Báo Mỹ: CIA bị thí tốt, ông Trump muốn Nga hài lòng

Thứ sáu, 21/07/2017, 19:02
CIA chấm dứt chương trình hậu thuẫn phiến quân Syria là bước đi mà Nga mong muốn lâu nay và là cách để Tổng thống Trump làm Nga hài lòng.

CIA bị thí tốt?

The Washington Post cho rằng việc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) chấm dứt chương trình hậu thuẫn phiến quân Syria là bước đi mà Nga mong muốn lâu nay và là cách để Tổng thống Donald Trump làm Nga hài lòng.

Chương trình của CIA nhằm trang bị vũ khí và huấn luyện lực lượng phiến quân Syria chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad là nền tảng trọng tâm của một chính sách từ thời chính quyền Barack Obama năm 2013, nhằm gây sức ép buộc Tổng thống Assad phải từ chức.

Các tay súng phiến quân tại Syria

Theo The Washington Post, Tổng thống Trump đã quyết định hủy bỏ chương trình này khoảng 1 tháng trước, sau khi ông họp với Giám đốc CIA Mike Pompeo và Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster trước thềm cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Đức hôm 7/7.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia và CIA từ chối bình luận về thông tin này.

Một sự kiện đáng lưu ý là sau cuộc gặp Trump-Putin, Mỹ và Nga ra thông báo về thỏa thuận hỗ trợ một lệnh ngừng bắn mới ở Tây Nam Syria, nơi mà nhiều phiến quân do CIA hậu thuẫn hoạt động lâu nay. Ông Trump miêu tả thỏa thuận ngừng bắn có giới hạn này là một trong những lợi ích của mối quan hệ tích cực với Moscow.

Tờ báo Mỹ dẫn ý kiến của giới chức nước này cho rằng việc tạm dừng chương trình trên vào giai đoạn hiện nay cho thấy ông Trump muốn tìn cách phối hợp với Nga, quốc gia vốn coi việc chống lại chính quyền Assad như một “cú đấm” vào những lợi ích của mình.

Ngoài ra, hành động này của Washington cũng được xem như là sự thừa nhận về sự hạn chế trong lợi thế sức mạnh và ý định của Mỹ trong việc loại bỏ Tổng thống Assad khỏi quyền lực.

Không có sự hỗ trợ từ CIA, phiến quân tại Syria liệu có thể tồn tại?

Giới chức cấp cao của Mỹ nói rằng chương trình mật này sẽ tạm ngừng trong vài tháng. Có khả năng, một số hình thức hỗ trợ của chương trình này có thể được chuyển sang cho các sứ mệnh khác, ví dụ cho cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) hoặc đảm bảo rằng phiến quân vẫn có thể tự bảo vệ trước các cuộc tấn công.

Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng quyết định chấm dứt chương trình này có thể khiến các nhóm cực đoan ở Syria có thêm quyền lực và hủy hoại sự tín nhiệm của Mỹ. Chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Trung Đông Charles Lister nhận định: “Chúng ta đang rơi vào bẫy của Nga”.

Một số quan chức tiền nhiệm và đương nhiệm của Mỹ ủng hộ chương trình mật này của CIA được The Washington Post dẫn lời cho rằng động thái này là một sự nhượng bộ lớn đối với Moscow.

Âm thầm chống Nga

Trang RT của Nga mới đây tiết lộ trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Đức, thì Lầu Năm Góc đã tổ chức một cuộc họp nhằm lên kế hoạch cho một cuộc chiến chống lại Moscow.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và người đồng cấp Anh Michael Fallon đã có cuộc họp tại Lầu Năm Góc.

Defense One bình luận rằng “trong khi diễn ra cuộc gặp giữa ông Trump và ông Putin, các nhà lãnh đạo quốc phòng Mỹ và Anh đã thảo luận về những phương tiện nhằm chống lại Nga”.

Cụm từ “các phương tiện để chống lại Nga” được dùng chính là cách nói uyển ngữ để nhắc tới một “kế hoạch quân sự”.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon đã phát biểu trước báo giới rằng ông “hoan nghênh” cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Nga Putin, vốn diễn ra cùng thời điểm nhưng cách khoảng 6.500 km tại Hamburg.

Tuy nhiên, những phát biểu có phần bối rối của Fallon và ông chủ Lầu Năm Góc không che đậy được một kế hoạch chống Nga chính là tâm điểm của cuộc thảo luận giữa 2 nhà lãnh đạo quốc phòng Anh và Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh giải thích: “Chúng tôi không cho rằng mối quan hệ hiện nay giữa phương Tây với Tổng thống Nga Vladimir Putin là bình thường, nhưng chúng tôi đánh giá cao cuộc đối thoại đang diễn ra”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và người đồng cấp Anh Michael Fallon

Tạp chí Defense One giải thích: “Trong khi một phần Chính quyền Trump tìm cách cải thiện quan hệ với Moscow, thì phần khác đang tự chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”.

Cách suy luận này cho thấy một sự thù địch và chống Nga đã ăn sâu trong giới chính trị Mỹ và Anh, và điều này chứng tỏ áp lực đang “đè nặng” lên Tổng thống Trump, người đã có bước tiến hữu nghị với Tổng thống Nga.

Nhà bình luận người Mỹ Finian Cunningham được RT dẫn lời cho rằng cuối cùng, Tổng thống Donald Trump đã có cuộc gặp với người đồng cấp Nga, khoảng 6 tháng sau khi ông bước vào Nhà Trắng.

Cuộc gặp này diễn ra trong bầu không khí tích cực, hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau. Thậm chí, có một số người tiên đoán về việc khôi phục mối quan hệ Nga-Mỹ.

Ông Donald Trump dường như đã biết tự đặt mình trên “tư tưởng ghét Nga” do các phương tiện thông tin đại chúng Mỹ áp đặt và thậm chí xem ông Putin có thể là một đối tác trong giải quyết nhiều vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, cuộc gặp này cũng khiến xuất hiện nhiều hơn “tư tưởng ghét Nga” và những lời chỉ trích tại Mỹ.

Các phương tiện truyền thông Mỹ và Lầu Năm Góc đã tìm cách đổ trách nhiệm một lần nữa cho Tổng thống Donald Trump. Ông chủ Nhà Trắng bị cáo buộc đã để cho Tổng thống Nga Vladimir Putin “dắt mũi” và thậm chí đã “đi ngược lại lợi ích của nước Mỹ”.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã nói rằng cuộc thảo luận của Tổng thống Trump tại Hamburg như một cuộc đối thoại với “một kẻ cắp đã vào nhà các bạn ăn trộm”.

Các tờ New York Times, Washington Post và CNN khẳng định đã có sự thông đồng giữa người con trai cả của Donald Trump và những nhân vật thân cận Kremlin và rằng những “tên cướp biển Nga” có thể đã nhắm tới các nhà máy điện hạt nhân Mỹ và Điện Kremlin có thể cung cấp tài chính cho các nhà hoạt động môi trường để cản trở ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến của Mỹ.

Tổng thống Nga Putin gặp người đồng cấp Trump tại Hamburg, Đức bên lề G20

Mỹ đang chỉ huy các cuộc tập trận quân sự quan trọng nhất trong lịch sử của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Biển Đen. Hai cuộc tập trận quân sự khác nhau đang diễn ra tại sườn phía Nam của Nga, xung quanh Bulgaria và cuộc tập trận rất gần bán đảo Crimea.

Quân đội Mỹ đã chứng tỏ tầm quan trọng của các cuộc tập trận này khi cho rằng chúng nhằm tăng cường khả năng trong tập hợp lực lượng ở các thời điểm và bất cứ đâu tại châu Âu.

Các cuộc tập trận do NATO tiến hành trong tuần này tại Biển Đen là đỉnh điểm của tháng tăng cường bố trí lực lượng quân sự tại khu vực này.

Vào tháng 1/2017, Tổng thống Nga Putin đã cảnh báo một cuộc leo thang quân sự như vậy có thể gây ra xung đột. NATO đang “đi theo con đường của mình với tốc độ cao”“hoàn toàn phớt lờ Nga”.

RT cho rằng cuộc gặp giữa hai Tổng thống Donald Trump và Vladimir Putin có ý nghĩa rất quan trọng. Tín hiệu vui được RT đánh giá là việc nhà lãnh đạo Mỹ đã có đủ sự độc lập về “tư duy” và “quan điểm” để chào đón người đồng cấp Nga Vladimir Putin một cách tôn trọng.

Tuy nhiên, RT cho rằng điều đáng quan ngại chính là việc trong khi Tổng thống Donald Trump tiến hành đàm phán thì Lầu Năm Góc không bận tâm với việc này. Một phần hệ thống chính trị Mỹ và giới quân sự nước này dường như hoạt động với một động cơ duy nhất: đó là động cơ chống Nga và hiếu chiến.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn