Nhật báo Handelsblastt của Đức số ra ngày 19/7 đưa tin giới lãnh đạo các công ty năng lượng châu Âu cảnh báo các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga mà Mỹ đưa ra liên quan đến dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc-2 có thể tác động tiêu cực đến châu Âu.
Mỹ trừng phạt Nga để đưa khí hóa lỏng (LNG) vào châu Âu thay thế dòng chảy dầu khí từ Nga với giá rẻ. |
Giám đốc điều hành công ty Nord Stream 2 AG, đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện dự án Dòng chảy phương Bắc-2, ông Matthias Warnig nhấn mạnh hậu quả của các biện pháp trừng phạt chống Nga sẽ rất "to lớn" và ảnh hưởng đến phần lãnh thổ từ Trung Quốc đến Tây Âu.
Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty dầu mỏ OMV của Áo, ông Rainer Seele cho rằng châu Âu đang cần tăng lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga chứ không phải giảm đi.
Theo ông, vì lợi ích của châu Âu là chủ động đảm bảo ổn định nguồn cung khí đốt, do đó việc tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga là cần thiết trong bối cảnh hoạt động khai thác khí đốt ở châu Âu đang giảm.
Theo chuyên gia chính trị Nga Ilya Kharlamov, Liên minh châu Âu (EU) sớm muộn cũng sẽ phải lựa chọn giữa Nga và Mỹ.
Dẫn việc Chủ tịch Hiệp hội An ninh Munich Wolfgang Ischinger kêu gọi Washington ngừng áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với Nga, vị chuyên gia chia sẻ với Sputnik rằng, châu Âu buộc phải chọn lựa và dù thế nào, các công ty của châu Âu mới là những đối tượng bị phương hại nhất.
Ông Kharlamov cũng cho rằng, đây có thể sẽ là rào cản lớn trong quan hệ giữa Nga và EU.
Ông Kharlamov tin rằng các lệnh cấm vận của phương Tây đối với Nga mặc dù có lợi cho nhiều doanh nghiệp Mỹ, song đối với Châu Âu đây lại là một vấn đề lớn. Lý do là bởi từ lâu EU đã luôn phụ thuộc vào nguồn năng lượng do Nga cung cấp.
“Việc giới hạn hoạt động của các doanh nghiệp Nga sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với việc cung cấp khí đốt tới Châu Âu. Đây là điều không thể chấp nhận được, bởi EU không có nguồn cung khác thay thế”, ông Kharlamov đánh giá.
Vị chuyên gia Nga cho rằng, sự bất đồng về lợi ích của Mỹ và EU sẽ đẩy niềm tin của hai bên lung lạc.
Cũng theo chuyên gia chính trị người Nga, EU đã mong đợi sự hợp tác và hỗ trợ từ phía Mỹ, song họ lại thấy Washington đang tìm cách “thâu tóm thị trường năng lượng thế giới và cố tình bán dầu với giá đắt đỏ cho Châu Âu... Đây là cái giá phải trả khi anh quá lệ thuộc vào ai đó”, ông Kharlamov kết luận.
Sự gắn kết giữa Nga và châu Âu về kinh tế đã có từ lâu nay. Trong khi một bên có biến động, bên còn lại không thể không bị ảnh hưởng.
Cuộc trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga từ phía EU đủ độ mạnh để "báo cáo" với Mỹ về việc EU tuân thủ các giá trị chung với Washington, nhưng cũng vừa đủ độ sâu để Nga không bị ảnh hưởng quá nặng nề.
Đây cũng điểm mà Mỹ nắm được và tiếp tục tăng đòn trừng phạt mạnh hơn nhằm vào mạch máu của Nga với phương Tây.
Mỹ đánh thẳng vào mạch máu Nga- Châu Âu. |
Việc trừng phạt Nga về đường ống dẫn khí này kéo theo cả các công ty châu Âu đình đám. Điều này đương nhiên không làm các nhà lãnh đạo châu Âu hài lòng.
EU hiện đang đứng trước một quyết định rất khó, ngoài việc phản đối Mỹ trừng phạt cả Nga và châu Âu, liên minh này không có còn đường "trừng phạt ngược" như cách mà Moscow đã làm.
Đầu năm nay, trong một cuộc phỏng vấn với báo Deutche Welle, Chủ tịch Hiệp hội An ninh Munich - ông Wolfgang Ischinger nói rằng phương Tây cần phải tiếp tục đàm phán với Nga trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và EU đã đạt mức căng thẳng cao hơn cả thời Chiến tranh Lạnh.
Ông Ischinger nhấn mạnh rằng EU nói chung và Đức nói riêng cần một “nước Nga phồn thịnh và vững mạnh, như thế hai bên mới có thể có một mối quan hệ hiệu quả”.
Liệu châu Âu sẽ ngả về hướng nào để các công ty của họ ít bị phương hại nhất?
Theo Đất Việt