Vụ việc Công an Hà Nội có thể khởi tố đối với các sai phạm trong 12 dự án của Tập đoàn Mường Thanh (chủ doanh nghiệp là đại gia điếu cày Lê Thanh Thản) không phải lần đầu tiên các dự án sai phạm của doanh nghiệp này được nhắc tới.
Hầu như ở địa phương nào dự án của Mường Thanh cũng dính xây dựng sai phép, không phép. Tuy nhiên việc xử lý triệt để sai phạm của cơ quan chức năng vẫn là câu hỏi lớn, khi nhiều địa phương lần lượt hợp thức hóa các sai phạm và cho tồn tại.
Tại nhiều dự án của Tập đoàn Mường Thanh đã xây dựng sai phép, thay vì cương quyết xử phạt, tháo dỡ phần vi phạm, cơ quan chức năng lại hướng dẫn thực hiện các thủ tục để được “tồn tại đúng quy định”. Hệ quả là doanh nghiệp từ sai phạm lại được một công trình có lợi.
Tháng 8/2014, dự án Mường Thanh Sài Gòn (8A Mạc Đĩnh Chi, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) của Tập đoàn Mường Thanh xây xong phần tầng hầm khi giấy phép xây dựng đã hết hạn. Điều này đồng nghĩa là dự án thi công khi chưa có giấy phép xây dựng. Tuy nhiên sau đó, phần xây dựng sai phép không những không bị cưỡng chế, tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu, mà còn tiếp tục được hoàn thiện.
Ngoài ra, theo thiết kế ban đầu, dự án này có chức năng văn phòng nhưng sau đó được chuyển đổi thành khách sạn Mường Thanh Saigon Centre.
Mường Thanh luôn được lợi sau khi cơ quan chức năng xử lý sai phạm. Ảnh: An Bình. |
Không chỉ ở Hà Nội hay TP.HCM, Tập đoàn Mường Thanh "nhân rộng" dự án sai phạm ở rất nhiều địa phương khác.
Cụ thể, vào tháng 10/2014, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cấp giấy phép xây dựng công trình Mường Thanh Khánh Hòa với chiều cao 47 tầng. Tháng 5/2015, Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa có văn bản gửi UBND tỉnh này, đề nghị tạm dừng xây dựng vì công trình thi công không đúng với quyết định của Thủ tướng về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025 (chiều cao công trình khu vực này tối đa chỉ 40 tầng). Thời điểm này, công trình đã xây dựng trái phép thêm 1.031 m2.
Tuy nhiên, thay vì xử lý đình chỉ thi công, UBND tỉnh Khánh Hòa cho chủ đầu tư thuê bổ sung diện tích nói trên. Đồng thời địa phương cũng xin ý kiến Chính phủ cho phép công trình xây 47 tầng, nhưng không được đồng ý.
Đến 9/2016, khi công trình xây đến tầng 43, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa mới thu hồi giấy phép xây dựng của công trình, sau đó ra quyết định điều chỉnh bổ sung cho phép công trình hoàn thiện từ tầng 40 trở xuống, lập lại hồ sơ theo đúng quy hoạch với 40 tầng + 2 tầng hầm. Phần xây sai phép 3 tầng của dự án vẫn chưa được xử lý.
Ngày 6/7, ông Lê Văn Dẽ, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, cho biết theo chỉ đạo của UBND tỉnh, sở này đã kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan đến việc chậm trễ, chưa xử lý triệt để các sai phạm của chủ đầu tư trong việc xây dựng công trình tổ hợp khách sạn - căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa.
Với dự án tại Cần Thơ, năm 2014, Tập đoàn Mường Thanh chỉ xin giấy phép xây dựng phần móng công trình, nhưng sau đó xây luôn khối nhà 19 tầng và khối nhà 2 tầng liền nhau.
Khi dư luận phản ánh, ngành chức năng vào cuộc thì công trình đã xây tới tầng 6.
Lúc này, thay vì đình chỉ thi công, các ngành chức năng của TP Cần Thơ lại yêu cầu chủ đầu tư bổ sung hồ sơ xin phép, chủ đầu tư sau đó đã khắc phục. Một lãnh đạo TP Cần Thơ cho rằng vì doanh nghiệp này thuộc diên thu hút đầu tư nên chỉ yêu cầu bổ sung giấy phép.
Tại Đắk Lắk, dự án khách sạn 5 sao của doanh nghiệp này tại khu đất số 81 Nguyễn Tất Thành, TP Buôn Ma Thuột cũng đã xây dựng một mạch tới tầng 10 mới “dừng lại” để xin phép. Sau khi “tuýt còi”, cơ quan chức năng đưa ra án phạt rồi chấp thuận cho bổ sung hồ sơ để cấp phép.
Bảo bối hợp thức hóa sai phạm
Việc đình chỉ, dỡ bỏ phần công trình sai phạm thường rất hiếm gặp trong xử lý của các cơ quan chức năng. Phần lớn vẫn là xử phạt hành chính và điều chỉnh bổ sung hồ sơ, để hợp thức hóa phần sai phạm trên. Đây là lý do để các doanh nghiệp luôn “vô tư” với dự án sai phạm của mình.
Nghị định 121 của Chính phủ quy định rất rõ, phần xây dựng sai phạm trước tháng 10/2013 nếu phù hợp quy hoạch thì cho tồn tại, nhưng chủ đầu tư phải đóng 40% lợi nhuận từ việc xây dựng sai phép mang lại, còn nếu không buộc phải tháo dỡ.
Đối với công trình xây dựng sau tháng 10/2013, nếu vi phạm về xây dựng bắt buộc phải cưỡng chế, tháo dỡ phần xây dựng sai phạm.
Thực tế, theo chia sẻ của một lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc, nhiều công trình, dự án xây dựng khi chưa có giấy phép quá lắm cũng chỉ bị phạt hành chính. Bước tiếp theo sẽ là cho thời gian “chạy” giấy phép, rồi cho tồn tại. Nếu quyết liệt tháo dỡ phần xây dựng sai phép thì có lẽ không doanh nghiệp nào dám “lì” đến vậy.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, quy định xử lý xây dựng sai phạm đã công bố rõ ràng nhưng trong nội hàm quy định đó vẫn có những điểm doanh nghiệp có thể dựa vào để lấp liếm những sai phạm của mình. Cụ thể như việc xử phạt nhưng vẫn cho tồn tại nếu dự án thỏa mãi được một số điều kiện, như xây dựng trong ranh đất được quy đinh, đảm bảo hạng mục...
Ngoài ra, việc giảm sát công trình lỏng lẻo, mức xử phạt cộng thêm vẫn chưa đủ răn đe các doanh nghiệp, tạo tiền lệ xấu cho việc coi thường quy định.
Theo Zing