Ngày 20/7, liên quan vụ 242 cây gỗ dầu, sao loại lớn tại rừng phòng hộ ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) bị đầu độc, ông Đặng Hồng Tăng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết sẽ xử lý nghiêm những người vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ông nói: “Nếu vi phạm thì xử lý theo quy định. Việc xử lý thế nào cần dựa vào mức độ thiệt hại, hành vi và nhiều yếu tố liên quan. Quan điểm của sở là phải xử lý”.
Cây gỗ dầu chết khô. Ảnh: Ngọc An. |
Trong khi đó, ông Hoàng Đình Long, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc nói rằng cơ quan đã nhiều lần gọi ông Nguyễn Mốc (người được giao khoán chăm sóc rừng-nơi 242 cây gỗ bị đầu độc) lên làm việc nhưng người này vẫn không đến.
Ông Long cho biết: “Sáng cùng ngày, con của ông Mốc ghé ban quản lý và nói ông Mốc sẽ tới làm việc vào buổi chiều. Tuy nhiên, hết ngày mà ông vẫn không đến”.
Theo ông Long, vụ việc hàng trăm cây gỗ bị đổ thuốc độc đến chết đang được cơ quan Công an huyện Xuân Lộc điều tra làm rõ.
Trước đó, vào đầu tuần trước, khi tổ bảo vệ rừng thuộc Phân trường Trảng Táo thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc tuần tra đến khu vực rừng ở xã Xuân Hưng (Xuân Lộc) thì thấy 242 cây gỗ dầu, gỗ sao bị héo úa, chết bất thường. Kiểm tra phần thân sát đất, lực lượng chức năng phát hiện mỗi cây bị khoan 3 lỗ, sâu 5cm, bên trong chứa thuốc trừ cỏ 2,4D.
Ngoài miệng lỗ khoan được ai đó bịt kín bằng bông gòn để ngăn chất độc chảy ra ngoài. Theo Phân trường Trảng Táo, số cây gỗ bị chết cao khoảng 10m, đường kính thân từ 15-25cm và được trồng từ năm 2005 (12 tuổi).
Lỗ khoan chứa đầy thuốc độc bị bịt miệng bằng bông. Ảnh: Ngọc An. |
Ông Nguyễn Mốc được lực lượng chức năng giao khoán chăm sóc, bảo vệ 7ha diện tích rừng phòng hộ. Theo hợp đồng, ông phải quản lý, chăm sóc, bảo vệ cây và được trồng xen điều với gỗ. Sau 50 năm, ông Mốc có thể thu hoạch gỗ và trích 5-10% số lợi nhuận thu được để trả cho Nhà nước.
Tình trạng đổ thuốc độc để bức tử cây ở rừng phòng hộ từng xảy ra ở Đồng Nai. Hồi tháng 3/2013, có 150 cây giá tỵ (gỗ tếch) ở khoảnh 1 và khoảnh 4 (Tiểu khu 81, Phân trường 1 của Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Phú) bị chết do bị đổ thuốc độc vào gốc. Năm 2009, hàng nghìn cây gỗ giá trị của ban quản lý rừng này cũng bị đầu độc bằng cách tương tự.
Theo Zing