Không nên để Bộ TN-MT kiểm tra
Ngày 20/7, báo chí dẫn lời một lãnh đạo Bộ TN-MT khẳng định sẽ cho khảo sát lại đáy biển xem có đúng như các bên báo cáo hay không. Xem có đúng là đáy biển chỉ toàn cát hay không. Bộ sẽ làm thật thận trọng, chính xác chứ không mù quáng.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Lê Diên Dực - Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học quốc gia Hà Nội cho biết:
"Khu vực biển sử dụng để nhấn chìm hàng triệu m3 bùn cát thải có diện tích là 30ha, có độ sâu lớn nhất là 36,1m, nằm tại vùng biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận.
Khoảng cách tương đối từ vị trí nhấn chìm đến vùng bảo vệ của Hòn Cau là 8.000m, vùng bảo vệ của bãi cạn Breda là 4.600m và đến vành đai bảo vệ của khu bảo tồn biển là khoảng 2.000m.
Theo như khẳng định của lãnh đạo Bộ TN-MT trước đó với báo chí là dưới đáy biển chỉ có cát, không có các hệ sinh thái, sinh vật như cỏ biển, san hô hay khu vực mà sinh vật biển sinh sản, nghe mà thấy vô lý quá".
Khu vực đáy biển khu bảo tồn Hòn Cau, cách vị trí nhận chìm hơn bốn hải lý có một hệ sinh thái biển trù phú, quý hiếm. |
Bên cạnh đó, theo ông Dực, việc đổ hàng triệu m3 bùn cát thải sau nạo vét xuống đáy biển là không nên, vì đã gọi là bùn cát thải thì ô nhiễm là đương nhiên.
Trong khi, chúng ta đang coi đây là vùng biển quan trọng cả về phát triển kinh tế và bảo tồn. Cho nên, đã đưa chất thải vào vùng biển quan trọng là hành động không nên làm.
"Nói bùn thải của biển lại đổ xuống biển mà không ảnh hưởng gì là không đúng, bởi vì ở chỗ này có khi phù hợp, nhưng sang chỗ kia lại không phù hợp vì hệ sinh thái khác nhau hoàn toàn. Rải lớp bùn cát thải nên vùng bề mặt của đáy biển lại có sinh vật đang sinh sống thì coi như làm nó nghẹt thở, chết dần. Về nguyên tắc chắc chắn sẽ ảnh hưởng, chứ không có chuyện an toàn.
Dưới đáy biển khu vực này không thể chỉ có cát không, mà còn có hệ sinh vật, sinh thái bên dưới, có thể nó không có những sinh vật hữu hình nhìn thấy ngay như cỏ biển, san hô, nhưng lại có các sinh vật nhỏ bé như các loại tảo sinh sống, đây là sinh vật quan trọng, vì nó là thức ăn cho cá, tôm, thủy sản biển. Ngay cả dưới đấy bùn cát những con như sá sùng, phải bới lên mới nhìn thấy được, về nguyên tắc bất kỳ một hệ sinh thái nào cũng đều có sự sống.
Nói không có là không đúng vì đây không phải vùng nước chết, khi nào có in trên bản đồ là vùng nước chết thì mới đúng không có hệ sinh vật. Khi chưa được liệt kê vào vùng nước chết thì chắc chắn có sinh vật sinh sống, mà sinh vật đó phải nhìn bằng kính hiển vi, kính lúp mới thấy.
Cần phải sử dụng khôn khéo đất ngập nước, trong đó vùng biển, không nên làm thay đổi hệ sinh thái", ông Dực phân tích.
Mặt khác, khoảng cách từ vùng nhấn chìm bùn cát thải sang khu bảo tồn biển Hòn Cau chỉ 8km không phải quá xa, nó có luồng nước đi ngầm, theo sóng, theo gió vận chuyển đi, dù bề mặt có thể không thấy sự thay đổi nào.
Hơn nữa, lãnh đạo Bộ TN-MT đã từng lên tiếng khẳng định vùng đáy chỉ có cát, mà Bộ TN-MT lại vào cuộc kiểm tra lại, chỉ sợ rằng xảy ra tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Còn về mặt khoa học, năng lực, Bộ thừa khả năng kiểm tra chính xác vùng đáy biển này, nhưng chỉ sợ không có sự khách quan.
Cho nên, cần có một cơ quan khoa học độc lập làm báo cáo đánh giá tác động môi trường, còn nói đáy biển toàn cát là quá vô lý.
Hệ sinh vật rất phong phú
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, GS.TS. Nguyễn Văn Chung - Viện Hải dương học Nha Trang, người có hàng chục năm nghiên cứu hệ sinh vật vùng đáy biển sâu, từ vịnh Bắc Bộ đến Kiên Giang, độ sâu từ ven bờ đến 100m, có cả vùng biển Bình Thuận, cũng cho hay:
"Hệ sinh vật vùng biển này rất đa dạng, nhiều động vật thân mềm, một số loại giáp sát như giun đầu tơ, cho nên, nói chung tôi có nghe việc nhà máy điện Vĩnh Tân muốn đổ hàng triệu m3 bùn, cát thải xuống biển, không tin đây là sự thật.
Không nên nhấn chìm 1,5 triệu m3 thải nạo vét xuống vùng biển Tuy Phong, Bình Thuận |
Có thể ở độ sâu 36,1m thì không có san hô, nhưng tôi đã nghiên cứu cả vùng biển sâu 100m vẫn có sinh vật tồn tại, nói không có sinh vật là sai lầm, không đúng. Hiện nay, có đoàn khảo sát của Viện Hải dương học đang nghiên cứu, chắc chắn là có.
Theo tôi nghiên cứu trước đây, thì chủ yếu là sinh vật nhỏ như giun đầu tơ, một số động vật thân mềm cỡ nhõ, động vật giáp xác, đây là thức ăn quan trọng của loài cá.
Phía dưới nữa là có sinh vật đáy kéo từ Nam Bình Thuận xuống Vũng Tàu, là thức ăn quan trọng của loài cá. Lùi vào bên trong là một số loại sò có giá trị của Bình Thuận, thậm chí là đặc sản.
"Vì thế, cần phải khảo sát kỹ lưỡng, phải kết hợp với Viện hải dương học vì họ có đội thợ lặn lấy mẫu, có đội tàu hải quân, tàu khảo sát để nghiên cứu lớp bùn, có quy phạm điều tra sinh vật đáy.
Tất cả phải dựa vào quy phạm điều tra sinh vật biển Việt Nam đã được công bố cách đây hơn 20 năm", ông Chung nhận định.
Theo Đất Việt