Mua nhà ở Mỹ: Dễ dàng tuồn tiền ra nước ngoài

Thứ bảy, 22/07/2017, 10:57
Năm 2016, người Việt tung 3,06 tỉ USD sang Mỹ mua nhà. Thực tế này cho thấy nhiều điều, trực tiếp nhất là dù VN quản lý ngoại hối rất chặt, nhưng chuyển tiền ra nước ngoài thực tế lại... rất dễ.

Một ngôi nhà đang rao bán tại bang Louisiana, Mỹ (ảnh lớn) và nhiều trang mạng tiếng Việt rao bán nhà ở Mỹ

Theo quy định tại pháp lệnh ngoại hối, cá nhân người VN nếu không có chứng nhận đầu tư ra nước ngoài hay đi chữa bệnh... sẽ không được mang ra nước ngoài quá 5.000 USD/lần xuất cảnh. Nhưng thông qua dịch vụ chuyển tiền, muốn chuyển tiền ra nước ngoài dễ như... trở bàn tay.

Dễ dàng chuyển tiền khỏi VN

Trong vai người đi chuyển tiền cho người nhà ở Mỹ, sáng 
21-7, vào hỏi 2 cửa hàng vàng trên phố Hà Trung ở Hà Nội - đại bản doanh đổi ngoại tệ không chính thức ở thủ đô, ngay ở chỗ gửi xe bảo vệ cửa hàng đã khẳng định có dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài.

Vào trong, ông H., nhân viên cửa hàng HT, cho biết chỉ cần cho biết tài khoản của người bên Mỹ là sau 1-2 tiếng tiền vào tài khoản ngay. Phí tùy theo món tiền, nhưng ít nhất là 20 USD, còn càng nhiều tiền, phí càng cao, thậm chí sẽ thu theo tỉ lệ phần trăm.

Còn khi đến cửa hàng HV, tiếp chúng tôi là nhân viên nữ, cô trấn an ngay: phí chuyển cửa hàng chỉ lấy “tí ti” chứ không nhiều như các ngân hàng; không cần giấy tờ gì.

Khi được hỏi mức phí chuyển 20.000 USD cho người thân ở Mỹ, nhân viên cửa hàng vàng cho biết phí 150 USD, sau 2 tiếng là tiền vào tài khoản của người bên Mỹ ngay

Nhiều chiêu lách

Với việc chuyển số tiền lớn để mua nhà, dịch vụ chuyển tiền có nhiều cách “lách” hơn. Ngày 21-7, liên hệ với một người tên Hồng (Q.10, TP.HCM) với nhu cầu chuyển tiền sang Mỹ để mua nhà, chúng tôi được hướng dẫn: hẹn ngày giờ chuyển tiền.

Đến hẹn hai bên cùng giao tiền. Người ở VN chỉ cần chuyển bằng tiền Việt, sau đó đầu mối ở Mỹ sẽ chuyển lại tiền USD cho người nhận. Khi đầu mối ở VN nhận đủ số tiền, đầu mối ở Mỹ cũng chuyển ngay tiền cho người được chỉ định nhận.

“Phí chuyển tiền được tính tùy theo số tiền cần chuyển. Thường với số tiền dưới 1 triệu USD, phí dịch vụ khoảng 3%” - bà Hồng nói.

Cũng với hình thức này nhưng nhiều đối tác thực hiện tinh vi, sử dụng hai ba tầng để “lọc”. Người nhà ở VN muốn chuyển tiền chỉ cần ghi số hộ chiếu, điện thoại của người nhận. Khi đó, đối tác ở Mỹ sẽ cho người nhận số điện thoại.

Khi gọi vào số điện thoại đó, đầu dây sẽ tiếp tục cho một số điện thoại khác. Cứ như vậy, phải gọi ba, bốn số điện thoại, đối tác mới cung cấp chính xác địa chỉ nhận tiền.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc chuyển tiền chui qua đầu mối hai nước chỉ là một trong rất nhiều “chiêu”.

Với quy định chặt về kiểm soát rửa tiền, nhiều người có nguồn tiền cần giấu đang chuyển tiền bằng chiêu thức tinh vi hơn: thông qua ngân hàng ở một nước khác, không quy định chặt về dòng tiền.

Từ nước “trung gian”, số tiền “lậu” được chuyển qua Mỹ bằng con đường đầu tư, ủy thác xuất nhập khẩu, trả các chi phí dịch vụ... Ví dụ, thành lập công ty ở Mỹ. Sau đó, người có nhu cầu chuyển tiền sẽ đóng góp theo dạng đóng cổ phần.

Đôi vợ chồng trẻ ở Q.1 (TP.HCM) tìm hiểu mua nhà đất tại bang Florida (Mỹ) ( Ảnh minh họa)

Hợp thức hóa 
tiền mua nhà

Tiền mặt từ VN chuyển qua Mỹ mới chỉ là bước một. Để mua nhà cũng cần “chiêu thức” khác. Ông Hoàng Lâm, Việt kiều Mỹ, chia sẻ nhà ở Mỹ thường có giá từ 200.000 - 300.000 USD trở lên, tùy bang.

Thủ tục mua nhà ở Mỹ đơn giản. Tuy nhiên, nếu cầm tiền mặt đi mua nhà ở Mỹ rất khó vì Mỹ chặn tiền “bẩn”. Nên đã có trường hợp người Việt hợp thức hóa bằng cách chia nhỏ số tiền cần trả.

Ông V.Q.L. (TP.HCM), một người từng kết nối cho người mua nhà ở Mỹ, chia sẻ: Như ông H. có con du học ở Mỹ ba năm, đã được cấp số an sinh xã hội. Để tránh kiểm tra nguồn gốc tài sản, con ông H. mua nhà với chính sách trả góp.

Giai đoạn đầu chỉ cần đóng một số tiền nằm trong quy định không phải kê khai nguồn gốc. Số tiền dư còn lại, con ông H. để dành thanh toán theo tiến độ trả góp. Ông L. cho biết người Việt muốn mua nhà sử dụng “chiêu trò” này rất nhiều.

Ông Nguyễn Trọng Lâm (Q.1, TP.HCM) cũng từng chuyển tiền mua nhà ở nước ngoài, xác nhận cả quá trình là không dễ nhưng cũng băn khoăn nếu số tiền đó là bất hợp pháp, có nguồn gốc “không sạch”, thì lại là quá dễ...

Ông Lâm cho rằng cần xem lại cơ chế quản lý ngoại hối, bởi hiện chỉ quản được kênh giao dịch chính thức.

NAR có độ tin cậy đến đâu?

Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) - nơi vừa công bố VN trong tốp 10 nước có người mua nhà nhiều nhất ở Mỹ - là hiệp hội kinh doanh lớn nhất của Mỹ, với hơn 1,2 triệu thành viên như các nhà môi giới, thẩm định viên, cố vấn, quản lý tài sản, nhân viên bán hàng...

Từ năm 2009, NAR bắt đầu khảo sát thường niên dựa trên các thành viên của mình. Đây là tiền đề quan trọng để cho ra báo cáo hằng năm về thực trạng người nước ngoài mua nhà ở Mỹ.

Theo NAR, công dân Mỹ gốc Việt mua nhà sẽ không được tính là người Việt mua.

Báo cáo năm 2017 dựa trên cuộc khảo sát ngẫu nhiên của NAR trên 207.691 thành viên trong hiệp hội. Nói một cách khác, báo cáo của NAR có thể chỉ phản ánh đúng một phần thực trạng mua nhà của người Việt ở Mỹ.

Con số 3,06 tỉ USD thực tế có thể sẽ còn cao hơn hoặc thấp hơn nếu có một cuộc điều tra chính thức và toàn diện của Chính phủ Mỹ.

Mua xong chưa phải hết lo

Theo tính toán của một số trang môi giới nhà phổ biến ở Mỹ, giá nhà ở nước này không phải quá đắt so với VN, thậm chí nếu so diện tích, quy mô còn rẻ hơn nhiều nơi. Tuy nhiên, bên cạnh phải đáp ứng nhiều thủ tục, tiền để “nuôi” nhà ở Mỹ không nhỏ.

Sau khi mua nhà, người sở hữu bắt buộc phải mua một trong ba loại bảo hiểm là động đất, lũ lụt và hỏa hoạn. Nhưng “ngốn tiền” bậc nhất là tiền thuế bất động sản, tùy thuộc luật của mỗi bang, dao động từ 0,5 - 3%/giá trị tài sản.

Trong trường hợp người mua để ở, cách tính thuế sẽ khác; mua để cho thuê lại sẽ có cách tính khác.

Theo TTO

Các tin cũ hơn