất.
"Người ta hay nói, doanh nghiệp Trung Quốc rất hiểu "văn hóa phong bì" của Việt Nam, có phải lý do này mà hợp đồng máy móc, thiết bị được ký vội vàng? Nếu vậy thì trách nhiệm thuộc về ai? Việc khắc phục hậu quả xử lý thế nào...?", ông hỏi thẳng
Ngoài ra, vị GS cũng đặt nghi vấn với kiến nghị xin lùi thời hạn cổ phần hóa Vinachem cho tới khi dự án nhà máy Đạm Ninh Bình có lãi. Ông nói thẳng, không thể chờ đợi nhà máy này có lãi, vì công nghệ quá lạc hậu không thể hoạt động được.
"Đây là dấu hiệu của lợi ích nhóm. Chính phủ đổ tiền đầu tư và giao cho Bộ Công thương quản lý nhưng dự án làm ăn không hiệu quả, gây thua lỗ, thất thoát lớn thì phải làm rõ nguyên nhân vì sao? Và ai phải chịu trách nhiệm về việc đó?
Với Đạm Ninh Bình, giải pháp duy nhất là quyết tâm cho phá sản hoặc bán lại nhà máy cho nhà đầu tư để trả nợ. Bên cạnh đó cũng phải xử lý tới nơi tới trốn trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời phải yêu cầu bồi thường cho ngân sách. Không nên tiếp tục "ôm" vì như vậy chỉ khiến gánh nợ quốc gia thêm nặng nề", ông chỉ rõ.
Theo Đất Việt