Bò có thể sản sinh kháng thể chống virus HIV

Thứ hai, 24/07/2017, 10:10
Một phát hiện 'không tưởng' đã xuất hiện trong hành trình tìm kiếm phương cách chống lại virus HIV kéo dài hàng chục năm nay trên thế giới: bò có thể sản sinh kháng thể chống HIV.

Phát hiện thú vị này có thể là một bước ngoặt cho việc tìm ra vắcxin ngăn ngừa căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS - Ảnh: OMICS International

Trên tạp chí Nature, các nhà khoa học cho biết họ đã tiêm vào 4 con bò một loại protein chứa HIV, sau đó chúng phát triển nhanh chóng một loại kháng thể phản ứng mạnh mẽ với virus HIV.

Đây là lần đầu tiên thế giới ghi nhận hiện tượng này ở động vật, trong đó có cả con người.

Theo các nhà khoa học, kháng thể trên thuộc loại kháng thể trung hòa có tác dụng ngăn chặn quá trình phát triển ở nhiều loại virus HIV. Những con bò có khả năng sản sinh được những kháng thể này chỉ 42 ngày sau khi được miễn dịch.

Trước đây, vấn đề tạo ra vắcxin phòng ngừa HIV vô cùng khó khăn bởi virus HIV thay đổi liên tục, trong khi có rất nhiều loại virus khác nhau tồn tại trên khắp thế giới. Virus HIV thậm chí biến đổi ngay trong cơ thể một người.

Thông thường, các nhà khoa học có thể phát triển những kháng thể đặc trị một loại virus nào đó, tuy nhiên lại vô dụng với những loại khác. Vắcxin phòng ngừa HIV được thử gần đây đã thất bại, không thể đưa vào sản xuất rộng rãi.

Chỉ khoảng 1% người bị nhiễm HIV cuối cùng có thể sản sinh ra được kháng thể trung hòa đủ mạnh và có thể chống lại nhiều loại HIV. Các nhà khoa học đã thử phát triển loại kháng thể này, nhưng dường như không giúp được người nhiễm HIV.

Những kháng thể trung hòa có đặc trị virus HIV thì có một số đặc điểm thú vị, trong đó có sự tồn tại của một vùng dài những amino axit trồi lên trên bề mặt của kháng thể. Phần trồi ra này sẽ kết chặt với bề mặt của virus, vì virus cũng cần tìm cánh cổng để vào tế bào.

“Bề mặt dày của virus HIV gây khó khăn cho các kháng thể kết dính với loại virus này. Những đoạn trồi amino axit dài hơn giúp kháng thể dễ xuyên qua lớp này”, Vaughn Smider - nhà nghiên cứu miễn dịch phân tử ở Viện nghiên cứu Scripps ở Califonia.

Ở người bị nhiễm HIV được phát triển kháng thể trung hòa, vùng kháng thể này (gọi là HCDR3) có khoảng 30 amino axit, dài gấp 2 lần so với bình thường, dẫu vậy vẫn rất ngắn so với vùng của bò, Smider cho biết. Đoạn amino axit dài hơn có thể gợi ra phương pháp mới giúp đặc trị virus HIV.

Smider và cộng sự đã lấy huyết thanh từ 4 con bò được miễn dịch và thử chúng với những loại virus HIV khác nhau. Kết quả là, tất cả con bò đều phát triển được những kháng thể trung hòa. Nhóm nghiên cứu sau đó quyết định thử nghiệm bò với một số lượng lớn các loại virus khác.

Sau 281 ngày, kháng thể của nó đã ngăn chặn 96% trong tổng số 117 loại virus HIV từ những tế bào bị lây nhiễm. Phải nói thêm, HCDR3 chứa đến 60 amino axit góp phần ngăn chặn 72% loại virus HIV.

Nếu các nhà khoa học có thể sản xuất ra những đoạn dài HCDR3 ở người, thì đây có thể là bước đi đầu tiên để phát triển vắcxin chống lại "căn bệnh thế kỷ".

Ngoài ra, cũng có thể tính đến việc sử dụng những sản phẩm từ kháng thể của bò để tạo ra thuốc điều trị HIV nếu kháng thể ở bò có thể ngăn chặn virus HIV trên những động vật khác.

Theo TTO

Các tin cũ hơn