Tàu thép nằm bờ: Xác minh "cam kết ngầm" giữa nhà máy và chủ tàu

Thứ năm, 06/07/2017, 09:56
Đã có thông tin nhà máy đóng tàu đưa ngư dân Bình Định một khoản tiền để giảm một số hạng mục, ảnh hưởng đến chất lượng một số tàu vỏ thép. Cơ quan chức năng đang xác minh sự việc…

Một tàu cá vỏ thép đóng ở Công ty TNHH Đại Nguyên Dương bị gỉ sét nặng nề sau vài tháng xuất xưởng

Chiều 5-7, ông Trần Châu - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho hay đã yêu cầu các cơ quan chức năng xác minh, kiểm tra về các biên bản thỏa thuận và cam kết riêng ngoài hợp đồng đóng tàu được lập giữa Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) với 5 chủ tàu vỏ thép tại Bình Định.

Ngư dân và hãng tàu 
“đi đêm”?

Ông Trần Châu cho biết biên bản thỏa thuận giữa Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và chủ tàu cho thấy hai bên đều có dấu hiệu làm sai, do vậy cần phải kiểm tra, điều tra để xử lý.

“Hợp đồng đóng tàu rất chặt chẽ, không thể thỏa thuận tôi đưa anh khoản tiền này, anh chấp nhận giảm bớt chi phí và một số hạng mục được... Hậu quả của việc giảm bớt này là con tàu đóng ra không đúng hợp đồng, không đảm bảo chất lượng” - ông Châu nói.

Trước đó, các ngư dân ở hai huyện Phù Cát và Phù Mỹ cho biết khi đến Bình Định “tiếp thị” đóng tàu vỏ thép, đại diện Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cho biết sẽ hỗ trợ mỗi chủ tàu 500 triệu đồng để thực hiện các chuyến biển đầu tiên và 150 triệu đồng là kinh phí ăn ở tại Nam Định khi đóng tàu.

“Nhưng khi đưa tiền, lãnh đạo Công ty TNHH Đại Nguyên Dương nói phải viết giấy vay tiền để tránh nhận tiền rồi đi đóng tàu nơi khác. Sau đó, họ tự đánh máy một bản thỏa thuận rằng tôi vay của họ tổng cộng 650 triệu đồng để làm vốn đối ứng 5% khi vay vốn ngân hàng” - ông Nguyễn Văn Mạnh, một chủ tàu vỏ thép ở huyện Phù Mỹ, nói.

Cũng theo ông Mạnh, văn bản do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương soạn sẵn ghi do không có khả năng trả số nợ trên nên giữa chủ tàu và công ty thỏa thuận cắt giảm một số chi phí và hạng mục của tàu nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, không ảnh hưởng đến quá trình khai thác, tuy nhiên thực tế chủ tàu không có thỏa thuận này.

Trong khi đó ông Nguyễn Xuân Nguyên, giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, khẳng định chính các chủ tàu ở Bình Định than không có tiền làm vốn đối ứng 5% khi vay ngân hàng nên chủ động đề xuất giảm bớt một số hạng mục của con tàu, thống nhất với cơ quan đăng kiểm, để vay tiền công ty.

Đã thu thập 
được nhiều “vấn đề”

Ngày 5-7, một lãnh đạo Công an tỉnh Bình Định cho biết đã nắm được thông tin giữa Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và các chủ tàu có cam kết riêng ngoài hợp đồng.

Không chỉ vấn đề này mà còn nhiều vấn đề khác chúng tôi cũng đã thu thập được từ khi các con tàu vỏ thép mới đóng đã hỏng, chứ không phải Thủ tướng chỉ đạo mới làm” - vị này cho biết.

Cùng ngày, ông Phan Trọng Hổ - giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định - cho hay đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu (Bộ Công an) và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương chậm nhất đến ngày 8-7 phải có các phương án chi tiết sửa chữa, khắc phục 19 chiếc tàu vỏ thép hư hỏng tại Bình Định.

“Sở sẽ thẩm định xem các phương án này có đúng với kết luận của UBND tỉnh và thỏa thuận với chủ tàu hay không, sau đó sẽ trình để UBND tỉnh phê duyệt rồi mới được tiến hành sửa chữa, khắc phục” - ông Hổ nói.

Cũng theo ông Hổ, địa điểm sửa chữa, khắc phục các con tàu hỏng phải được Trung tâm đăng kiểm tàu cá - Tổng cục Thủy sản đồng ý. Bên cạnh đó, các máy móc, linh kiện, vật liệu sửa chữa, thay thế cho các tàu bắt buộc phải có cơ quan đăng kiểm xác nhận mới được lắp cho tàu.

Theo TTO

Các tin cũ hơn