Quan chức Mỹ: Ông Putin đã thắng ở Syria

Thứ năm, 20/07/2017, 17:22
Về việc CIA ngừng hỗ trợ vũ khí cho phe đối lập, một quan chức Mỹ cho rằng: "Đây là một quyết định quan trọng... Ông Putin đã thắng ở Syria"

Mới đây, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định ngừng chương trình bí mật của CIA về hỗ trợ vũ khí và đào tạo cho các nhóm nổi dậy chống lại chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên cho biết, động thái trên là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm cải thiện quan hệ với Nga, đồng minh quan trọng bảo vệ chính phủ Assad trong cuộc nội chiến kéo dài 6 năm.

Theo quan chức Mỹ, chương trình bí mật của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) bắt đầu vào năm 2013, là một trong những kế hoạch của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama để lật đổ Assad. Tuy nhiên kế hoạch đã không đạt được kết quả như mong muốn.

Phát ngôn viên Nhà Trắng, bà Sarah Sanders, đã từ chối bình luận về vấn đề này tại cuộc họp báo hàng ngày. CIA cũng không đưa ra phát ngôn nào.

Chiến binh FSA tại Syria

Theo Reuters, quyết định trên do Cố vấn An ninh Quốc gia HR McMaster và Giám đốc CIA Mike Pompeo thống nhất sau khi trưng cầu ý kiến cấp dưới vào trước cuộc họp của ông Trump và ông Putin hôm 7/7 tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức.

Đây không phải là một phần nội dung của cuộc đàm phán Mỹ và Nga về thỏa thuận ngừng bắn ở phía Tây Nam Syria, quan chức Mỹ nhấn mạnh.

''Đó là một tín hiệu cho ông Putin thấy rằng, chính quyền Mỹ muốn cải thiện mối quan hệ với Nga'', một quan chức nhận định.

Nói với tờ Washington Post, một quan chức khác của Mỹ yêu cầu được giấu tên nhận định rằng: "Đây là một quyết định quan trọng ... Ông Putin đã thắng ở Syria".

Ilan Goldenberg, cựu quan chức chính quyền của Tổng thống Obama kiêm Giám đốc Chương trình An ninh Trung Đông tại Trung tâm An ninh Mới của Mỹ cho biết: "Có lẽ đó là một thực tế mà chúng ta buộc phải chấp nhận''.

Ngày tàn của FSA

Một khi quyết định này của Washington được thực hiện đầy đủ, thì đây được coi là động thái có thể gây ra cú sốc lớn đối với FSA được Mỹ hậu thuẫn tại miền Nam Syria, xung quanh đường biên giới Al-Tanf.

Tờ Al-Masdar News hy vọng, quân đội Hoa Kỳ sẽ rút khỏi căn cứ quân sự Al-Tanf và di chuyển đến lãnh thổ người Kurd ở Hasakah. Khi ấy lực lượng nổi dậy ở miền Nam Syria sẽ không còn ai để bảo vệ trước sức tấn công mãnh liệt của SAA.

Theo Al-Masdar News, quyết định ngừng chương trình bí mật của CIA về hỗ trợ vũ khí và đào tạo cho các nhóm nổi dậy chống lại chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad không liên quan đến Lực lượng Dân chủ Syria (SDF).

Theo nhiều nguồn tin bên lề, trong quá trình thực hiện, chương trình nói trên đã bộc lộ một số bất cập như một số phe nổi dậy được trang bị vũ trang và đào tạo chiến đấu đã đầu quân cho Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm cực đoan khác.

Phe đối lập tại Syria liên tiếp thất bại trước SAA

Thời gian gần đây, lực lượng đối lập được Mỹ tại nam Syria đã chiến đấu không hiệu quả, liên tục chịu thất bại trước quân đội Syria. Nhiều căn cứ chiến lược tại khu vực này đã rơi vào tay SAA. Nói cách khác, khả năng ''lật kèo'' của phe đối lập đã hết hy vọng.

Từng bình luận về quyết định ''đóng băng'' chương trình hỗ trợ FSA hồi tháng 2/2017, Larry Johnson một quan chức CIA đã nghỉ hưu cho rằng: ''Tôi nghĩ đều chúng tôi cần phải thừa nhận lực lượng đối lập này hoạt động không hiệu quả''

Ông Johnson nhắc đến FSA như một tổ chức ''hầu như không tồn tại'', cho rằng nó chưa bao giờ thực sự là ''một lực lượng quân sự chiến đấu hiệu quả trên chiến trường'' và phần lớn chỉ phục vụ như ''công cụ tuyên truyền'' để biện minh cho chính sách của Mỹ cùng đồng minh đang theo đuổi ở Syria: lật đổ chính quyền Bashar Assad.

Mỹ rút một chân khỏi bãi lầy Syria

Giới phân tích cho rằng, việc Mỹ ngừng chương trình bí mật của CIA về hỗ trợ vũ khí và đào tạo cho các nhóm nổi dậy chống lại chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là một trong những bước nằm trong kế hoạch rút chân khỏi bãi lầy Syria của Washington.

Ban đầu, FSA được Mỹ huấn luyện, cung cấp một lực lượng đông đảo cố vấn quân sự, viện trợ và vũ khí. Sau đó, FSA chỉ còn nhận được vũ khí, và cuối cùng FSA chính chức bị Mỹ bỏ rơi khi chính thức cắt viện trợ cho lực lượng này.

Việc rút khỏi Syria đã từng được giới chức Mỹ tính đến, nhất là sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. Chính giới chức Mỹ thừa nhận họ gần như không còn cơ hội để tạo bước đột phá để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 5 năm rưỡi qua ở Syria.

Mỹ muốn rút chân khỏi bãi lầy Syria

Trước đó, hồi tháng 9/2016, khi mà cũng diện Syria còn chưa được định hình thì một học giả Mỹ, ông Enea Gjoza - chuyên viên khoa học của Trung tâm Defense Priorities đã khuyên Hoa Kỳ "nhường" Syria cho Nga.

Đó là phương án tốt nhất đối với Washington hiện nay để ''chuyển gánh nặng'' sang cho Moscow và rảnh tay thực hiện những chiến lược khác đang còn dang dở.

''Mỹ nên từ bỏ Syria và nhường lại quyền kiểm soát ở đó cho Nga - điều đó là cần thiết để bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ'', ông Enea Gjoza nhấn mạnh.

Theo ông Washington cần phải nhường đường cho Liên bang Nga, bằng cách chính thức công bố ngừng hỗ trợ cho các chiến binh và rút không quân khỏi các căn cứ xung quanh Syria.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn