Mỹ bị động
Trung Đông từng xôn xao khi Phó thái tử Mohammed bin Salman bất ngờ được Hoàng gia Saudi Arabia lựa chọn thay thế vị trí của Thái tử Muhammad bin Nayef.
Theo New York Times, việc thay thế thái tử đã được Quốc vương Salman bin Abdulaziz chuẩn bị ngay từ khi lên nắm quyền năm 2015.
Đêm ngày 21/6, thời điểm kết thúc tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo, thái tử bin Nayef đã được triệu tập đến gặp quốc vương Salman ở cung điện hoàng gia trong thánh đường Mecca.
Đây là một cuộc gặp có cả nhiều thành viên hoàng gia khác nhưng nó lại diễn ra hoàn toàn bất ngờ với bin Nayef và thậm chí ông còn bị tịch thu điện thoại trước khi bước vào cung điện.
Quốc vương Salman và những thành viên hoàng gia khác đã thông báo cho bin Nayef rằng, việc ông từ bỏ chức vị thái tử là điều thích hợp do ông có sức khỏe ngày một xấu, cộng thêm chứng bệnh nghiện thuốc giảm đau, vốn sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng làm việc.
Tân thái tử Bin Salman hôn tay bin Nayef |
Bin Nayef ban đầu đã từ chối nhưng sau đó buộc phải chấp nhận khi trời rạng sáng. Quyền thừa kế ngai vàng sau đó được trao lại cho Mohammed bin Salman, con trai ruột của Quốc vương Salman.
Sứ giả của Quốc vương Salman đã được cử ngay đến nhà riêng của những thành viên trong Hội đồng Tân trung để thu thập chữ ký. Đây là hội đồng chịu trách nhiệm trong việc phế truất và bổ nhiệm thái tử. Kết quả là 31 trong tổng số 34 người của hội đồng này đã đồng ý với quyết định phế truất thái tử bin Nayef.
Sáng sớm 22/6, chính quyền Ả-Rập Saudi cũng công bố rộng rãi ngay sự thay đổi quan trọng, cùng với đó là bức ảnh tân thái tử Bin Salman hôn vào tay bin Nayef như miêu tả rằng đây là sự chuyển giao quyền lực mượt mà.
Bin Nayef rời Mecca đến cung điện của mình ở thành phố cảng Jida nhưng không được phép rời đất nước.
Theo giới chức Mỹ, các quan chức tình báo cấp cao của nước này cùng Tổng thống Donald Trump cũng không thể ngờ đến quyết định của Quốc vương Salman và phải họp bàn tại Nhà Trắng do lo ngại tướng tình báo Abdulaziz al-Huwairini, người phụ trách việc trao đổi thông tin với phía Mỹ cũng bị sa thải.
Tuy nhiên, Abdulaziz al-Huwairini đã nhanh chóng cam kết trung thành với tân thái tử Mohammed bin Salman nên vẫn được giữ chức vụ.
Theo New York Times, Quốc vương Salman và tân thái tử không xuất hiện trong hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua ở Hamburg, Đức là do lo ngại nhiều biến động sẽ xảy ra trong nước.
Dấu tay của ông Donald Trump
Như vậy theo, New York Times, Mỹ hoàn toàn bị động trước quyết định của Quốc vương Salman.
Trong khi đó, các nhà phân tích của DEBKAfile lại coi đây là kết quả của một chiến lược khu vực và toàn cầu của Mỹ, do tân Tổng thống Donald Trump khởi xướng ngay sau khi ông bước chân vào Nhà Trắng vào hồi tháng 1/2017.
Hồi tháng 3, Bin Salman có cuộc gặp với ông Trump tại Nhà Trắng. Cuộc gặp được xem là thành công lớn của phó thái tử trong việc xây dựng mối quan hệ Riyadh-Washington cũng như khiến cho Tổng thống Mỹ quyết định thăm chính thức Saudi Arabia đầu tiên trong chuyến công du Trung Đông.
Chuyến đi của ông Trump tới Riyadh và Jerusalem hồi đầu tháng 6 đã đặt nền móng cho sự thành lập một khối liên minh quân sự Hoa Kỳ - Ả Rập Sunni mới có thêm sự góp mặt của Israel (còn được gọi là NATO Ả rập) đối chọi với liên minh người Shiite của Iran-Syria.
Khối này đang còn rất mới và vẫn đang trong quá trình hình thành cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động, chưa thể hiện được sức mạnh và chứng minh sự khôn ngoan trong các chính sách của mình nhưng bộ khung lãnh đạo của nó đã được hình thành.
Việc bin Salman lên làm Thái Tử phù hợp với lợi ích của Mỹ |
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ giữ vai trò lãnh đạo cùng với Hoàng tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia; một vị hoàng tử của Các tiểu vương quốc Arập thống nhất Sheikh Mohammad bin Zayed Al Nahyan; Tổng thống Ai Cập Abdul-Fatteh El-Sisi và Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu.
Israel - vốn trước đây bị các quốc gia Ả rập coi là đối thủ không đội trời chung sẽ lần đầu tiên được chấp nhận trong một liên minh khu vực của các nước Ả Rập Sunni mạnh nhất. Tât cả là do họ đều có cùng mục tiêu tối thượng là ngăn chặn Iran nói riêng và người Shiite nói chung.
Trước đây, các nhà phân tích không nghĩ đến việc Riyadh sẽ đưa Mohammed bin Salman - người được coi là một nhà cải cách kinh tế xã hội có tầm nhìn xa trông rộng, nhưng vẫn còn quá trẻ, bốc đồng và thiếu sự kiên nhẫn - lên ngôi vị cai trị vương quốc này.
Quyết định của bin Salman đẩy Saudi Arabia vướng vào cuộc chiến ở Yemen, mà nhiều người tin rằng nó không thể giành chiến thắng, được coi là bằng chứng về bản chất liều lĩnh và sự thiếu tỉnh táo của ông ta. Nhưng điều này có lẽ lại phù hợp với Mỹ.
Với sự bổ nhiệm bin Salman là người cai trị vương quốc dầu mỏ trong tương lai, con trai của vị vua Saudi Arabia hiện đã sẵn sàng bước vào vị trí được giao của ông trong một liên minh mới giữa Mỹ và Ả rập cùng với Israel, nhằm tìm cách thống trị các vấn đề ở Trung Đông.
Theo Đất Việt