|
Trung tâm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận) - nơi dự kiến cấp phép nạo vét luồng, vũng quay tàu trước cảng rồi đem nhận chìm xuống vùng biển Vĩnh Tân |
Ông cũng cho rằng có trách nhiệm liên can của cơ quan thẩm định, cấp phép là Bộ TN-MT.
Sau khi xem ý kiến phó tổng giám đốc Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 giải thích về việc tự ý đưa tên nhà khoa học vào danh sách “tham gia thực hiện dự án nhận chìm ở biển” (Tuổi Trẻ ngày 21-7), TSKH Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, phân tích:
“Theo các quy định pháp luật về khoa học và công nghệ, khi muốn ghi tên một nhà khoa học tham gia một công trình, dự án nào, việc đầu tiên phải có được sự thỏa thuận bằng văn bản của nhà khoa học ấy rồi mới được đưa tên họ vào.
Bất kỳ nhà khoa học nào khi tham gia một dự án, công trình đều phải đăng ký rất rõ ràng và phải được cơ quan xác nhận. Trong hồ sơ dự án bắt buộc phải có văn bản cam kết do chính nhà khoa học tự viết về năng lực, tư cách pháp nhân của mình và cách để liên hệ khi tham gia dự án, công trình đó”.
TSKH Nguyễn Tác An khẳng định với PV: “Các đơn vị lập dự án và cả các cơ quan thẩm định dự án đều không liên hệ gì với tôi. Và tôi cũng không làm bất cứ việc gì liên can đến dự án ấy. Vì vậy, việc họ tự ý đưa tên tôi vào danh sách “các thành viên tham gia thực hiện dự án” dù là phiên bản dự thảo ban đầu cũng không phù hợp quy định hiện hành".
TSKH Nguyễn Tác An cho rằng không chỉ có cái sai của các đơn vị lập dự án mà còn có cả trách nhiệm của cơ quan thẩm định, cấp phép cho dự án là Bộ TN-MT do dự án có sai phạm ấy vẫn được Bộ chấp thuận, cấp phép.
|
Trung tâm Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận) - nơi dự kiến cấp phép nạo vét luồng, vũng quay tàu trước cảng rồi đem nhận chìm xuống vùng biển Vĩnh Tân |
Tuy nhiên trao đổi với PV, một lãnh đạo Tổng cục Biển và hải đảo VN khẳng định: “Trong bản hồ sơ cuối cùng chủ đầu tư trình Bộ TN-MT ngày 5-4-2017 không có tên nhà khoa học Nguyễn Tác An.
Việc mạo danh nhà khoa học này ở giai đoạn trước khi trình lên Bộ TN-MT đó là trách nhiệm của chủ đầu tư, của đơn vị tư vấn với các nhà khoa học”.
Ông An kiến nghị: “Dự án này bắt buộc phải dừng lại để làm lại cho chặt chẽ, làm đúng pháp luật thì mới cho triển khai. Nếu vẫn để cho tiến hành giăng lưới, thực hiện dự án sẽ gây tác hại rất lớn đến môi trường”.
Tương tự ý kiến của ông An, Hội Nghề cá VN vừa có công văn kiến nghị “Chính phủ cho tạm dừng thực hiện khẩn cấp” giấy phép của Bộ TN-MT về việc cho phép Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 đổ gần 1 triệu m3 bùn, cát nạo vét luồng lạch ra vùng biển gần khu bảo tồn sinh vật biển Hòn Cau (Bình Thuận).
Hội cũng kiến nghị thành lập tổ chức độc lập kiểm tra, xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường do việc đổ chất thải nạo vét; xem xét quy trình thẩm định dẫn tới cấp giấy phép của Bộ TN-MT.
Khi nào giao biển mới được nhận chìm Ông Phạm Ngọc Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo VN - khẳng định như vậy khi trao đổi với PV về việc Bộ TN-MT đã cấp giấy phép cho nhận chìm bùn thải nói trên. Ông Sơn giải thích: “Theo quy định, giấy phép nhận chìm dù có hiệu lực tức thì nhưng giấy phép này chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ điều kiện để thực hiện nhận chìm. Để đủ điều kiện thực hiện việc nhận chìm phải được cơ quan có thẩm quyền giao khu vực biển cho nhận chìm. Hiện nay chỉ mới trong giai đoạn xem xét giao khu vực biển để nhận chìm và Viện Hải dương học đang thực hiện quan trắc giám sát ở đó. Trong trường hợp phát hiện ở đó có hệ sinh thái quan trọng mà không giống như báo cáo khả thi của việc nhận chìm nêu thì việc xem xét giao biển cho nhận chìm sẽ phải cân nhắc”. |
Theo TTO