Quan chức Trung Quốc ngỡ ngàng vì lần đầu biết quả bơ của Việt Nam

Thứ năm, 20/07/2017, 10:03
Quả bơ là một món đặc sản, một loại quả rất phổ biến ở Việt Nam, tuy nhiên ông Lâm Thiếu Xuân - Phó Tỉnh trưởng Thường trực tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) - đã rất ngỡ ngàng khi lần đầu tiên được thưởng thức loại quả này trong bữa trưa tại Hà Nội.

Chiều 19/7, cuộc tọa đàm về Hợp tác Kinh tế thương mại Việt Nam - Quảng Đông, Hong Kong (Trung Quốc) do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức, diễn ra tại Hà Nội.

Tham dự có lãnh đạo tỉnh Quảng Đông, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), các Bộ, ngành và 14 tỉnh thành của Việt Nam, cùng gần 200 doanh nghiệp hai nước. Đây là dịp tiếp xúc, tìm hiểu về cơ hội hợp tác kinh doanh thương mại cũng như những nhu cầu theo đặc thù của từng thị trường.

Gạo Việt ít tiếng, bơ lần đầu nghe tên?

Tại buổi tọa đàm, ông Lâm Thiếu Xuân - Phó Tỉnh trưởng Thường trực tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) - đã có những trao đổi về hợp tác kinh tế và thương mại giữa tỉnh Quảng Đông và Việt Nam thời gian qua.

Tọa đàm Hơp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Quảng Đông, Hongkong (Trung Quốc), chiều 19/7

Theo ông Lâm, Việt Nam đang trong giai đoạn “tràn trề sức sống” về phát triển kinh tế thương mại, là điểm đầu tư tốt cho doanh nghiệp Quảng Đông. Các mặt hàng tiêu dùng của Quảng Đông như giày dép, sản phẩm may mặc và đồ điện tử cũng nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng Việt Nam. Năm 2016, đầu tư của Quảng Đông vào Việt Nam đạt trên 207 triệu USD.

Ông Lâm cũng không ngần ngại chia sẻ về những điều “ít biết” đối với nông sản của Việt Nam tại thị trường tỉnh Quảng Đông, trong đó nhiều sản phẩm Việt Nam có thế mạnh nhưng quảng bá chưa tốt và chưa “ghi điểm” trên thị trường này.

“Quảng Đông hơn 100 triệu dân nên có nhu cầu rất lớn về lương thực. Mỗi năm, Quảng Đông tiêu thụ 45 triệu tấn gạo, nhưng chỉ có khả năng sản xuất ra 15 triệu tấn, vì thế chúng tôi phải nhập khẩu. Tuy nhiên, từ trước tới nay khi nhắc đến gạo chúng tôi đều nghĩ tới Thái Lan chứ không phải Việt Nam, lý do là chúng tôi ít biết đến gạo của Việt Nam” - ông Lâm cho biết.

Ông Lâm Thiếu Xuân - Phó Tỉnh trưởng Thường trực tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc)

Theo Phó Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông, trong bữa trưa tại Hà Nội (trưa 19/7 - PV), ông đã được ăn cơm gạo của Việt Nam. “Vừa ăn cơm vừa được nghe Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung giới thiệu về những loại gạo rất ngon của Việt Nam nên tôi bắt đầu thấy có ấn tượng” - ông Lâm nói.

Đặc biệt, trong những chia sẻ của mình, Phó Tỉnh trưởng Lâm Thiếu Xuân tỏ ra “ngỡ ngàng” khi lần đầu tiên được ăn quả bơ - một loại đặc sản thơm ngon, bổ dưỡng, rất phổ biến và nổi tiếng ở Việt Nam.

“Trong bữa ăn trưa, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã mời tôi ăn một loại quả tên là bơ, thực sự là quả bơ rất thơm ngon và đây là lần đầu tiên tôi được ăn quả đặc sản này. Ở Quảng Đông không có bơ và chúng tôi chưa từng được biết đến quả Bơ của Việt Nam” - ông Lâm chia sẻ.

“Láng giềng nhỏ trong láng giềng lớn”

Ông Hồ Tỏa Cẩm - Tham tán Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam - cho biết: Quảng Đông là một tỉnh đi đầu về cải cách mở cửa của Trung Quốc và trong 28 năm qua, GDP của địa phương này luôn đứng đầu Trung Quốc. Trong khi đó, nền kinh tế Hong Kong có độ mở rất cao với một trung tâm tài chính, thương mại và vận tải lớn, và là trung tâm thanh toán nhân dân tệ lớn nhất Trung Quốc.

“Quảng Đông và Hongkong là hai cửa sổ quan trọng để Trung Quốc mở cửa đối ngoại và cũng là nhịp cầu kết nối Trung Quốc với thế giới. Do vậy, việc hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Hong Kong - Quảng Đông sẽ tạo một nền tảng vững chắc để hai nước kết nối các chiến lược phát triển chung” - ông Hồ nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đón tiếp Phó Tỉnh trưởng Quảng Đông Lâm Thiếu Xuân tại Hà Nội, ngày 19/7

Nói về quan hệ với Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, Việt Nam lại càng đặc biệt coi trọng quan hệ với Quảng Đông và Hong Kong bởi Việt Nam, Quảng Đông và Hong Kong chính là hai “láng giềng nhỏ trong láng giềng lớn.”.

“Việt Nam đang từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, may mặc, nông nghiệp, thủy sản. Những sản phẩm của Việt Nam có chất lượng tốt, đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe, với quy mô sản xuất ngày càng rộng, sẵn sàng thỏa mãn nhu cầu từ thị trường hơn 100 triệu dân của Quảng Đông. Trong khi đó, Hong Kong là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc rộng lớn nói chung” - Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn