Qatar hạ mình sau khi 4 nước vùng Vịnh nhường lời

Thứ bảy, 22/07/2017, 09:44
Cuộc khủng hoảng ngoại giao ở Qatar đã dần đi tới hồi kết sau khi 4 nước vùng Vịnh chịu nhường bước, Doha cũng sẵn sàng sửa lỗi.

Giới chức Qatar ngày 20/7 đã công bố tiến hành sửa đổi luật chống khủng bố trong một Nghị định Hoàng gia.

Hãng thông tấn nhà nước Qatar (QNA) dẫn lời Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani cho biết, các điều khoản sửa đổi trong Luật chống khủng bố năm 2014 của Qatar bao gồm việc xác định khái niệm về chủ nghĩa khủng bố, hành động khủng bố, phong tỏa việc tài trợ và cung cấp tài chính cho khủng bố.

Qatar đã chịu xuống nước với vùng Vịnh.

Luật chống khủng bố sửa đổi cũng đề ra 2 danh sách khủng bố nhà nước và đặt ra các quy định về việc liệt kê cá nhân và tổ chức vào mỗi danh sách này.

Đây được cho là bước tiến quan trọng thể hiện nỗ lực của phía Qatar sau những thiện chí từ phía 4 nước vùng Vịnh giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao kéo dài suốt hơn 1 tháng qua.

4 nước Arabia đã giảm số lượng yêu sách từ 13 xuống chỉ còn 6 yêu cầu Qatar phải thực hiện, bao gồm: Chống khủng bố, cực đoan; cắt tài trợ cho các tổ chức khủng bố; không tạo nơi trú ngụ an toàn cho các tổ chức này; chấm dứt kích động thù ghét, bạo lực và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.

Đồng thời, Qatar phải thực hiện đầy đủ các Hiệp định ký năm 2013 và 2014 trong khuôn khổ Hội đồng Hợp tác các nước Arab vùng Vịnh và kết quả hội nghị thượng đỉnh Arabia -Mỹ hồi tháng 5 vừa qua.

6 yêu sách trên là những điểm tới hạn cuối cùng mà các nước Arabia chấp nhận đối với Qatar sau khi cáo buộc Doha hỗ trợ khủng bố.

Và việc Doha sửa đổi luật chống khủng bố cũng là cách thể hiện thiện chí, thực hiện yêu sách đầu tiên mà các nước Arabia đưa ra.

Giới quan sát cho rằng, sau khi kênh truyền thông Mỹ CNN tung ra chi tiết bản thỏa thuận Riyadh và thỏa thuận Riyadh mở rộng được ký kết nội bộ giữa các quốc gia vùng Vịnh, uẩn khúc trong cuộc căng thẳng ngoại giao này ngày càng được lộ rõ.

Hai bản thỏa thuận nêu rõ, các thành viên GCC không được can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không được hỗ trợ tài chính và chính trị cho các tổ chức chống đối các chính phủ.

Cụ thể, không được hỗ trợ phong trào Anh em Hồi giáo ở Ai Cập, các nhóm ủng hộ lực lượng chống chính phủ ở Yemen và Ả-rập Saudi mà có thể đe dọa đến an ninh và ổn định của các thành viên GCC.

Thỏa thuận Riyadh cũng quy định các bên không được ủng hộ truyền thông đối lập, ám chỉ đến đài vệ tinh Al Jazeera ở Qatar.

Như vậy, chính Qatar cũng không hoàn toàn là "người bị hại" còn 4 nước vùng Vịnh nhân cơ hội đó để cáo buộc nặng nề thêm cho Doha, đòi hỏi các yêu sách có lợi cho mình. Hai bên đều có lý và cũng đều sai khi gia tăng căng thẳng trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng ngoại giao.

Cho tới nay, sau khi 4 nước vùng Vịnh giảm số lượng các yêu sách mà họ cho là không thể tối giản hơn, Qatar cũng đã thể hiện nỗ lực để thực hiện các yêu sách.

Tín hiệu kết thúc cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh đã dần xuất hiện.

Qatar không nguôi căng thẳng với UAE?

Dù các tín hiệu hạ nhiệt đã dần lộ rõ, các quan chức Qatar vẫn liên tục cáo buộc Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã gây ra cuộc khủng hoảng làm thiệt hại lớn về tài chính ở vùng Vịnh.

Doha cáo buộc, UAE đã châm ngòi cho sự rạn nứt ngoại giao giữa Qatar và các nước láng giềng thông qua một vụ tấn công mạng nhằm vào các hãng thông tấn nước này để đưa ra các thông tin sai sự thật.

Người đứng đầu bộ phận Công nghệ thuộc Bộ Nội vụ Qatar, Trung tá Ali Mohammed al-Mohannadi cho biết: "Người thứ ba và cũng quan trọng nhất là người đã hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng. Nước này đang chờ đợi những thông tin sai sự thật được tung ra.

Tôi nghĩ, đây chính là người đứng đằng sau các vụ tấn công mạng và lan truyền những thông tin sai sự thật nhằm chia rẽ Qatar với các quốc gia láng giềng. Những cuộc tấn công này được lên kế hoạch trong nhiều tháng trước đó".

Tấn công mạng vào hãng thông tấn của Qatar khiến khủng hoảng vùng Vịnh xảy ra không kiểm soát?

Bộ Nội vụ Qatar khẳng định, các hoạt động bất thường đã được phát hiện trên trang mạng của Hãng thông tấn Qatar QNA, được lần theo từ những trang mạng xuất phát từ bên trong lãnh thổ của UAE.

Đứng trước các cáo buộc, UAE vẫn bình thản trước các động thái hạ nhiệt của Doha.

Trên trang mạng xã hội Twitter, Quốc vụ khanh phụ trách ngoại giao UAE Anwar Gargash đăng tải một thông điệp nêu rõ: "Sắc lệnh sửa đổi luật chống khủng bố của Qatar là một biện pháp tích cực để nghiêm túc xử lý 59 đối tượng khủng bố. Sức ép của khủng hoảng đã bắt đầu mang lại những kết quả, và cách giải quyết khôn ngoan hơn sẽ thay đổi toàn bộ định hướng."

Trước đó, tờ Washington Post ngày 16/7 dẫn lời quan chức tình báo giấu tên của Mỹ cũng xác nhận, chính Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất đã triển khai một chiến dịch tấn công mạng vào hàng loạt trang tin điện tử và trang mạng xã hội của Qatar, nhằm đăng những trích dẫn sai liên quan đến Tiểu vương nước này, khơi mào cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh chưa từng có tiền lệ.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích