Lùm xùm BOT Cai Lậy: Tiền Giang tiết lộ sốc

Thứ sáu, 18/08/2017, 11:41
Tiền Giang chỉ đề nghị Bộ GTVT xem xét làm đường tránh qua huyện Cai Lậy bằng ngân sách nhà nước chứ không phải kêu gọi đầu tư BOT.

Tiền Giang chỉ đề nghị làm đường tránh bằng ngân sách

Liên quan đến trạm thu phí BOT Cai Lậy, sáng 18/8, một lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã cung cấp nhiều thông tin mới cho báo chí.

Theo vị này, xuất phát từ việc kẹt xe các ngày cao điểm ở ngã tư huyện Cai Lậy nên UBND tỉnh có đề nghị Chính phủ và Bộ GTVT xem xét làm đường tránh qua huyện này.

Tiền Giang chỉ đề nghị Bộ GTVT xem xét làm đường tránh qua huyện Cai Lậy bằng ngân sách nhà nước chứ không phải kêu gọi đầu tư BOT.

“Tỉnh mong muốn có con đường tránh để giảm tải Quốc lộ 1 bằng tiền ngân sách nhưng không rõ vì sao sau đó Bộ GTVT kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT”, tờ Người lao động dẫn lời vị lãnh đạo này nói.

Cũng theo vị lãnh đạo, dự án trên là của Bộ GTVT, tỉnh chỉ tham gia giai đoạn giải tỏa mặt bằng. Các khâu còn lại từ vị trí đặt trạm thu phí, giá thu phí, chủ đầu tư là ai thì không biết.

Đặc biệt, việc Bộ GTVT cho rằng tỉnh Tiền Giang đề nghị đưa thêm hạng mục “Tăng cường mặt đường Quốc lộ 1” vào dự án là hoàn toàn không có.

“Cả dự án này, Bộ GTVT và chủ đầu tư thực hiện chứ tỉnh không có đề nghị nào cả”, vị này nhấn mạnh.

Bộ GTVT không di dời trạm BOT

Trong một diễn biến có liên quan, chiều 17/8, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã chủ trì buổi họp báo về những vấn đề bức xúc xung quanh trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) trong hai tuần qua.

Ngay từ đầu buổi họp, vấn đề vị trí đặt trạm thu phí khiến nhiều lái xe bức xúc, phản đối đã được báo chí đặt ra.

Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc  Đông khẳng định, đối với Cai Lậy, trạm đặt trong phạm vi của dự án.

Ông Đông khẳng định, khi phê duyệt dự án Bộ GTVT đều có lấy ý kiến của cơ quan như địa phương, HĐND, đoàn ĐBQH, Bộ Tài chính. Ngoài ra việc căn cứ phương án tài chính là hài hòa lợi ích để vừa có đường tốt để đi nhưng nhà đầu tư phải cân đối vốn, có lợi nhuận, người cấp vốn cũng phải xem khả thi người ta mới cấp vốn.

Với trạm BOT Cai Lậy, ông Đông cho biết có nâng cấp, cải tạo mặt đường, các cầu trên quốc lộ 1 và làm tuyến tránh nữa.

Ông Đông cũng khẳng định sẽ không dời BOT Cai Lậy dù người dân và lái xe tiếp tục phản đối. Hơn nữa, việc dùng ngân sách để mua lại phần nội thị Cai Lậy sẽ không đủ kinh phí, vì ngân sách cấp cho ngành GTVT rất hạn chế.

“Bộ GTVT khi xem xét sự việc ở trạm BOT Cai Lậy phải dựa trên yếu tố hài hòa giữa các bên Nhà nước, chủ đầu tư, người dân. Chính vì vậy, dù người dân tiếp tục phản ứng Bộ quyết định không di dời BOT”, ông Đông nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 16/8, sau cuộc họp với đại diện chủ đầu tư và UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT đã quyết định giảm phí ở trạm BOT Cai Lậy đối với các xe từ loại 1 đến loại 5 từ ngày 21/8.

Các bên cũng thống nhất giảm 100% giá dịch vụ cho các phương tiện loại 1 và loại 2 của chủ sở hữu có hộ hộ khẩu thường trú (không kinh doanh vận tải) tại 4 xã: Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An thuộc huyện Cai Lậy; giảm 50% giá dịch vụ cho các phương tiện còn lại tại 4 xã trên và xe buýt hoạt động nội tỉnh Tiền Giang. Thời gian áp dụng trước ngày 10/9.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích