Kinh tế Trung Quốc lo lắng vì "thiên nga đen" và "tê giác xám"

Thứ năm, 20/07/2017, 12:49
Mặc cho kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,9% trong quý 2/2017, các nhà hoạch định chính sách vẫn tiếp tục giữ mức cảnh báo cao về rủi ro tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây cũng đưa ra quan điểm cứng rắn hơn trong việc theo dõi chặt chẽ "tê giác xám"

Không chỉ nhà đầu tư bị mất ngủ vì “thiên nga đen”, những sự kiện hỗn loạn khó dự đoán ảnh hưởng đến nền kinh tế như các vụ tấn công khủng bố hoặc bùng nổ bong bóng dot-com, mà cả giới chức Trung Quốc giờ đây cũng đang được kêu gọi phải theo dõi chặt chẽ “tê giác xám”, vốn là những mối nguy hiểm hiển hiện nhưng lại thường bị bỏ qua.

Tờ People’s Daily hôm 17.7 cảnh báo rằng chính phủ Bắc Kinh cần tăng cường tính cấp bách trong việc “ngăn chặn và giải quyết các mối đe dọa tài chính từ cả “thiên nga đen” và “tê giác xám”. Bất kỳ một dấu hiệu rủi ro nào, dù nhỏ, cũng không được bỏ qua”, bài báo cho biết.

Theo Bloomberg, cụm từ “tê giác xám” đã không được sử dụng rộng rãi trước khi cuốn sách The Gray Rhino: How to recognize and act on the obvious dangers we ignore (tạm dịch: Tê giác xám: Làm thế nào để nhận biết và hành động với những hiểm nguy rõ ràng mà chúng ta đã bỏ qua) của tác giả Michele Wucker, được xuất bản vào năm 2016.

Trong cuốn sách, tác giả dùng cụm từ trên như một cách nói ẩn dụ mô tả về các mối đe dọa mà chúng ta có thể đều đã lường trước nhưng lại chọn cách làm lơ, không quan tâm. Ví dụ như thảm họa cơn bão Katrina đổ bộ vào Mỹ năm 2005, sự sụp đổ của Liên bang Xô viết hay cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Đối nghịch với một “tê giác xám” có thể dự đoán là một “thiên nga đen” đầy bất ngờ. Một thuật ngữ phổ biến đã được Nassim Nicholas Taleb, thương nhân người Mỹ gốc Lebanon, đưa ra vào năm 2007 để chỉ những sự kiện khó ai có thể thấy trước.

“Tôi không nghĩ nhiều người đã nghe nói đến thuật ngữ “tê giác xám” hay “thiên nga đen”. Nhưng thị trường thích những loại thuật ngữ này và đó là cách để mọi người chú ý hơn vào những rủi ro đang diễn ra”, Ding Shuang, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Standard Chartered, nói.

Trong trường hợp của Trung Quốc, trọng tâm rủi ro dường như nằm ở núi nợ khổng lồ đang được dùng để tạo ra những con số tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Các nhà đầu tư cũng dồn nhiều lo ngại về phía bong bóng giá cả thị trường, với những sự lạm dụng khác nhau, bao gồm cả tín dụng, bất động sản và thị trường chứng khoán.

“Tê giác xám vẫn tồn tại khi nền kinh tế tiếp tục dựa vào tín dụng để tăng trưởng. Không có gì nghi ngờ khi tình trạng nợ nần tràn ngập của Trung Quốc đang là một thách thức nghiêm trọng”, Liu Ligang, chuyên gia kinh tế trưởng của Citigroup tại Hồng Kông, cho hay.
Các nhà lãnh đạo Đại lục, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, gần đây cũng đã đưa ra quan điểm cứng rắn hơn về “tê giác xám” trong những bài phát biểu kín tại Hội nghị Công tác Tài chính Quốc gia diễn ra hồi tuần trước. Điều này cho thấy rằng “sự giám sát chặt chẽ về tín dụng sẽ còn được tiếp tục vô thời hạn”, theo một báo cáo của Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế học tại Capital Economics.
Sự chú ý này tất nhiên là một tín hiệu tốt về lâu dài, vì bong bóng thị trường có thể trở thành thảm họa cho nền kinh tế nếu để được phép phát triển quá lớn, như ví dụ điển hình về bong bóng nhà đất giữa những năm 2000 đã châm ngòi cho khủng hoảng tài chính 2008 bùng nổ.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn