300 tỉ USD dự trữ có đủ để Qatar chống lại lệnh trừng phạt kinh tế?

Thứ sáu, 21/07/2017, 15:49
Không ai nghi ngờ khi Qatar tuyên bố họ có rất nhiều tiền để chống lại các biện pháp trừng phạt kinh tế từ các nước láng giềng Ả Rập. Nhưng liệu hơn 300 tỉ USD có đủ để nước này chiến đấu trong dài hạn.

Sheikh Abdullah bin Saud al-Thani, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Qatar

Theo Reuters, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Qatar, ông Sheikh Abdullah bin Saud al-Thani cho biết Doha có khoảng 40 tỉ USD dự trữ cùng với vàng và 300 tỉ USD đang nằm trong Quỹ đầu tư Quốc gia Qatar (QIA). Số tài sản khổng lồ này có thể giúp quốc gia vùng Vịnh thoải mái đối phó với ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng ngoại giao với các nước láng giềng.

Tuy nhiên, một số ngân hàng và các quỹ đầu tư lo ngại rằng nguồn dự trữ dồi dào của nhà nước siêu giàu có thể không đủ mạnh để bảo vệ tài chính của họ trong dài hạn. Ngân hàng Bank of America dự đoán sẽ có khoảng 35 tỉ USD chảy ra từ hệ thống ngân hàng Qatar trong vòng một năm nếu các quốc gia Ả Rập khác rút tiền ký gửi và cho vay. Qatar cũng có thể phải đối mặt với các khoản mất mát lớn hơn nữa trong trường hợp giá xuất khẩu khí đốt tự nhiên giảm.

Trong điều kiện khủng hoảng kéo dài, một số tài sản trong nước có thể sẽ khó bán cho người mua nước ngoài và một số phần tài sản có liên quan đến những khoản khó thanh toán ở nước ngoài cũng sẽ không thể bán nhanh để tăng tiền mặt.

Số liệu chính thức ghi nhận vào cuối tháng 5.2017 cho thấy lượng dự trữ quốc tế ròng, bao gồm cả vàng, của Ngân hàng Trung ương Qatar đạt tổng cộng 126,7 tỉ riyal, tương đương 35 tỉ USD. Trong khi đó, ông Sheikh Abdullah cho biết đã có khoảng dưới 6 tỉ USD dòng tiền chảy ra trong tháng vừa qua. Do đó, con số dự trữ quốc tế hiện tại có thể còn gần 30 tỉ USD.
Về lý thuyết, để bảo vệ và duy trì giá trị của đồng riyal so với đồng USD, thì số tiền mà Ngân hàng Trung ương Qatar phải bỏ ra từ nguồn dự trữ là 17 tỉ USD. Nếu Doha thực hiện điều này thì đồng nghĩa họ chỉ còn 13 tỉ USD để xoay sở giữa vòng vây cấm vận chưa biết khi nào sẽ chấm dứt. Và điều này hàm ý rằng QIA có thể sẽ cần phải thanh lý một phần các tài sản khác của họ khá sớm nhằm khôi phục lại nguồn tiền dự trữ trong Ngân hàng Trung ương.
Theo đánh giá của Reuters, đầu năm nay QIA đã chuyển hơn 30 tỉ USD cổ phần trong nước cho Bộ Tài chính. Số tài sản nội địa còn lại, bao gồm cả Qatari Diar, công ty con đầu tư bất động sản của QIA, và Qatar Airways có giá trị nằm trong khoảng 50 - 75 tỉ USD, đồng thời có thể vẫn còn khoảng 225 tỉ USD thuộc về số tài sản ở nước ngoài. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra cho thị trường tài chính là liệu trong số tài sản đó có bao nhiêu phần là những tài sản đầu tư dài hạn ví dụ như chuỗi trung tâm thương mại cao cấp London’s Harrods đã được nước này mua lại hồi năm 2010.
Dữ liệu Kho bạc Mỹ cho thấy trái phiếu kho bạc Mỹ mà Qatar đang nắm giữ trong tháng 4.2017 là 8,6 tỉ USD, dưới 3% tài sản QIA. Con số này ít hơn rất nhiều so với số mà Kuwait và Ả Rập Xê Út nắm giữ. Cụ thể, Kuwait sở hữu 203 tỉ USD, tương đương với 39% quỹ dự trữ và Ả Rập Xê Út là 155 tỉ USD, khoảng 30% tài sản dự trữ của nước này.
“Chúng ta hãy thử giả sử nếu có khoảng từ 20 - 30% tài sản nước ngoài của QIA là tài sản lưu động, thì bất cứ sự biến động đột ngột nào cũng có thể khiến tiền tệ Qatar gặp áp lực. Tình hình không chắc chắn này cho thấy ''đạn dược'' tài chính của nước này dường như không dồi dào như họ tuyên bố”, một số nhà quản lý các quỹ dự phòng ở New York và London lập luận.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn