|
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương trước buổi Đối thoại Kinh tế Toàn diện Mỹ - Trung hôm 19.7 ở Mỹ |
Theo CNBC, giám đốc cấp cao Nicholas Consonery của hãng tư vấn doanh nghiệp FTI Consulting nhận định về kết quả đối thoại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới: “Có một chút thất vọng”. Ông Consonery cho hay các thay đổi nhỏ, có thể là chuyện Trung Quốc mở cửa thị trường cho doanh nghiệp Mỹ hay việc đặt khuôn khổ một năm cho các cuộc đàm phán tiếp theo, đã được kỳ vọng sẽ xuất hiện. Tuy vậy, buổi đối thoại không như ý.
Giới chức Mỹ và Trung Quốc kết thúc đối thoại mà không đưa ra tuyên bố chung. Họ hủy các cuộc họp báo được lên lịch, khiến giới phân tích cho rằng đây là dấu hiệu của bất đồng sâu sắc trong vấn đề thương mại và đầu tư - hai chủ đề chính của sự kiện.
Chuyên gia Christopher Beddor tại hãng tư vấn Eurasia Group cho hay: “Rõ ràng có điều gì đó đã vỡ trong cuộc đối thoại”. Trọng tâm của vấn đề là những khác biệt trong mong muốn của Tổng thống Mỹ Donald Trump và thiện ý của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Washington đang tìm cách gia tăng xuất khẩu hàng hóa Mỹ đến Đại lục để hạ thâm hụt thương mại. Mỹ cũng muốn doanh nghiệp nhà được tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc và Đại lục giải quyết tình trạng dư cung trong ngành công nghiệp. Hiện Nhà Trắng đang cân nhắc đánh thuế thép. Hôm 19.7, Tổng thống Mỹ cho hay việc này có thể xảy ra.
Trong khi đó, Bắc Kinh có chiến dịch riêng để hạ dư cung. Vì vậy đồng ý với các mục tiêu của Mỹ trong khi chính Trung Quốc cũng đã đặt ra tiêu chuẩn cho nhiều vấn đề hệ thống khó xảy ra. Theo chuyên gia Beddor, đây cũng là thời điểm nhạy cảm về mặt chính trị ở Đại lục khi Trung Quốc chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ 19.
Chuyên gia Consonery thì nhận định với việc ông Trump sẵn sàng mạnh tay với tình trạng dư cung, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc rất có thể sẽ tăng trong nửa cuối năm nay. Một số động thái thương mại có thể xảy ra vì khác biệt căn bản giữa hai chính quyền và kết quả buổi đối thoại hôm 19.7.
Theo Thanh Niên