Sắp khởi tố Mường Thanh: Số phận vạn căn nhà của dân?

Thứ năm, 06/07/2017, 09:38
Người dân có hợp đồng mua bán liên quan đến 12 dự án có sai phạm vẫn được nhận bồi thường và đảm bảo quyền lợi.

Đã có yếu tố hình sự

Công an TP.Hà Nội có thể sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can sai phạm pháp luật của doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên và công ty cổ phần Bemes thuộc tập đoàn Mường Thanh do ông Lê Thanh Thản làm Chủ tịch.

Trao đổi với Đất Việt, ngày 5/7, Luật sư Đỗ Hải Bình - Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: "Đây là một loại tội chuyên ngành đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, nếu cơ quan tố tụng, cơ quan điều tra, Công an TP.Hà Nội đã khởi tố vụ án là có dấu hiệu hình sự, không còn là vi phạm hành chính.

Khởi tố vụ án cũng đồng nghĩa với việc những hành vi xây dựng trái phép, phân lô bán nền không có giấy phép đã có yếu tố hình sự, không còn là dân sự. Mà khi có yếu tố hình sự thì có thể sẽ tiếp tục khởi tố bị can, khởi tố cá nhân nào có trách nhiệm chính trong vụ án".

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, Luật sư Hoàng Văn Hướng - Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Hưng cho rằng, nếu liên quan đến tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở là hành vi chiếm dụng chỗ ở, xây dựng nhà trái phép thì tội danh này được quy định cụ thể tại Điều 270 Bộ luật hình sự năm 1999, Điều 343 Bộ luật hình sự năm 2015.

Ông Lê Thanh Thản - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên

Tuy nhiên, ông Hướng nhấn mạnh thêm: "Việc khởi tố điều tra, truy tố xét xử, đầu tiên mục đích là chứng minh tội phạm, để trừng trị, áp dụng pháp luật hình sự đối với những người vi phạm.

Bên cạnh đó, giải quyết hậu quả lại là rất nhiều vấn đề khác, trong đó có những vấn đề về dân sự, hành chính, trong trật tự quản lý xây dựng".

Quyền lợi của dân vẫn được đảm bảo

Riêng về quyền lợi của người dân khi ký hợp đồng mua bán nhà liên quan đến 12 dự án có sai phạm, theo Luật sự Hoàng Văn Hướng, tất cả các vụ án đều phải có đảm bảo quyền lợi tối đa cho người dân mua nhà.

Tất cả các vụ án mở cuộc điều tra phải chờ bản án xét xử cuối cùng về hành vi vi phạm pháp luật của Tập đoàn, sau đó trong bản án sẽ có biện pháp, có quyết định về vấn đề trách nhiệm dân sự và đường lối xử lý các hệ quả của nó.

Nói rõ thêm về vấn đề này, Luật sư Đỗ Hải Bình phân tích, quyền lợi của người dân mua nhà tại các dự án có dấu hiệu vi phạm cũng tùy theo vụ việc.

Một dự án do Doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên thực hiện.

"Nếu như khởi tố vụ án hình sự, xác định rõ người của Tập đoàn Mường Thanh là bị can, bị cáo trong vụ án thì lúc này người dân là người đi mua.

Khi đó, phải xác định rõ công ty có lừa người dân hay không, nếu công ty không lừa, bán qua mặt mà tự cho phép, không xin giấy phép thì tội danh liên quan đến vi phạm xây dựng, khách thể bị xâm hại là trật tự xã hội, lúc này không bị hại người dân có thể là nguyên đơn dân sự.

Khi đó họ có quyền yêu cầu bồi thường từ công ty, bị cáo bồi thường cho người dân.

Bất cứ vụ án nào xảy ra thì người dân cũng được bồi thường, ví dụ một vụ án công ty lừa người dân, thì khi đó họ là người bị hại, lúc đó họ có quyền công ty này bồi thường, nghĩa là dân sự trong hình sự.

Còn riêng đối với người dân mua bán chưa được cấp sổ đỏ thì theo diễn biến hợp đồng giữa hai bên, lúc Tập đoàn Mường Thanh bán tài sản, mặc dù bao nhiêu đất chưa được cấp phép, chưa làm thủ tục để có quyền được bán, nhưng vẫn bán cho dân, thì đó là quan hệ dân sự.

Những người dân này nói về góc độ nào đi nữa, nếu không đưa họ vào trường hợp bị hại, bị đơn trong vụ án hình sự, thì họ vẫn có quyền khởi kiện công ty này với quan hệ dân sự.

Nếu cơ quan tố tụng cho rằng giao dịch này không hợp pháp thì phải bồi thường, không hợp pháp về hình thức thì sẽ làm thủ tục cần thiết tạo điều kiện cho người thứ 3 hợp pháp, để người dân vẫn được quyền sở hữu nếu đất, nhà là của Tập đoàn Mường Thanh.

Khởi tố hành vi liên quan đến xây dựng là xây dựng, còn bản chất pháp nhân đó vẫn là hợp pháp.

Người dân không cần lo lắng quá, ngôi nhà vẫn còn nằm đó, khi này cơ quan nhà nước, cơ quan tố tụng sẽ tiến hành những thủ tục cần thiết cho pháp nhân này có tài sản này để bàn giao cho người mua một cách hợp pháp", ông Bình chỉ rõ.

Mặt khác, trước lo ngại mỗi dự án bất động sản thường lập 1 công ty con, 1 pháp nhân mới, theo ông Bình, cái khó hiện nay là từ Luật doanh nghiệp.

Nghĩa là lập ra một công ty thì chỉ cần công ty đó làm đúng với quy định pháp luật, còn sinh ra nhiều công ty con khác lại có thể làm ăn gian dối, nên khâu quản lý khó khăn hơn nhiều.

Tuy nhiên, người nào đại diện pháp luật, đưa ra các chủ trương, đường lối, điều hành các hoạt động sai đều phải chịu trách nhiệm.

Vẫn cấp sổ đỏ

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định Hà Nội vẫn cấp sổ đỏ cho dân mua nhà tại dự án vi phạm khi phát biểu làm rõ một số nội dung tại phiên chất vấn của HĐND thành phố chiều 5/7.

Ông Chung cho biết hiện tại Hà Nội đã cấp được sổ đỏ cho hơn 140.000 trường hợp mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở, đạt tỉ lệ hơn 83%.

“Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện theo kế hoạch của Thành ủy và UBND thành phố giao, ban đầu xác định tiến độ đến 31/12/2016, sau lùi lại đến 30/6/2017, nhưng đến nay không hoàn thành theo kế hoạch” - ông Chung nói.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn