Khách Trung Quốc và ''tour 0 đồng'': Lợi gì?

Thứ bảy, 08/07/2017, 19:36
Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch muốn thu hút thêm nữa khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam.

Khách Trung Quốc chi tiêu khủng

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, trong 6 tháng đầu năm nay, khách đến từ châu Á đạt 4.572,7 nghìn lượt người, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,7% trong tổng lượt khách quốc tế đến nước ta.

Trong đó khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều tăng: Khách đến từ Trung Quốc đạt 1.887,5 nghìn lượt người, tăng 56,7%, chiếm 30,4% trong tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam.

Khách tới từ Hàn Quốc đạt 1.066,3 nghìn lượt người, tăng 43,9%, xếp sau đó là du khách tới từ Đài Loan tăng 22,9%; Ma-lai-xi-a tăng 15,9%; Thái Lan tăng 12,2%; Nhật Bản tăng 6,5%; Xin-ga-po tăng 6,2%.

Khách đến từ châu Âu đạt 979,3 nghìn lượt người, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 15,8% trong tổng lượt khách quốc tế đến nước ta.

Trong đó, du khách đến từ Liên bang Nga là 313,5 nghìn lượt người, tăng 53,4%. Xếp sau đó là khách Thụy Điển tăng 21,5%; Đức tăng 18,8%; Hà Lan tăng 17,2%; I-ta-li-a, tăng 15,6%; Vương quốc Anh tăng 13%; Pháp tăng 9,8%.

Khách đến từ châu Mỹ đạt 434,4 nghìn lượt người, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khách đến từ Hoa Kỳ đạt 320,2 nghìn lượt người, tăng 9,3%.

Du khách đến từ châu Úc đạt 202,9 nghìn lượt người, tăng 9,5%, trong đó khách đến từ Ôx-trây-li-a đạt 181,5 nghìn lượt người, tăng 10%. Khách đến từ châu Phi đạt 17 nghìn lượt người, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2016.

Khách du lịch Trung Quốc

Theo Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Trung Quốc đang đứng đầu thế giới về lượng khách đi du lịch nước ngoài và khả năng chi tiêu. Nhiều điểm đến trong khu vực đã và đang có những chính sách cạnh tranh để thu hút khách Trung Quốc.

Trung Quốc và 4 nước này hiện là 5 quốc gia có người dân tiêu nhiều tiền nhất khi đi du lịch nước ngoài trong năm 2016.

Trong năm 2016, số tiền mà du khách Trung Quốc tiêu ở nước ngoài tăng thêm 11 tỷ USD, lên mức 261 tỷ USD. Nếu tính theo đồng Nhân dân tệ, mức tăng so với năm 2015 là 12%.

Đây cũng là lý do Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch muốn thu hút thêm nữa khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam.

Bộ đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể để phát triển thị trường khách Trung Quốc. Cụ thể, các tỉnh, thành phố tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò và cách thức ứng xử đối với du khách Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần nâng cao năng lực đón tiếp, đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch, phát triển lực lượng nhân viên hỗ trợ khách Trung Quốc tại điểm đến, đặc biệt vào các dịp cao điểm…

Tiền chảy vào túi ai?

Tuy nhiên, một câu hỏi đã được đặt ra từ rất lâu đó là, mặc dù lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam không ngừng tăng lên, cộng với khả năng chi tiêu ở mức cao, song Việt Nam nhận được gì từ dòng khách này? Nhất là trong bối cảnh tour 0 đồng đang phát triển rầm rộ tại Việt Nam?.

Từng chia sẻ với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Mỹ - một chuyên gia du lịch khẳng định, bán tour 0 đồng cho du khách Trung Quốc đến Việt Nam là một hình thức kinh doanh không tốt bởi giá mua sắm, dịch vụ bị đẩy lên cao gấp 3, 4 lần.

Du lịch địa phương hầu như không được hưởng lợi, bởi toàn bộ dịch vụ phục vụ số khách này đều do doanh nghiệp Trung Quốc bao thầu. Khách được đi tham quan rất ít, chủ yếu được đưa vào các điểm mua sắm, hàng lưu niệm, ăn uống với giá cao và hiện tượng các cửa hàng chỉ bán cho khách Trung Quốc.

Bên cạnh đó là tình trạng nhồi nhét khách, giảm suất ăn chính hay thậm chí tắt điều hòa trên xe để buộc khách phải xuống điểm mua sắm... Thực trạng nêu trên không chỉ gây thất thoát nguồn thuế mà còn làm xấu hình ảnh du lịch địa phương, rộng hơn là hình ảnh du lịch Việt Nam và dẫn đến hậu quả là nhiều du khách ''một đi không trở lại''.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel khẳng định: "Thiệt hại đối với kinh tế Việt Nam là rất lớn nếu tour 0 đồng từ Trung Quốc bành trướng.

Bởi các công ty du lịch Trung Quốc vào Việt Nam kinh doanh thì phải phát sinh lợi nhuận, nhưng thuế từ lợi nhuận đấy lại không được nộp cho Việt Nam mà chuyển toàn bộ về Trung Quốc.

Hậu quả không chỉ Việt Nam thất thu toàn bộ thuế mà còn có nguy cơ đánh sập toàn bộ công ty lữ hành trong nước, làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam'', ông Kỳ nói.

Đặc biệt, khi chưa có khả năng lựa chọn thị trường chỉ phục vụ dòng khách cao cấp, chúng ta cần nhìn nhận thị trường một cách khách quan, thừa nhận và điều chỉnh quản lý song song để mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân, cho quốc gia.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn