Trung Quốc trừng phạt Triều Tiên: Giao thương biên giới đìu hiu

Thứ ba, 11/07/2017, 12:56
Nhiều khu vực gần biên giới Trung Quốc - Triều Tiên đang rơi vào cảnh đìu hiu sau khi Bắc Kinh thực thi lệnh trừng phạt, hạn chế giao thương với Bình Nhưỡng.

Thành phố Đan Đông ngày Trung Quốc còn “mặn nồng” với Triều Tiên

Các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhắm vào chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là cần thiết, báo South China Morning Post (SCMP) nhấn mạnh ngay từ đầu bài.

“Nhưng còn cuộc sống của những người dân Trung Quốc vốn phụ thuộc vào việc giao thương với Triều Tiên thì sao?”, tờ báo Hong Kong đặt câu hỏi.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sau các cuộc đàm phán và tiếp xúc Mỹ - Trung gần đây đã tuyên bố “hai nước nhất trí không để các công ty của mình làm ăn với các thực thể Triều Tiên bị Liên Hiệp Quốc cấm”.

Chưa rõ lệnh cấm giao thương có được mở rộng hay không, nhưng đối với nhiều công ty Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên, họ như đang ngồi trên lửa.

Ngồi chơi xơi nước

Ông Su Nan là doanh nhân ở thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh. Công việc làm ăn của công ty ông chủ yếu phụ thuộc vào bạn hàng bên Triều Tiên, mỗi năm kiếm vài triệu USD là chuyện thường.

Nhưng bây giờ thì khác. “Năm nay coi như không có lời. Thực tế là từ cuối năm ngoái tụi tui đã phải bắt đầu vật lộn như bây giờ, đơn hàng (từ Triều Tiên) ngày càng ít. Nói đúng hơn là ngồi chơi xơi nước suốt ngày trong văn phòng” - ông Su ngao ngán.

Nhưng đó không phải là chuyện của riêng công ty ông Su. Những lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc gần biên giới Triều Tiên ngày càng lớn trong thời gian gần đây.

Đường biên giới dài hơn 1.420km giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã mở ra cơ hội cho nhiều công ty, doanh nghiệp làm ăn xuyên biên giới.

Chỉ tính riêng ở Đan Đông đã có tới 600 doanh nghiệp kiểu này.

Kể từ khi Trung Quốc thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, ngừng nhập khẩu than và siết chặt giao thương với Triều Tiên, các thương lái Trung Quốc là người trước tiên bị ảnh hưởng.

Nhiều người nản, nhưng số khác tỏ ra tức giận và phản đối chính quyền.

Bà Wu Xiuhua, một thương lái bán trái cây ở thị xã Đồ Môn, tỉnh Cát Lâm, bức xúc: “Bán trái cây cho bạn hàng Triều Tiên là nguồn thu nhập của gia đình tôi. Nếu Trung Quốc ngừng giao thương với Triều Tiên, chúng tôi biết lấy gì sinh sống?”.

Giống như nhiều thương lái trái cây khác của Trung Quốc, trước đây bà Wu chỉ việc dông xe chạy thẳng qua sông Đồ Môn giao hàng cho phía Triều Tiên. Nhưng giờ muốn đưa thứ gì qua biên giới cũng phải xin phép, SCMP cho biết.

Không buôn bán cũng bị ảnh hưởng

Tại một công ty may mặc ở Phong Thành, tỉnh Giang Tây, giám đốc điều hành công ty khẳng định không làm ăn với Triều Tiên.

Nhưng từng chiếc nút áo khuy quần mà công ty này xuất sang Mỹ và châu Âu, trớ trêu thay lại là sản phẩm đến từ bàn tay chăm chút của hơn 100 công nhân Triều Tiên.

“Nếu Bắc Kinh mở rộng lệnh trừng phạt, cấm luôn cả chuyện thuê công nhân Triều Tiên, hoạt động kinh doanh của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực", vị này lo lắng. "Lương công nhân Triều Tiên rất bèo, kiếm đâu ra cho đủ công nhân Trung Quốc với mức lương như vậy ở Phong Thành!?”.

Hiện công ty này vẫn đang duy trì hoạt động bình thường, chưa có chỉ thị chính thức nào về chuyện hạn chế thuê lao động Triều Tiên, theo SCMP.

Tuy nhiên, đã bắt đầu có một số thay đổi có thể nhận thấy rõ.

“Hồi trước ở đây có một nhà hàng thuê rất nhiều nhân viên người Triều Tiên. Nhưng dạo gần đây mấy người này mất hút. Không ai biết tại sao họ rời đi hay đi đâu”, một cư dân Phong Thành cho biết.

Giáo sư Cheng Xiaohe, một nhà nghiên cứu quan hệ Trung - Triều tại Đại học Renmin (Bắc Kinh), nhận định: “Trung Quốc đã không còn lựa chọn nào khác để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên ngoài trừng phạt kinh tế khắc nghiệt hơn”.

Ông Cheng cho rằng điều này là hoàn toàn có thể xảy ra khi Trung Quốc đang đứng trước áp lực quốc tế ngày càng lớn.

80.000

Đó là số lao động Triều Tiên ước tính làm việc ở nước ngoài, hơn phân nửa trong số này ở Trung Quốc và Nga. Mỗi năm họ gửi về nước hơn 2,3 tỉ USD và được xem là một trong những nguồn thu ngoại tệ chủ lực của Bình Nhưỡng.

Theo TTO

Các tin cũ hơn