Trong nhiều bài báo trước, với những dữ liệu có được, người viết đã đề cập đến các khoản sở hữu và thu nhập từ cổ tức của cá nhân Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa – người đang bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét kỷ luật - và những người thân trong gia đình tại Công ty CP Bóng đèn Điện Quang (mã DQC).
Gần đây, một số độc giả tiếp tục gửi thắc mắc muốn được rõ hơn tài sản và mối liên hệ của em trai Thứ trưởng Thoa – ông Hồ Đức Lam, tại một doanh nghiệp khác cũng trong lĩnh vực do Bộ Công Thương quản lý là Công ty CP Nhựa Rạng Đông.
Qua tìm hiểu thì bản thân Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng là một cổ đông của doanh nghiệp này, trong khi đó, ông Hồ Đức Lam (em trai ruột của nữ Thứ trưởng) là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Nhựa Rạng Đông.
Tại bài viết này, người viết xin cung cấp thêm một số thông tin theo yêu cầu độc giả và không đưa ra bất cứ bình luận nào.
Ông Hồ Đức Lam, em trai Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, đã có thời gian dài làm việc và quản lý tại Công ty Nhựa Rạng Đông. |
Từ một doanh nghiệp Nhà nước đến bị chi phối bởi một cá nhân
Cũng giống như Bóng đèn Điện Quang, Công ty CP Nhựa Rạng Đông vốn là một doanh nghiệp Nhà nước và chỉ mới chính thức được tư nhân hóa hoàn toàn khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hoàn tất việc bán trên 6,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 43,36% vốn điều lệ cho 3 nhà đầu tư cá nhân là bà Nguyễn Thị Hương Giang, ông Nguyễn Hoàng Ngân và ông Huỳnh Minh Đoan vào cuối tháng 8/2015.
Số cổ phiếu này sau đó được hai trong ba cá nhân trên (ông Đoan và bà Giang) chuyển nhượng lại cho ông Hồ Đức Lam chỉ 1 năm sau đó khi ông này mua thành công 5,8 triệu cổ phần RDP trong hai ngày 6-7/7/2015 theo phương thức thỏa thuận.
Ông Hồ Đức Lam sinh năm 1962, xuất thân là một công nhân cơ điện tại Xí nghiệp liên hiệp gỗ diêm Hòa Bình (năm 1983-1987). Đến tháng 2/1990, ông Lam về Công ty Nhựa Rạng Đông và bắt đầu công tác với vị trí kỹ thuật viên về điện.
Từ đây, đường thăng tiến của ông Lam mới thực sự rõ nét và thuận lợi: Cuối năm 1993, ông Lam được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Nhà máy Cơ khí động lực Công ty Nhựa Rạng Đông. Đến đầu năm 1995, ông trở thành Phó phòng Kỹ thuật của công ty và được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Kỹ thuật, Bí thư chi bộ Phòng Kỹ thuật vào 1 năm sau đó.
Từ tháng 3/2002, ông Hồ Đức Lam ngồi vào ghế Giám đốc điều hành và trở thành Thành viên Hội đồng quản trị. Đến năm 2006, ông Lam chính thức trở thành Tổng giám đốc công ty này.
Hiện tại, với trình độ chuyên môn là Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, kỹ sư điện, ông Hồ Đức Lam là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nhựa Rạng Đông. Ông còn là Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa có quyền lợi cổ đông
Theo báo cáo quản trị công ty năm 2016 của Nhựa Rạng Đông, tính đến cuối năm 2016, ông Hồ Đức Lam – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty vẫn đang là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này với sở hữu 14.657.753 cổ phiếu, chiếm 64,15% vốn điều lệ.
Với tỷ lệ sở hữu này, ông Hồ Đức Lam có quyền chi phối các hoạt động của Nhựa Rạng Đông.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, Hội đồng quản trị của công ty này đã trình và ĐHĐCĐ cũng đã thông qua việc để ông Lam sở hữu tối đa 65% số cổ phần phổ thông có quyền biểu quyết mà không phải thực hiện chào mua công khai.
Người thân trong gia đình ông Lam là ông Hồ Đức Dũng (con đẻ) sở hữu 7.973 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 0,03% vốn RDP, Hồ Hoàng Mai (con đẻ) sở hữu 2.000 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 0,01% vốn RDP.
Chị ruột của ông Lam – bà Hồ Thị Kim Thoa cũng là một trong những cổ đông của doanh nghiệp này mặc dù tỷ lệ sở hữu khiêm tốn, chỉ ở mức 7.919 cổ phiếu, tương ứng 0,03% vốn điều lệ Nhựa Rạng Đông.
Nói cách khác, dù đang theo đuổi con đường chính trị, song Thứ trưởng Thoa vẫn đang hưởng những quyền lợi trực tiếp và gián tiếp thông qua việc sở hữu cổ phần (của cá nhân và người thân) tại hai doanh nghiệp: Bóng đèn Điện Quang và Nhựa Rạng Đông.
Sau 2 phiên liên tục rớt giá và kịp “cầm máu” tại phiên giao dịch 6/7, hiện tại, cổ phiếu RDP đang có mức giá 18.800 đồng/cổ phiếu. Tại mức giá này, tài sản cổ phiếu của ông Hồ Đức Lam tại Nhựa Rạng Đông đạt hơn 275,5 tỷ đồng.
Trong một lần trao đổi với báo chí, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế (Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính) cho rằng: Với việc Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa là nhà quản lý nhưng lại có cổ phần tại doanh nghiệp thì dư luận hoàn toàn có thể đặt ra những nghi ngờ, liệu vừa làm quản lý vừa có doanh nghiệp “thân quen” có tạo ra nhóm lợi ích hay không? Việc có doanh nghiệp “sân sau” có xảy ra việc khi triển khai các chính sách quản lý có tạo ra sự cạnh tranh không công bằng, bình đẳng cho các doanh nghiệp cùng lĩnh vực hay không? Thực tế, những người đang làm quản lý trong lĩnh vực doanh nghiệp thực sự họ là những người tài giỏi nên cần phải bổ nhiệm và sử dụng cho mục đích quản lý kinh tế, quản lý xã hội, đem lại sự giàu có cho nền kinh tế. Tuy nhiên, khi sử dụng những nhà quản lý doanh nghiệp này phải có quy định yêu cầu thoái trách nhiệm và phần vốn tài sản đang có để họ không còn bận tâm tới lĩnh vực doanh nghiệp, từ đó sẽ toàn tâm, toàn ý cho lĩnh vực quản lý, đóng góp cho đất nước. Đặc biệt, phải có quy định không để họ có can thiệp tới lĩnh vực của doanh nghiệp, gây ra những nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh. |
Theo Dân Trí